Cách xử trí cơn hen cấp ở trẻ em tại nhà

Trẻ lên cơn hen cấp sẽ có những dấu hiệu gì, vì sao trẻ lên cơn hen cấp? Cần làm gì khi trẻ lên cơn hen cấp? Cách sử dụng thuốc dự phòng và cắt cơn hen cấp tại nhà như thế nào?

Hen phế quản đặc trưng bởi viêm mạn tính đường thở. Hen được xác định bởi tiền sử tái đi tái lại các triệu chứng hô hấp như: ho, khó thở, khò khè, nặng ngực…Các triệu chứng trên thay đổi theo thời gian và cường độ. Khi trẻ lên cơn hen cấp sẽ có triệu chứng dưới đây:

Triệu chứng báo hiệu trẻ có cơn hen cấp

Theo Ths.BSNT Hà Phương Anh, Khoa Miễn dịch – Dị ứng – Khớp, Bệnh viện Nhi Trung ương, cơn hen cấp xảy ra khi trẻ có biểu hiện tăng dần các triệu chứng khó thở, ho, khò khè hoặc nặng ngực và giảm chức năng hô hấp. Các dấu hiệu này xuất hiện đột ngột, thường xảy ra sau một yếu tố kích thích như: nhiễm trùng virus hô hấp; dị ứng thức ăn; thay đổi mùa; phơi nhiễm dị nguyên; thay đổi thời tiết…Cơn hen cấp có thể xảy ra ở bệnh nhân đã được chẩn đoán hen trước đó hoặc đôi khi như là biểu hiện đầu tiên của hen.

Những triệu chứng báo hiệu trẻ có cơn hen cấp, cha mẹ cần chú ý:

– Khó thở: Trẻ có thể có cảm giác khó thở hơn khi thở ra hoặc khi hít vào. Trẻ sẽ cảm thấy dễ thở hơn khi chúng ngồi. Khó thở tăng lên có thể làm trẻ vã mồ hôi, da tái, nói câu ngắn hoặc từng từ…

– Khò khè: Khò khè là dấu hiệu của co thắt và hẹp đường dẫn khí. Phụ huynh có thể nghe thấy tiếng khò khè của con khi thở ra hoặc ngay cả khi hít vào. Nếu trẻ xuất hiện khò khè cả hai thì chứng tỏ trẻ đang ở tình trạng nặng.

– Ho: Trẻ ho khan là chủ yếu, thường ho vào lúc nửa đêm về sáng hoặc tiếp xúc với dị nguyên, hoặc khi trẻ gắng sức. Trẻ có thể ho có đờm, đờm trắng hoặc trong suốt và khó thở khi ho.

– Cảm giác tức ngực: Trẻ có cảm giác tức ngực, đau trong vùng ngực do sự co thắt phế quản.

Điều dưỡng Trịnh Thị Hậu, Khoa Miễn dịch – Dị ứng – Khớp, Bệnh viện Nhi Trung ương hướng dẫn cha mẹ và các bé cách xịt thuốc dự phòng hen tại nhà. Ảnh BVNTW

 Cách xử trí cơn hen cấp cho trẻ tại nhà

Cũng theo Ths.BSNT Hà Phương Anh, trẻ cần mang theo thuốc cắt cơn dạng ống hít bên mình mọi lúc, mọi nơi dù bệnh hen đã được kiểm soát hoàn toàn hay chưa.

Khi trẻ xuất hiện cơn hen cấp, đường thở sẽ tăng tình trạng co thắt, phù nề, tăng tiết đàm nhầy, có thể gây giảm oxy trong máu gây nên thiếu máu não và bị ngất, mất ý thức…thậm chí có thể tử vong. Do vậy, cha mẹ cần ngay lập tức cải thiện nhanh nhất tình trạng thiếu oxy và ứ đọng CO2 trong máu, đảm bảo các bộ phận trong cơ thể như: não, tim…hoạt động bình thường và phục hồi tình trạng tắc nghẽn đường thở dưới như sau:

– Bước 1: Đặt trẻ ngồi xuống ở tư thế thoải mái hướng về phía trước là tốt nhất, trấn an trẻ đồng thời hướng dẫn trẻ cách thở sâu và chậm.

– Bước 2: Dùng thuốc cắt cơn hen như Salbutamol. Với trẻ dưới 5 tuổi xịt 2 nhát qua buồng đệm hoặc 2,5mg khí dung. Với trẻ trên 5 tuổi xịt từ 4-10 nhát qua buồng đệm (lưu ý phụ thuộc vào cân nặng của trẻ) hoặc 5mg khí dung. Sau đó đánh giá lại tình trạng của trẻ sau khi dùng thuốc.

– Bước 3: Trong trường hợp cơn hen vẫn không thuyên giảm thì có thể lặp lại thêm 2 lần xịt thuốc nữa cách nhau 20 phút giữa các lần. Cha mẹ cần liên hệ với bác sĩ hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi trẻ có 1 trong các biểu hiện sau:

+ Trẻ bị khó thở nặng

+ Triệu chứng không giảm ngay khi dùng thuốc cắt cơn dạng hít

+ Thời gia thuyên giảm của triệu chứng ngắn đi giữa những lần dùng thuốc cắt cơn.

Báo cáo của Tổ chức hành động vì bệnh nhân hen toàn cầu (GINA) cho biết, năm 2018, thế giới có khoảng 339 triệu người mắc bệnh hen, bình quân mỗi ngày có khoảng 1.000 người chết vì hen. Đây là vấn đề sức khỏe toàn cầu, xảy ra ở tất cả các nhóm tuổi, nhất là đối với trẻ em. Tuy nhiên, nếu trẻ được chẩn đoán bệnh chính xác, đồng thời kiểm soát tốt bệnh nhờ tuân thủ điều trị dự phòng, biết cách xử trí đúng khi có cơn hen cấp thì trẻ hoàn toàn có thể sống và sinh hoạt bình thường.
PV
Theo: suckhoedoisong
Spread the love
Back To Top