Nghiên cứu cho biết kể từ năm 1990, số ca đột quỵ do nhiệt độ khắc nghiệt có xu hướng gia tăng trên toàn cầu với tỷ lệ nam giới bị đột quỵ do nhiệt độ khắc nghiệt cao hơn nữ giới.
Người dân uống nước để giải nhiệt tại Rome, Italy, ngày 18/7/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)
Chỉ riêng trong năm 2019, hơn 500.000 người đã tử vong do bị đột quỵ có liên quan đến nhiệt độ cực đoan.
Trong bối cảnh Trái Đất ngày một ấm lên do biến đổi khí hậu, dự kiến con số này còn tăng cao hơn nữa.
Đây là kết luận được đưa ra trong một nghiên cứu công bố mới đây trên tạp chí y khoa Neurology.
Nghiên cứu cho biết kể từ năm 1990, số ca đột quỵ do nhiệt độ khắc nghiệt có xu hướng gia tăng trên toàn cầu. Tỷ lệ nam giới bị đột quỵ do nhiệt độ khắc nghiệt cao hơn nữ giới, song tình trạng này có thể xảy ra với mọi lứa tuổi.
Trong nghiên cứu này, các chuyên gia từ Bệnh viện Xiangya, Đại học Trung Nam của Trung Quốc đã phân tích dữ liệu thu thập được từ 204 quốc gia và vùng lãnh thổ, tạo ra mô hình sử dụng dữ liệu toàn cầu về dịch bệnh, tử vong, khuyết tật và khí hậu.
Kết quả cho thấy số người bị đột quỵ do nhiệt độ cực đoan trong năm 2019 cao hơn nhiều so với năm 1990. Nhiệt độ lạnh hơn trong năm 2019 dẫn tới số ca bị đột quỵ cao hơn. Mặc dù điều này có vẻ trái ngược với hiện tượng nóng lên toàn cầu, tuy nhiên nhiệt độ thấp bất thường cũng là hiện tượng do biến đổi khí hậu gây ra.
Số ca tử vong vì đột quỵ do nhiệt độ khắc nghiệt tập trung chủ yếu ở nơi có tỷ lệ người dân sống trong cảnh nghèo đói cao hơn và hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu kém, chẳng hạn như khu vực châu Phi và Trung Á.
Tiến sỹ Mary Rice, Phó Giáo sư Y khoa tại Trường Y Harvard (Mỹ) đánh giá cao các phát hiện ý nghĩa này. Một trong những nghiên cứu gần đây của bà trên tạp chí Frontiers in Science cũng đã chứng minh biến đổi khí hậu là nguyên nhân làm gia tăng số lượng các bệnh liên quan đến miễn dịch như dị ứng, hen suyễn, bệnh tự miễn và ung thư.
Bà nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về hành động toàn cầu nhằm giảm lượng khí thải, cải thiện chất lượng không khí, đồng thời giải quyết khủng hoảng khí hậu và các tác động của chúng đến sức khỏe con người.
Tiến sỹ Ali Saad, một nhà thần kinh học tại Đại học Colorado cho rằng việc nâng cao nhận thức về những rủi ro sức khỏe liên quan đến nhiệt độ khắc nghiệt là cần thiết.
Ông nhấn mạnh nguy cơ đột quỵ do thời tiết cực đoan ở khắp nơi trên thế giới chứ không chỉ là vấn đề riêng của các nước có thu nhập trung bình và thấp.
Ông hy vọng nghiên cứu mới sẽ thúc đẩy các nhà lãnh đạo toàn cầu hành động hơn nữa để giải quyết mối đe dọa sức khỏe đang ngày một gia tăng.
Nghiên cứu cho thấy đột quỵ là nguyên nhân đứng thứ 3 gây ra tình trạng khuyết tật trên toàn thế giới và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu./.