Lâm Đồng: 182ha đất tái định canh bị lấn chiếm chưa thể thu hồi sau 17 năm

Khu tái định canh 182ha cho dân mất đất sản xuất khi triển khai Dự án Bauxite-Nhôm Lâm Đồng không được sử dụng để tái định canh như mục tiêu đề ra, mà hoàn toàn bị người dân lấn chiếm.

(Ảnh minh họa. Ngọc Minh/TTXVN)

Năm 2006, huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) đã xây dựng Khu tái định canh (với diện tích 182ha) cho người dân mất đất sản xuất khi triển khai Dự án Bauxite-Nhôm Lâm Đồng.

Tuy nhiên, toàn bộ diện tích này không được sử dụng cho mục đích tái định canh như mục tiêu đề ra, mà hoàn toàn bị người dân lấn chiếm suốt 17 năm qua để dựng nhà trái phép, trồng càphê hoặc mua đi bán lại…

Mặc dù Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thu hồi diện tích 182ha nói trên, nhưng đến nay, Ban Quản lý Dự án Tổ hợp Bauxite-Nhôm Lâm Đồng cũng như chính quyền huyện Bảo Lâm vẫn chưa thực hiện được.

Vô tư lấn chiếm đất tái định canh

Có mặt tại Tiểu khu 438B (thuộc tổ 23, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm), được quy hoạch để bố trí đất sản xuất cho những hộ dân thuộc diện bị thu hồi đất phục vụ cho Dự án Bauxite-Nhôm Lâm Đồng, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam chứng kiến hàng chục ha đất của khu vực này đã trở thành vườn càphê hơn chục năm tuổi.

Khu vực tái định canh bám theo con đường nhựa rộng 5m, giao thông đi lại thuận lợi, cách trung tâm huyện Bảo Lâm chỉ khoảng 20 phút di chuyển bằng xe máy, lại gần khu dân cư nên rất thuận lợi để sinh sống. Tại đây, nhiều căn nhà, từ xây dựng khá kiên cố cho tới dạng nhà tiền chế, đã mọc lên, được rào chắn và đều khóa kín cửa.

Theo thống kê sơ bộ của Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm và Ban Quản lý Dự án Tổ hợp Bauxite-Nhôm Lâm Đồng, hiện có hơn 100 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu lấn chiếm, sản xuất, xây dựng trái phép trên diện tích 182 ha đất tái định canh này.

Người dân địa phương cho biết, vài năm trước, đây là địa bàn khá sôi động về kinh doanh bất động sản, với mức giá mua bán trao tay khoảng 50 triệu đồng/1.000m2. Khi cơn sốt đất diễn ra tại Bảo Lâm, hàng ngày có cả trăm đoàn khách đến tìm hiểu, mua đất tại Khu tái định canh. Nhiều người sau khi đặt cọc, biết thông tin đây là đất quy hoạch tái định canh nên rút lui. Nhưng vẫn rất nhiều người đánh liều mua đất tái định canh như một canh bạc. Người mua lại diện tích đất trên đến từ nhiều tỉnh, thành phố với mục đích mua để đầu tư bất động sản…

Theo hồ sơ, Khu tái định canh này được quy hoạch theo Quyết định 2483/QĐ-UBND ngày 6/9/2006 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, sau đó bàn giao cho Ban Quản lý Dự án Tổ hợp Bauxite-Nhôm Lâm Đồng (Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam) quản lý trực tiếp.

Diện tích mà Ban Quản lý Dự án Tổ hợp Bauxite-Nhôm Lâm Đồng nhận bàn giao là 153,66ha, còn lại 28,34ha hiện trạng do dân đang sản xuất nông nghiệp nên Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh chưa đền bù giải phóng mặt bằng, chưa bàn giao.

Sau khi tiếp nhận Khu tái định canh, Ban Quản lý Dự án Tổ hợp Bauxite-Nhôm Lâm Đồng đã tiến hành giải tỏa thu hồi đất và triển khai các hạng mục công trình như: xây dựng đường, đập tràn tại Khu tái định canh. Cũng trong thời gian này, bắt đầu xuất hiện tình trạng người dân lấn chiếm đất tái định canh để trồng chè, cà phê. Đến khoảng năm 2010- 2011, toàn bộ diện tích đất tái định canh bị lấn chiếm hoàn toàn.

Chưa tìm được tiếng nói chung

Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Tổ hợp Bauxite-Nhôm Lâm Đồng Nguyễn Đình Trí cho biết, ngay từ đầu, Ban Quản lý nhận thức rằng việc Ủy ban Nhân dân tỉnh giao đất là để đơn vị thuận lợi trong đầu tư hạ tầng khu tái định canh như: làm đường giao thông, đập tràn dẫn nước phục vụ sản xuất… rồi bàn giao lại cho huyện, chứ doanh nghiệp không hề có chức năng quản lý dân cư, phân bổ đất đai cho người dân tái định canh ở khu tái định cư này. Mặt khác, Ban cũng không đủ lực lượng và chuyên môn để quản lý đất đai.

