Việc triển khai các biện pháp tài chính mạnh nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19 đã khiến tỷ lệ nợ trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và thâm hụt ngân sách tại Italy, Pháp, Tây Ban Nha tăng cao.
Báo Corriere della Sera của Italy ngày 23/11 đưa tin Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva kêu gọi Italy, Pháp, Tây Ban Nha nỗ lực hơn trong việc giải quyết tình trạng nợ và thâm hụt tài chính ngày càng tăng, trong bối cảnh châu Âu ghi nhận mức tăng trưởng rất khiêm tốn hậu đại dịch COVID-19.
Theo nguồn tin trên, trả lời phỏng vấn của một số tờ báo ở châu Âu, bà Georgieva cho rằng việc triển khai các biện pháp tài chính mạnh nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19 đã khiến tỷ lệ nợ trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và thâm hụt ngân sách tại Italy, Pháp, Tây Ban Nha tăng cao. Do đó, các nước này cần “thắt lưng buộc bụng” và điều chỉnh tài chính.
Tổng Giám đốc IMF nhận định vấn đề còn phức tạp hơn đối với Italy, khi tốc độ tăng trưởng đang bị chậm lại do nước này rút lại các biện pháp hỗ trợ chính sách.
IMF phân tích nền kinh tế châu Âu khó có thể sụp đổ dù Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã liên tục tăng lãi suất trong hơn một năm qua, nhằm kiềm chế lạm phát cao.
Ngân sách dành cho Italy cần được tăng cường vì các điều chỉnh tài chính ở nước này không có tác dụng đủ nhanh để giảm mức thâm hụt và nợ.
Trong khi đó, mức tăng trưởng ở Pháp cho phép nước này có nhiều dư địa hơn để điều chỉnh chính sách. Tuy nhiên, bà Georgieva nhấn mạnh Pháp vẫn phải thắt chặt tài chính trong năm 2024.
Tây Ban Nha, quốc gia được hưởng lợi từ sự phục hồi mạnh mẽ của dịch vụ và du lịch, đang dự báo mức điều chỉnh tài chính 0,3%.
Theo bà Georgieva, đây là mức IMF có thể chấp nhận được miễn là nước này không gia hạn các biện pháp hỗ trợ chính sách dự kiến hết hạn vào cuối năm nay.
Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc IMF cũng bày tỏ lo ngại về sự phục hồi kinh tế ở châu Âu.
Bà Georgieva cho biết trong khi kinh tế Mỹ đã phục hồi về mức trước đại dịch, tốc độ phục hồi kinh tế ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn thấp hơn 2% so với trước đại dịch COVID-19 với mức tăng trưởng rất khiêm tốn.
Nguyên nhân chủ yếu là do tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine và những thách thức về nhân khẩu học.
Đánh giá về ảnh hưởng của cuộc xung đột Hamas-Israel, bà Georgieva nhận định cho đến nay, tác động đối với kinh tế toàn cầu vẫn ở mức tối thiểu, song điều này có thể thay đổi nếu xung đột kéo dài và leo thang.
Gaza, trung tâm của xung đột, hiện vẫn là nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất, trong khi tăng trưởng tại Israel chắc chắn chịu tác động./.