Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh chính sách học phí vừa phải công khai, minh bạch, tính đúng, tính đủ dịch vụ giáo dục, đào tạo.
Ngày 17/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà có cuộc làm việc với Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Lao động – thương binh và xã hội, Tư pháp, Ủy ban Văn hóa – giáo dục, Ủy ban Tài chính, Ban Tuyên giáo Trung ương… về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo (chính sách học phí).
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: VGP)
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh chính sách học phí vừa phải công khai, minh bạch, tính đúng, tính đủ dịch vụ giáo dục, đào tạo; đồng thời giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là chăm lo cho đối tượng chính sách, yếu thế, người khó khăn.
Mọi học sinh trong độ tuổi đi học đều được đến trường nhằm thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông.
Đối với giáo dục nghề nghiệp, ngân sách Nhà nước là chủ đạo với sự tham gia của doanh nghiệp để có chính sách học phí, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh trường nghề hoàn thành bậc học trung học phổ thông và có nghề nghiệp.
Chính sách học phí giáo dục đại học được xây dựng trên cơ sở tính đúng, tính đủ, để bảo đảm chế độ, chính sách, cơ sở vật chất giảng dạy cho cán bộ, giảng viên; đồng thời tuyển chọn được những sinh viên có đủ phẩm chất, năng lực, điều kiện học tập ở bậc đại học, nhất là sinh viên nghèo học giỏi.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: “Học phí không phải là thước đo để một trường đại học lựa chọn sinh viên mà phải trên cơ sở năng lực, tiềm năng đóng góp cho xã hội của các sinh viên trong tương lai… Các trường đại học công lập có trách nhiệm lớn hơn các đại học tư thục trong đào tạo nhân tài”. |
Tùy vào mức độ tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học công lập, Phó Thủ tướng yêu cầu tách bạch phần ngân sách Nhà nước dành cho sinh viên thuộc diện được hưởng các chính sách xã hội; và phần thực hiện cung cấp dịch vụ giáo dục theo cơ chế thị trường.
Đối với cơ sở giáo dục đại học tự chủ toàn diện, ngân sách Nhà nước cần hỗ trợ trực tiếp cho sinh viên thuộc diện được hưởng các chính sách xã hội về học phí, cho vay tín dụng sinh viên,…
Bên cạnh đó, Nhà nước đóng vai trò chủ đạo đầu tư, đặt hàng các cơ sở giáo dục công lập, tư thục trong đào tạo các ngành nghiên cứu cơ bản, an ninh quốc phòng, chuyên ngành mới cần thiết cho sự phát triển của đất nước nhưng ít người học…
Phó Thủ tướng khẳng định, mục tiêu nhất quán, xuyên suốt của chính sách học phí mới là bảo đảm mọi trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường để thực hiện phổ cập giáo dục phổ thông; quan tâm, đề cao hơn nữa giáo dục nghề nghiệp để mọi người được đào tạo, có nghề nghiệp; chú trọng thu hút sinh viên có năng lực, đào tạo nhân tài ở bậc đại học.
Do vậy, quá trình xây dựng chính sách học phí mới phải được nghiên cứu toàn diện, đánh giá tác động đầy đủ, lấy ý kiến nhân dân, các bộ, ngành, các cấp, bao phủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục, đào tạo.