Từ cuối tháng 5 đến nay, số ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM) trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng. Ngành y tế đang tập trung thực hiện công tác giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch và điều trị nhằm hạn chế bệnh TCM lây lan trong cộng đồng và nguy cơ tử vong.
Nhân viên y tế TTYT TX.Phú Mỹ phun khử khuẩn khu vực có ca bệnh tay chân miệng.
Nhanh chóng xử lý ổ dịch
Đầu tháng 7, ở tổ 11, KP. Vạn Hạnh, phường Phú Mỹ (TX.Phú Mỹ) ghi nhận một bệnh nhi 28 tháng tuổi mắc bệnh TCM. Nhận được thông tin này, TTYT TX.Phú Mỹ liền cử nhân viên y tế đến tổ điều tra tình hình dịch bệnh TCM trong bán kính 100m xung quanh nơi ở của bệnh nhi. Nhân viên y tế phun khử khuẩn xung quanh nhà bệnh nhân trong bán kính 200m và Trường MN S.V. nơi bệnh nhi theo học. TTYT TX.Phú Mỹ còn chỉ đạo Trạm Y tế phường Phú Mỹ cấp hóa chất cloraminB cho các gia đình sống gần nhà bệnh nhân và trường MN S.V. để khử khuẩn hàng ngày. Cách 1-2 ngày, Trạm Y tế phường Phú Mỹ phối hợp với tổ dân cư, khu phố đến giám sát về dịch bệnh TCM.
Bên cạnh đó, từ khi có ca bệnh TCM, công tác phòng, chống dịch bệnh cũng được Trường MN S.V. tăng cường. Phòng học, đồ dùng, đồ chơi của trẻ được vệ sinh hàng ngày thay vì 2-3 lần/tuần như trước. Nhà trường chỉ đạo giáo viên kiểm tra sức khỏe và biểu hiện bệnh TCM đối với tất cả HS. Trường chỉ đón những trẻ khỏe mạnh. Nhờ thực hiện các giải pháp này nên Trường MN S.V. không ghi nhận thêm trường hợp trẻ mắc TCM.
Ông Lê Huy Hoàng, Phụ trách công tác phòng, chống dich bệnh TCM (TX.Phú Mỹ) cho biết: “Khi phát hiện một ổ dịch phát sinh mới, TTYT TX.Phú Mỹ nhanh chóng phối hợp với trạm y tế địa phương để xác minh, điều tra dịch tễ và xử lý, giám sát ổ dịch trong vòng 48 giờ. Qua đó, hạn chế số ca bệnh lây lan trong cộng đồng và kiểm soát được tình hình bệnh TCM”.
Theo lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, từ đầu năm đến ngày 18/7, toàn tỉnh ghi nhận 86 ổ dịch TCM, gồm 70 ổ ở cộng đồng và 16 ổ ở trường học. 100% ổ dịch được xử lý trong vòng 48 giờ. CDC tỉnh còn thực hiện thực hiện giám sát và đánh giá về công tác phòng, chống TCM tại TP.Vũng Tàu. Đây là địa phương ghi nhận số ca mắc, ổ dịch nhiều nhất toàn tỉnh và có nhiều nguy cơ gia tăng ca mắc TCM trong thời gian tới. Đồng thời, CDC tỉnh đẩy mạnh hoạt động truyền thông, cấp phát 50.000 tờ tài liệu tuyên truyền về phòng ngừa và xử lý khi mắc bệnh TCM cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Ứng phó khi ca bệnh tăng
Theo nhận định của CDC tỉnh, dịch bệnh TCM đang diễn biến phức tạp. Các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã lên phương án, chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân TCM.
Bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Vũng Tàu cho biết, bệnh viện đã thành lập Ban Chỉ đạo thu dung điều trị bệnh nhân TCM. Bệnh viện giao Khoa Nhi phụ trách tổ điều trị, hỗ trợ công tác điều trị cho các cơ sở tuyến dưới trên địa bàn TP.Vũng Tàu khi có yêu cầu. Bệnh viện Vũng Tàu cũng yêu cầu Khoa Nhi rà soát lại quy trình khám, chữa bệnh TCM, bảo đảm bệnh nhân được điều trị đúng phác đồ, đúng quy trình; phân loại bệnh nhân đúng, nhập viện đúng theo hướng dẫn chẩn đoán của Bộ Y tế, tránh để sót các trường hợp có chỉ định nhập viện; tăng cường công tác hội chẩn từ xa với các bệnh viện tuyến cuối tại TP.Hồ Chí Minh, nhất là trước khi chuyển tuyến bệnh nhân nặng.
“Chúng tôi yêu cầu Khoa Dược rà soát, cùng với các khoa khác dự trù và cung cấp đủ các loại thuốc truyền dịch, đặc biệt là thuốc vận mạch, chống phù não, kiểm soát co giật. Phòng Vật tư trang thiết bị dự trù các loại máy móc, vật tư tiêu hao, nhất là máy thở, máy lọc máu phục vụ cho công tác điều trị bệnh nhân TCM nặng”, bác sĩ Tuấn thông tin.
Từ đầu năm đến ngày 18/7, toàn tỉnh ghi nhận 745 ca mắc TCM. Trong đó có 178 ca điều trị nội trú, 567 ca điều trị ngoại trú. Tỉnh đã có 1 ca tử vong do TCM. Sở Y tế giao bác sĩ Phan Văn Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Bà Rịa làm Tổ trưởng Tổ chuyên gia điều trị TCM tỉnh.
Ông Trần Ngọc Triệu, Phó Giám đốc Sở Y tế cho hay, sở có văn bản yêu cầu các bệnh viện, TTYT, phòng khám đa khoa tập trung nguồn lực phòng, chống bệnh TCM tại các cơ sở điều trị. Trong đó, cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, trạm y tế, bệnh viện chuyên khoa lưu ý khám, phát hiện sớm bệnh nhân TCM, chuyển tuyến theo phân cấp một cách an toàn và kịp thời.
Các bệnh viện đa khoa, TTYT có giường bệnh rà soát, đề xuất để bảo đảm có đủ nguồn lực tiếp nhận điều trị bệnh nhi TCM theo phân cấp. Cơ sở y tế tư nhân, trạm y tế, phòng khám khu vực Long Hải; TTYT TP.Vũng Tàu, TP.Bà Rịa, TX.Phú Mỹ và huyện Đất Đỏ không được giữ theo dõi, điều trị bệnh nhi TCM từ độ 2A trở lên. TTYT huyện Xuyên Mộc, Châu Đức, Long Điền theo dõi sát và chuyển tuyến an toàn bệnh nhi về Bệnh viện Bà Rịa hoặc Bệnh viện Vũng Tàu ngay khi bệnh nhi chuyển độ từ 2A sang 2B.
Bệnh viện Bà Rịa và Bệnh viện Vũng Tàu xem xét, bổ sung đủ nhân lực khám, chữa bệnh, thường trực tại các vị trí cấp cứu, hồi sức tích cực, nhi. Trường hợp cần thiết, 2 bệnh viện điều động bác sĩ, điều dưỡng từ các khoa có ít bệnh nhân hoặc từ các khoa không tham gia điều trị TCM hỗ trợ các khoa, phòng điều trị, theo dõi bệnh nhân.
“Khi dịch bệnh lan rộng và tăng cao, Sở Y tế khuyến khích bệnh viện Bà Rịa, Bệnh viện Vũng Tàu triển khai Đơn nguyên điều trị ban ngày thuộc Khoa Nhi, giảm áp lực bệnh nhi điều trị nội trú”, ông Triệu nhấn mạnh.