Nhà báo, chuyên gia truyền thông Trần Toản mong dùng ngòi bút giúp thay đổi nhiều số phận

Nhà báo, chuyên gia truyền thông Trần Toản – ngòi bút luôn đau đáu với những đề tài xã hội, tìm hiểu về những số phận thiếu may mắn, những em nhỏ mồ côi, những mảnh đời bất hạnh. Trong sự nghiệp cầm bút, chị đã không ngừng lặn lội dấn thân, trăn trở để, mang đến cho công chúng những tác phẩm chân thực, sâu sắc và truyền tải những thông điệp, việc làm ý nghĩa tới cộng đồng.

Với công việc phản ánh thực tế xã hội, đem thông tin đắt giá đến cho bạn đọc, không ít người làm báo phải làm việc không giới hạn thời gian, dấn thân vào những “điểm nóng” để thu thập dữ liệu, cung cấp những góc nhìn đa chiều cho bức tranh xã hội thêm chân thực.

Nhà báo Trần Toản tham gia cùng ekip tác nghiệp

Làm báo ngoài việc cập nhật tin tức thời sự, mỗi phóng viên phải tự mình nuôi dưỡng, theo đuổi đề tài chuyên sâu, để có được những loạt bài tạo dấu ấn. Nhà báo, chuyên gia truyền thông Trần Toản luôn lựa chọn các đề tài thuộc lĩnh vực xã hội dân sinh đặc biệt đi sâu tìm hiểu về những số phận thiếu may mắn, những em bé mồ côi không nơi nương tựa, những mảnh đời bất hạnh.

Chị bồi hồi kể cho chúng tôi câu chuyện đi tác nghiệp tại Ốc đảo Đồng Mậm, thuộc xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang: “Đồng Mậm cách Hà Nội hơn 100km, thế nhưng tôi cùng các đồng nghiệp phải mất nửa ngày mới đến được nơi đây. Đồng Mậm là ốc đảo biệt lập với thế giới bên ngoài, cuộc sống của người dân chủ yếu là tự cung, tự cấp. Đường vào duy nhất là đi thuyền trên lòng hồ thủy điện Cấm Sơn. Cuộc sống chông chênh thiếu ánh sáng của đèn điện, tù mù, tăm tối cứ thế nối tiếp đời này qua đời khác. Nhìn các em nhỏ ngày ngày đi học bằng chiếc thuyền nan 2 giờ đồng hồ mới tới nơi, tôi vô cùng thương và xúc động.” Chị cùng các đồng nghiệp đã chia sẻ, kêu gọi sự giúp đỡ quyên góp của bạn bè và mọi người trên mạng xã hội chung tay làm con đường dài gần 20km đến thôn Đồng Mậm. Nhờ có đường mà người dân ở Đồng Mậm đã có một cuộc sống tốt hơn.

Cùng với “Ốc đảo Đồng Mậm”, chị còn rất nhiều tác phẩm được đánh giá có sức lan tỏa tốt khác như: Hãy cứu các bệnh nhân khô da sắc tố ở Mường Chiềng, Học trò nghèo Mường Lát, Lớp học hy vọng…

Nhà báo Trần Toản – Người khởi sướng nhiều chương trình thiện nguyện

Trong số đó, phóng sự truyền hình Hãy cứu các bệnh nhân khô da sắc tố ở Mường Chiềng, đã lấy đi nhiều nước mắt của độc giả bởi những hình ảnh chân, xúc động. Các bệnh nhân tại đây họ bị mắc căn “bệnh lạ” khiến những vùng da nơi tay, cổ, gáy đặc biệt là mặt bị khô cứng lại và rạn nứt khiến khuôn mặt bị biến dạng hoàn toàn. Ngoài ra còn có hiện tượng sừng hóa cả các tế bào giác mạc, kết mạc dẫn đến mù mắt. Họ cất tiếng nói khó nhọc, cứ ú ớ trong cổ họng, chẳng thành lời bình thường.

Khi thực hiện phóng sự này, nhà báo Trần Toản cũng không thể cầm được nước mắt, xót xa thương cảm với những người bệnh hoang mang về tương lai vô phương cứu chữa… Họ sống mặc cảm, lầm lũi trước những lời dè bỉu miệt thị của người đời.

Bệnh nhân bị khô da sắc tố ở Mường Chiềng

Chị chia sẻ với chúng tôi: người bệnh vốn dĩ đã phải vật lộn với cơn đau đớn đang ăn dần ăn mòn cơ thể lại thêm tâm lý tự ti, bị người dân xung quanh kì thị, xa lánh nên hàng ngày chỉ dám quanh quẩn, lầm lũi trong xó nhà. Mỗi lúc xảy ra va chạm, hiềm khích người đời lại lời ra, tiếng vào dè bỉu “cái nhà hủi” lại càng thêm tủi phận.

Sau khi phóng sự được đăng tải đã có rất nhiều độc giả phản hồi, tất cả đều chung một cảm xúc xót thương cho thân phận những người nghèo mang bệnh: “Xem xong phóng sự tôi không cầm được nước mắt, ước gì có phép nhiệm màu cho những mảnh đời kia bớt đau khổ”, “Tôi xin, tôi xin quỳ xuống, mong các bác sĩ hãy cứu lấy đi, nhìn họ thương tâm quá”, “Xin tất cả mọi người hãy chung tay giúp đỡ họ, tôi đã không thể kiềm nổi nước mắt khi thấy họ như vậy, xin hãy giúp họ”.

Qua chia sẻ đầy chân thực của chị cùng ekip, rất nhiều những nhà hảo tâm, các quỹ từ thiện ủng hộ những bệnh nhân khô da sắc tố ở Mường Chiềng mong muốn họ sẽ có cuộc sống tốt hơn để có thể chữa bệnh. Thời điểm đó, các chuyên gia Viện Da liễu Quốc gia cũng vào cuộc nghiên cứu, tìm ra hướng điều trị tích cực, giảm sự đau đớn và biến chứng cho 8 bệnh nhân mắc bệnh ở Mường Chiềng.

Từ những chuyến đi tác nghiệp ý nghĩa nhà báo, chuyên gia truyền thông Trần Toản hiểu rằng mình cần làm điều gì đó có ích đóng góp cho xã hội. Năm 2021, Quỹ học bổng “Vạn dặm thương yêu” do chị đồng sáng lập đã chính thức hoạt động với mong muốn giúp đỡ những em nhỏ mồ côi cha mẹ, có hoàn cảnh đặc biệt sẽ tiếp tục được đến trường. Hơn 3 năm qua, Quỹ “Vạn dặm thương yêu” đã có rất nhiều các chương trình ý nghĩa như: Trao học bổng cho các em nhỏ mồ côi học giỏi; trao tặng xe đạp, sách vở cho các em học sinh vùng cao và nhiều chương trình ý nghĩa khác./.

Theo: nguoiduatin.vn
Spread the love
Back To Top