Các dự án nhà ở đang được gỡ khó đến đâu?

Số lượng các dự án nhà ở xin gỡ vướng vẫn ngày một tăng lên trong thời gian qua. Đáng nói, bất chấp những hành động quyết liệt từ Chính phủ, bộ ngành và địa phương, phần lớn các dự án thuộc diện gỡ vướng vẫn đang trong… “trạng thái chờ”.

Sau khi nhận được đơn “kêu cứu” của Công ty CP địa ốc Nhà Bè, Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi TP.HCM về việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho dự án khu nhà ở đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè – phân khu 16.

Tốc độ gỡ vướng ì ạch

Đại diện công ty địa ốc Nhà Bè cho biết, dự án nhà ở đường Nguyễn Hữu Thọ được UBND huyện Nhà Bè phê duyệt quy hoạch 1/500 vào tháng 10/2015, đồng thời được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương và công nhận chủ đầu tư dự án từ tháng 12/2020.

Theo nhu cầu kinh doanh, vào tháng 2/2021, chủ đầu tư đã đề xuất điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 khu nhà ở Nguyễn Hữu Thọ. Công ty cũng đã họp kiến nghị với lãnh đạo thành phố, có văn bản gửi đến các sở, ngành về việc điều chỉnh quy hoạch dự án.

Tuy nhiên, đến nay sau 27 tháng kể từ thời điểm công ty nộp hồ sơ đề xuất điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500 dự án, hồ sơ vẫn chưa được phê duyệt.

Để tháo gỡ vướng mắc cho dự án, Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo rà soát việc lập, phê duyệt quy hoạch 1/500 của dự án khu nhà ở đường Nguyễn Hữu Thọ vào năm 2015. Căn cứ quy định điều 52 Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn để thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch dự án.

Pháp lý vẫn là vướng mắc lớn nhất của doanh nghiệp bất động sản.

Có một thực tế dễ thấy là sau các đơn “kêu cứu” của doanh nghiệp, cả bộ ngành và địa phương đều có câu trả lời rất nhanh, tuy nhiên từ khi có văn bản phản hồi đến lúc vướng mắc được giải quyết có thể kéo dài nhiều tháng.

Minh chứng, tại báo cáo số 4290 gửi Sở Xây dựng TP.HCM về tiến độ giải quyết vướng mắc pháp lý liên quan đến 148 dự án nhà ở trên địa bàn thành phố, Sở TN&MT có số kiến nghị tháo gỡ khó khăn nhiều nhất, với 101 kiến nghị liên quan đến 96 dự án.

Đến nay, theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT đã giải quyết dứt điểm 10 kiến nghị của doanh nghiệp, còn lại 73 kiến nghị đang xem xét giải quyết, 7 hồ sơ kiến nghị tạm dừng giải quyết, 4 kiến nghị không phù với quy định hoặc không thuộc trách nhiệm của sở.

Con số 10/101 kiến nghị được giải quyết triệt để, tương đương với chưa đầy 10%, trong khi 73 kiến nghị đang xem xét, chiếm hơn 70%, rõ ràng là ám ảnh với doanh nghiệp địa ốc trong bối cảnh khó khăn bủa vây, đồng thời cho thấy tốc độ gỡ vướng cho các dự án vẫn rất chậm.

Từ kết quả trên, HoREA đề nghị Sở TN&MT khẩn trương phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện, TP Thủ Đức để xem xét giải quyết tiếp 73 kiến nghị của hiệp hội để giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Doanh nghiệp khổ đủ đường

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, khẳng định vấn đề pháp lý vẫn chiếm 70% khó khăn, vướng mắc của lĩnh vực bất động sản. Đặc biệt, những điểm vướng trong quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại, dự án NOXH đang làm khổ các doanh nghiệp.

Ngoài ra, một số vướng mắc cần được xem xét, giải quyết sớm như vướng trong thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư tại Sở KH&ĐT. Quy định bắt buộc phải đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch cấp Quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị…

Ông Châu dẫn chứng, có những dự án từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn vướng giải phóng mặt bằng nên chưa được chấp thuận đầu tư, chưa được bàn giao đất để thực hiện nghĩa vụ tài chính, làm sổ đỏ cho người mua nhà. Điển hình như 2 dự án ở TP. Thủ Đức là dự án khu dân cư Bình Trưng Đông – Cát Lái quy mô 154 ha đã dở dang 20 năm và dự án khu dân cư Bắc Rạch Chiếc quy mô 82,5 ha…

Hay trong bài viết mới đây, Vnbusiness cũng nhắc tới trường hợp của Công ty cổ phần Phát triển Địa ốc Sài Gòn 5 đứng trước nguy cơ phá sản chỉ bởi… cái tên.

Cụ thể, công ty liên tục gửi đơn “kêu cứu” khi dự án bị “treo” 7 năm, vì lý do sau khi cổ phần hóa, để được cấp phép xây dựng phần thân, cho phép mở bán nhà ở hình thành trong tương lai thì công ty “phải cập nhật tên mới là công ty cổ phần trên giấy chứng nhận của dự án”.

Ông Đặng Anh Tú, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Sài Gòn 5, cho hay để cập nhật dự án theo tên mới, công ty phải quyết toán phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhưng từ đó đến nay gần 7 năm, vướng mắc vẫn chưa được giải quyết. Hiện, mỗi tháng công ty phải trả lãi vay ngân hàng khoảng 1 tỷ đồng. Đến nay riêng tiền lãi phát sinh là 35,518 tỷ đồng.

Có thể thấy, tốc độ gỡ vướng pháp lý vẫn chưa thực sự đáp ứng kỳ vọng, điều này càng bồi thêm khó khăn cho doanh nghiệp địa ốc trong bối cảnh sức ép ngày càng gia tăng. Điều này đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn trong việc triển khai các chương trình hỗ trợ.

Theo chuyên gia, các tỉnh, thành phố cần giao trách nhiệm cho từng sở, ngành giải quyết kiến nghị theo kết quả phân nhóm cho đến khi các kiến nghị, vướng mắc được tháo gỡ và không “đá” cho các sở, ngành khác giải quyết vướng mắc.

“Cần nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trước hết, cần khẩn trương thí điểm phê duyệt, giải quyết trực tiếp các vướng mắc, đưa doanh nghiệp thoát khỏi trạng thái nguy hiểm, tiếp tục sản xuất, kinh doanh, đưa hàng vào thị trường”, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS, nhấn mạnh.

Theo: VNBUSINESS
Spread the love
Back To Top