Ngành công nghiệp phát triển nhà ở của Canada đang phải đối mặt với khó khăn do một số quy định và chính sách thuế nặng nề nhất trong số các nước thuộc Nhóm G7.
Tờ The Globe and Mail đăng bài phân tích của Giám đốc điều hành Corey Hawtin thuộc tập đoàn bất động sản Core Development, cho rằng Canada chưa có những đánh giá đầy đủ về hậu quả trong vấn đề nhà ở của nước này.
Theo tác giả, thị trường bất động sản tại Canada giống như một con tàu đang lao vào tảng băng trôi. Tác giả đề cập đến vấn đề về khả năng chi trả trên thị trường nhà đất, vốn đang nằm trên một vòng xoáy hướng lên nguy hiểm.
Nếu so sánh Canada với các nước khác trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), có thể thấy tình hình đang rất tồi tệ. Canada có tỷ lệ nhà ở theo đầu người thấp nhất, nhưng tỷ lệ sở hữu nhà cao nhất; khả năng chi trả thấp nhất; mức tăng dân số cao nhất; tỷ lệ xây dựng nhà ở mới ít nhất, nhưng chi phí xây dựng cao nhất.
Ngành công nghiệp phát triển nhà ở của Canada đang phải đối mặt với khó khăn do một số quy định và chính sách thuế nặng nề nhất trong số các nước thuộc Nhóm G7.
Nếu Canada không thể giải quyết những thách thức của mình, đến một lúc nào đó khả năng chi trả của người dân sẽ trở nên rất căng thẳng. Tương tự như những gì đã diễn ra ở những nơi khác, tăng trưởng GDP, sản xuất sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, cùng với sự xuất hiện của làn sóng di cư hàng loạt khỏi các thành phố – là hậu quả của việc người dân không còn đủ khả năng chi trả cho cuộc sống.
Mặc dù chính phủ đã có những động thái tích cực với một số khoản tín dụng thuế được công bố gần đây, nhưng tình trạng thiếu nguồn cung vẫn là yếu tố chính khiến Chỉ số giá tiêu dùng tăng vọt và tạo ra các vấn đề về khả năng chi trả, thách thức cả người thuê lẫn người mua nhà. Lãi suất cao hơn đang khiến vấn đề nhà ở của Canada trở nên tồi tệ hơn vì điều này ngăn cản nguồn cung mới và gây thêm áp lực lên khả năng chi trả.
Ước tính số lượng nhà mới bổ sung để khôi phục khả năng chi trả vào năm 2030 nằm trong khoảng từ 3,5-5,5 triệu căn. Canada sẽ cần xây thêm từ 600.000-1 triệu căn mỗi năm cho đến năm 2031 để đạt được mục tiêu đó. Trong 10 năm qua, số lượng nhà trung bình được xây dựng ở Canada là khoảng 200.000 căn mỗi năm. Để thu hẹp khoảng cách 3,5 triệu căn vào năm 2030, tối thiểu Canada cần tăng gấp ba lần năng lực xây dựng hiện nay.
Chính phủ có thể phải làm nhiều hơn nữa để khuyến khích việc xây dựng nhà ở. Đó là tạo ra những đòn bẩy thông qua việc cắt giảm đáng kể thời gian quy hoạch và cấp phép vốn đang dài nhất trên thế giới, đồng thời giảm thuế và chi phí liên quan đến chính sách hiện tại để giảm bớt 30% chi phí xây dựng mới.
Những điều này sẽ được hoan nghênh, nhưng vẫn chưa đủ. Những thay đổi về chính sách cần có thời gian để tác động đến nguồn cung. Cơ sở hạ tầng cần được xây dựng để hỗ trợ vốn vì ước tính ngành công nghiệp này cần thêm từ 2.000 -3.000 tỷ USD và đặc biệt cần phải có đủ nhân lực để thực hiện các dự án xây dựng. Hiện nay, Canada đang phải đối mặt với sự thiếu hụt về nhân lực trong bối cảnh cứ có hai người thợ nghỉ hưu thì chỉ tuyển được một người mới, chưa từng có kinh nghiệm tham gia lực lượng lao động này.
So với các nước trong Nhóm G7, người Canada đang vượt quy tắc 30% trong vấn đề về nhà ở. Điều này chứng tỏ nhu cầu về nhà ở đang rất cấp thiết. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tạo ra được những điều kiện cần thiết nhằm kích thích sự tăng trưởng nhanh chóng về nguồn cung nhà ở?
Có 4 yếu tố đang gây cản trở đối với những nỗ lực này là: thủ tục giấy tờ, thuế, vốn và năng lực. Một số thay đổi đã được thực hiện liên quan đến thuế. Nhưng Canada cũng cần có những chính sách mới và cải tiến nhằm đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, đồng thời giảm bớt các quy định phức tạp đối với các tập đoàn phát triển nhà ở.
Năng lực có thể là vấn đề khó khăn nhất trong 4 vấn đề này. Sự đổi mới trong lĩnh vực nhà ở sẽ giúp giải quyết vấn đề này trong trung và dài hạn, nhưng hiện nay Canadacần rất nhiều thợ. Chưa đến 1% cư dân mới được tiếp nhận vào Canada tham gia Chương trình lao động tay nghề Liên bang. Nước này thực sự cần nhập cư để giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở, nhưng cũng phải điều chỉnh theo cách đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về lao động .
“Tảng băng trôi” có thể tránh được trong tích tắc, nhưng nó phải thực sự là một thay đổi cần thiết về hướng đi. Không giải quyết được cuộc khủng hoảng nhà ở có thể là thảm họa đối với tất cả người dân và doanh nghiệp Canada. Có một thị trường nhà ở giá rẻ là yếu tố then chốt của bất kỳ nền kinh tế phát triển nào.