Khảo sát PISA: Việt Nam là điển hình về kết quả học tập cao so với mức đầu tư

Chi tiêu giáo dục cho mỗi học sinh Việt Nam từ 6-15 tuổi chỉ khoảng 13.800 USD trong khi ở các quốc gia OECD, mức chi tiêu là 75.000 USD, nhưng điểm môn Toán của học sinh Việt đạt trong top cao nhất.

                                                                  Giờ học của thầy và trò Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Hòa Bình (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Theo thông tin từ Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), mới đây, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã công bố kết quả khảo sát PISA Việt Nam năm 2022.

Kết quả này được công bố công khai từ bài khảo sát về Toán, Đọc hoặc Khoa học của 6.068 học sinh ở 178 trường, đại diện cho khoảng 939.500 học sinh 15 tuổi ở Việt Nam.

Kết quả khảo sát cho thấy điểm trung bình 3 môn (Toán, Đọc và Khoa học) của học sinh Việt Nam xếp thứ 34/81 quốc gia, đứng thứ 2 ở khu vực ASEAN, sau Singapore.

Đối với điểm từng môn, Việt Nam xếp thứ 31/81 quốc gia ở môn Toán; môn Khoa học xếp thứ 35/81 quốc gia và môn Đọc xếp thứ 34/81 quốc gia.

Khi tính theo chỉ số PISA về điều kiện kinh tế-xã hội, học sinh Việt Nam có điểm Toán thuộc nhóm cao nhất chỉ sau Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.

Chỉ số PISA về tình trạng kinh tế-xã hội và văn hóa được tính toán sao cho tất cả học sinh tham gia kỳ thi PISA, bất kể họ sống ở quốc gia nào, đều có thể được xếp vào cùng một thang đo kinh tế-xã hội.

Điều này có nghĩa là có thể sử dụng chỉ số này để so sánh kết quả học tập của học sinh có hoàn cảnh kinh tế-xã hội tương tự ở các quốc gia khác nhau.

Cục Quản lý chất lượng cho biết theo kết quả chung, chi tiêu cho giáo dục cao hơn có liên quan đến kết quả cao hơn ở môn Toán PISA. Tuy nhiên, Việt Nam là ví dụ điển hình về học sinh đạt kết quả học tập cao khi đầu tư cho giáo dục còn ở mức hạn chế.

Chi tiêu giáo dục cho mỗi học sinh của Việt Nam từ 6 đến 15 tuổi chỉ khoảng 13.800 USD trong khi các quốc gia trong nền kinh tế OECD có chi tiêu ở mức 75.000 USD, nhưng điểm trung bình môn Toán của học sinh Việt Nam đạt 438 điểm – một trong những mức cao nhất dành cho học sinh có nền tảng kinh tế-xã hội tương tự.

Bên cạnh đó, có khoảng 13% học sinh hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam đạt điểm cao trong môn Toán (trung bình OECD: 10%).

Khi tham gia kỳ khảo sát PISA năm 2022, có 94% học sinh 15 tuổi ở Việt Nam đã đăng ký vào lớp 10; 97% học sinh cho biết đã theo học giáo dục mầm non từ một năm trở lên (trung bình OECD: 94%).

Trung bình ở các nước OECD, học sinh đã theo học giáo dục mầm non từ một năm trở lên đạt điểm cao hơn ở môn Toán ở tuổi 15 so với những học sinh chưa bao giờ theo học hoặc đã theo học dưới một năm, ngay cả sau khi tính toán các chỉ tiêu kinh tế-xã hội.

Theo OECD, tại Việt Nam, 72% học sinh đạt trình độ Toán ít nhất ở cấp độ 2 (trung bình OECD: 69%). Khoảng 5% học sinh ở Việt Nam có thành tích đứng đầu môn Toán, nghĩa là các em đạt được cấp độ 5 hoặc 6 trong kỳ thi Toán PISA (trung bình OECD: 9%).

Khoảng 77% học sinh ở Việt Nam đạt trình độ Đọc từ cấp độ 2 trở lên (trung bình OECD: 74%); 1% học sinh đạt thành tích cao, điểm 5 trở lên ở môn Đọc (trung bình OECD: 7%).

Khoảng 79% học sinh ở Việt Nam đạt trình độ 2 trở lên ở môn Khoa học (trung bình OECD: 76%); 2% học sinh đạt thành tích cao trong môn Khoa học, nghĩa là các em thành thạo ở cấp độ 5 hoặc 6 (trung bình OECD: 7%).

Từ kết quả khảo sát do OECD công bố trên đây, bằng cách so sánh kết quả trên phạm vi quốc tế, các nhà hoạch định chính sách, nhà giáo dục ở Việt Nam có thể học hỏi từ chính sách và thực tiễn của các nước khác.

Kết quả khảo sát đồng thời cung cấp cách nhìn sâu sắc về việc hệ thống giáo dục đang chuẩn bị tốt như thế nào cho học sinh trước những thách thức trong thực tế cuộc sống và thành công trong tương lai.

Kết quả khảo sát cho thấy Singapore đứng đầu với số điểm cao nhất trong cả 3 lĩnh vực khảo sát gồm Toán, Kỹ năng đọc và Khoa học.

Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) đánh giá kiến thức và kỹ năng của học sinh 15 tuổi về Toán, Đọc và Khoa học. Các bài kiểm tra PISA khám phá khả năng học sinh có thể giải quyết các vấn đề phức tạp, tư duy phản biện và giao tiếp hiệu quả như thế nào.

Kể từ khi tham gia PISA lần đầu tiên vào năm 2012 đến nay, Việt Nam đã đạt được khá nhiều thành tích quan trọng trong đối sánh quốc tế, khu vực và cung cấp dữ liệu phân tích giáo dục quốc gia./.

Theo: TTXVN
Spread the love
Back To Top