Sáng ngày 12-9, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác “Đề xuất đo lường kinh tế số ở Việt Nam”. Tham dự hội nghị tại điểm cầu trực tuyến của tỉnh Hậu Giang có ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; cùng lãnh đạo Cục Thống kê tỉnh.
Ông Trương Cảnh Tuyên (thứ 3 từ phải sang), Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tham dự hội nghị tại điểm cầu trực tuyến của tỉnh.
Theo Tổng cục Thống kê, kinh tế số là tất cả các hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào, đồng thời sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động, sử dụng công nghệ thông tin – viễn thông để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế. Hiện nay, kinh tế số ngày càng được Đảng và Nhà nước chú trọng bằng việc ban hành nhiều thông tư, nghị định, quyết định có liên quan về tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước. Do vậy, để kịp thời biên soạn và công bố chỉ tiêu tỷ trọng kinh tế số trong GDP và GRDP theo quy định, Tổng cục Thống kê đề xuất biên soạn trên cơ sở dữ liệu sẵn có theo phương pháp sản xuất trong tài khoản quốc gia.
Cụ thể, Tổng cục Thống kê xác định phạm vi đo lường kinh tế số, gồm: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; bán buôn máy vi tính, thiết bị ngoại vi, phần mềm trong các cửa hàng chuyên doanh; hoạt động thuộc nhóm ngành thông tin truyền thông.
Riêng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì ngành kinh tế số được ước tính dựa trên kết quả biên soạn GRDP từ phương pháp sản xuất của các tỉnh, thành phố kết hợp với kết quả điều tra thường xuyên và tổng điều tra kinh tế; giá trị số hóa của các ngành kinh tế khác được ước tính dựa vào tỷ lệ chi phí ứng dụng công nghệ tin, truyền thông so với giá trị sản xuất từ kết quả điều tra thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành và tính hệ số chi phí trung gian của Tổng cục Thống kê.
Tổng cục Thống kê đánh giá, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số ngày càng phát triển mạnh mẽ sẽ đóng góp nhiều hơn vào chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Bên cạnh đó, việc kết hợp xu thế số hóa sẽ tạo cơ hội cho các quốc gia trên thế giới chuyển đổi toàn diện nền kinh tế, đồng thời đặt ra yêu cầu khẩn trương và quyết liệt trong việc tìm kiếm, khuyến khích các ngành, hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam có thể tận dụng phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng.
Chia sẻ tại hội nhị, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng hiện nhận thức, nhu cầu và hành động theo xu thế kinh tế số chưa được đầy đủ trong xã hội. Do đó, việc thúc đẩy phát triển kinh tế số ở Việt Nam cần có sự tham gia tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Vì vậy, các ngành, các cấp cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, tạo sự chuyển biến về xu hướng, vai trò và định hướng ứng dụng kinh tế số trong phát triển kinh tế – xã hội ở nước ta. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương và các bên có liên quan cần tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin phục vụ biên soạn chỉ tiêu đo lường kinh tế số; đồng thời quan tâm xây dựng thể chế để bố trí nguồn lực phù hợp, thúc đẩy ứng dụng kinh tế số trong các hoạt động kinh tế và quản lý, điều hành được tốt hơn trong thời gian tới…