‘Chất riêng’ của GenZ qua góc nhìn của nhà báo 8X Trần Toản

“GenZ càng tự do thể hiện “chất” riêng càng phải sống có nguyên tắc. Đừng để bản thân mắc bẫy, cái bẫy của sự dễ dãi”. Đó là lời khuyên từ một người dẫn dắt các bạn trẻ thuộc thế hệ GenZ của cựu giảng viên, nhà báo 8x, chuyên gia truyền thông Trần Toản.

Nữ nhà báo, chuyên gia truyền thông 8X từng chia sẻ rằng chị đã quyết định chuyển nghề sau khi đã chính thức trở thành giảng viên tại một trường đại học thuộc Bộ Công thương. Nghề giáo vẫn luôn được xem trọng và “cao giá” nên thời điểm ấy nếu không rất “bạo và liều” thì sẽ chẳng có một nhà báo, chuyên gia truyền thông Trần Toản bây giờ.

Nữ nhà báo Trần Toản xuất phát điểm từ nghề giáo

Thế hệ 7x, 8x đã có những người “bạo và liều”, dám thử sức từ con số không để rẽ ngang trái nghề như Trần Toản, nhưng không có nhiều. Cái “bạo và liều” ở thế hệ GenZ thời nay xuất hiện nhiều hơn, khác biệt hoàn toàn với thế hệ trẻ xưa. Các bạn tự tin, thông minh, nhiều ý tưởng sáng tạo, đặc biệt là được sống trong một thế giới phẳng nên có điều kiện thể hiện khả năng của mình.

Một nghiên cứu chỉ ra rằng: “Khác với các thế hệ trước, có tới 81% các bạn trẻ Gen Z tự tin hiểu rõ bản thân, biết mình thích và không thích làm gì”. Theo đuổi “chủ nghĩa xê dịch”, luôn chuyển mình và thay đổi khiến Gen Z không muốn gò bó bản thân trong một khuôn mẫu hay giới hạn nhất định. Thế hệ trẻ trong lĩnh vực báo chí cũng vậy, họ có nhiều cơ hội và môi trường thử sức mới cho dù ở nhiều điểm xuất phát khác nhau.

Là người đang dẫn dắt đội ngũ trẻ gần như 99% là các bạn GenZ độ tuổi từ cuối 9x đến đầu 10x, nữ nhà báo cảm thấy “nhàn” khi được làm việc cùng họ. Vì người trẻ rất nhanh nhạy trong cách nhìn nhận vấn đề, có thể đưa ra được ý tưởng, kịch bản kế hoạch ngay lập tức khi đọc được đề bài. Hơn nữa, các bạn luôn tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết, sẵn sàng cống cũng giúp cho người đồng hành, “gánh team” như Trần Toản thấy đồng cảm và thuận lợi.

Trần Toản – nữ nhà báo, chuyên gia truyền cảm hứng và động lực cho giới trẻ

Cái “bạo và liều” của genZ khi được đặt đúng chỗ, đúng thời điểm sẽ là lợi thế lớn. Hơn hết bản thân mỗi người phải đủ tốt, đủ khả năng thì lúc đó mới có quyền lựa chọn những gì mà mình mong muốn. Nhưng “Ảo tưởng sức mạnh”, “tự tin thái quá” về bản thân cũng là nhận định của người đi trước khi liệt kê căn bệnh của thế hệ trẻ GenZ hay mắc phải. Bởi vậy, điều quan trọng không kém của người trẻ là đôi khi phải biết sống chậm lại để lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm nhiều hơn, nhà báo – chuyên gia Trần Toản chia sẻ.

Những năm bước “chân ướt chân ráo” vào nghề báo hình, để đọc; có những bài báo chị viết đi viết lại, trăn trở không thể vào giấc ngủ. Có những đêm khuya chị vẫn bật dậy đọc sách, lên mạng tìm hiểu cách viết… Rồi đến sáng hôm sau vẫn phải cậy nhờ chuyên gia chỉ dẫn, tra từ điển trau dồi vốn từ để hoàn thiện bài phóng sự, ký sự một cách chỉn chu nhất. Chị nhận thấy văn hóa đọc, việc ghi chép và trải nghiệm thực tế là tiền đề cho một tác phẩm báo chí sâu sắc. Ngay cả đến hiện tại trên bàn làm việc của chị vẫn luôn có từ điển tiếng Việt.

Nữ nhà báo luôn giữ thói quen đọc sách và ghi chép

Là thế hệ GenY vẫn đang theo đuổi hành trình làm báo chí truyền thông, tham gia các công tác truyền cảm hứng và động lực cho giới trẻ, nhà báo, chuyên gia Trần Toản cho rằng: GenZ càng tự do thể hiện “chất” riêng càng phải sống có nguyên tắc. Tiếp xúc với nền tảng mạng xã hội qua nhiều phương tiện từ sớm, các bạn trẻ đều có được nhãn quan nhạy bén nhưng còn hạn chế về kỹ năng. Việc lạm dụng Google, AI làm cho văn hóa đọc ở giới trẻ và đặc biệt là những bạn theo nghề báo đang mắc vào cái bẫy, cái bẫy của sự dễ dãi”.

Nhà báo, chuyên gia truyền thông Trần Toản gửi gắm: Thế hệ trẻ là làn sóng mới cho “làng báo chí truyền thông”, nhưng mong các bạn làm việc gì cũng nên đặt trên tinh thần phụng sự. Hoạt động trong nghề báo truyền thông với sức ảnh hưởng lớn đến dư luận công chúng nên bản thân người trẻ phải thật sự sâu sắc trong lối viết, đưa tin, truyền thông, hãy tìm hiểu vấn đề theo chiều sâu, nếu quá dễ dãi với bản thân rất khó tìm được “chất” riêng. Các bạn trẻ nói chung và người làm báo chí truyền thông trẻ nói riêng hãy tự tin, thể hiện “cái bạo” của mình và luôn học hỏi để phát triển bản thân nhiều hơn nữa.

Theo: vietbao.vn
Spread the love
Back To Top