Ông Trí cho biết, ngay sau khi nhận đất đầu tư hạ tầng, năm 2008, đơn vị đã ký hợp đồng với Ủy ban Nhân dân xã Lộc Phú là đơn vị gần với khu đất tái định canh để thuê trông coi, bảo vệ diện tích đất trên và đã ứng 1 phần kinh phí hợp đồng cho xã. Tuy nhiên, không lâu sau đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Lộc Phú là người đại diện ký hợp đồng qua đời, sau đó các lãnh đạo xã Lộc Phú cũng không “mặn mà “thực hiện hợp đồng đã ký; Hợp đồng sau đó cũng không nghiệm thu, thanh lý…

Về thực hiện trách nhiệm quản lý, bảo vệ khu đất được giao, ông Trí cho biết đã thường xuyên cử lực lượng đi tuần tra. Khi phát hiện người dân lấn chiếm, đơn vị đã phối hợp với lực lượng Kiểm lâm huyện nhổ bỏ cây trồng. Nhưng cứ nhổ xong, người lấn chiếm lập tức trồng lại, trong khi Ban Quản lý không đủ lực lượng để kiểm tra thường xuyên. Đơn vị cũng không có chức năng lập biên bản, xử phạt, cưỡng chế… nên không có tính răn đe. Lâu ngày, toàn bộ diện tích Khu tái định canh đã bị lấn chiếm như bây giờ.

Do không có chức năng quản lý đất đai, từ năm 2010, Ban Quản lý Dự án Tổ hợp Bauxite-Nhôm Lâm Đồng đã nhiều lần làm văn bản gửi Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm, thông báo về việc đã hoàn thành quy hoạch và xây dựng xong phần cơ sở hạ tầng, đủ điều kiện để bố trí đất cho người dân tại Khu tái định canh.

Ban Quản lý cũng đã đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm thực hiện việc tiếp nhận bàn giao công trình (văn bản số 255, 280, 381 năm 2010; số 107, 126,126… năm 2012…), nhưng Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm không hợp tác, vắng mặt tại các cuộc họp bàn giao.

Khi phát hiện diện tích đất bị lấn chiếm, Ban cũng nhiều lần làm văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện giúp đỡ giải tỏa việc lấn chiếm (văn bản 900/CV-BNLĐ năm 2011…), nhưng không nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương.

Sau 8 năm báo cáo qua lại, ngày 27/2/2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định 401/QĐ-UBND, nội dung quyết định thu hồi toàn bộ 182 ha đất đã giao cho Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam và giao lại cho Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm quản lý; đồng thời, giao Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm xử lý đối với các trường hợp lấn chiếm đất, bố trí tái định canh theo quy định. Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường lập biên bản giao đất cho Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm quản lý; chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính theo quy định.

Khi được hỏi về trách nhiệm của đơn vị trực tiếp quản lý, ông Nguyễn Đình Trí thừa nhận Ban Quản lý Dự án Tổ hợp Bauxite-Nhôm Lâm Đồng chưa thực hiện hết trách nhiệm dẫn tới việc toàn bộ diện tích Khu tái định canh bị lấn chiếm.

Đơn vị cũng thẳng thắn nhận phần lỗi để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất và mong muốn thu hồi diện tích này. Nhưng, theo ông Trí, một mình Ban Quản lý không thể làm gì vì không có chức năng xử phạt, cưỡng chế. Ban Quản lý sẵn sàng hỗ trợ các chi phí đo đạc, khảo sát để thu hồi, giải tỏa đất bị lấn chiếm.

Tuy nhiên, giữa Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm và Ban Quản lý chưa tìm được tiếng nói chung trong bàn giao giải quyết 182 ha đất bị lấn chiếm.

Tổ chức thu hồi mới chỉ thể hiện trên văn bản

Khi nhóm phóng viên Thông liên hệ làm việc với Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm về vấn đề trên, ông Nguyễn Tấn Trầm, Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân huyện, cho biết lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện bận nên không thể phát ngôn.

Ông Trầm cùng cán bộ chuyên môn Văn phòng được giao nắm sự việc nêu quan điểm rằng, 182ha đất tái định canh đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh đã giao cho Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam, nên doanh nghiệp này phải có trách nhiệm quản lý. Hiện nay, toàn bộ diện tích Khu tái định canh đã bị lấn chiếm, rất khó giải tỏa, đó là trách nhiệm của đơn vị được giao đất. Quan điểm của Ủy ban Nhân dân huyện từ trước đến nay là chỉ nhận bàn giao diện tích “đất sạch”, nghĩa là không bị lấn chiếm, tranh chấp.

Từ năm 2017 đến nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã ra nhiều văn bản, yêu cầu giải tỏa, thu hồi diện tích đất lấn chiếm; đôn đốc triển khai chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh. Cụ thể, ngày 16/1/2017, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ra văn bản số 279/UBND-ĐC, chỉ đạo Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm tổ chức giải tỏa các trường hợp lấn chiếm đất dự án tái định canh thuộc Tổ hợp bauxite-Nhôm Lâm Đồng; kịp thời tiếp nhận, quản lý phần diện tích đất đã giải tỏa để thực hiện việc bố trí tái định canh cho các hộ theo quy định…

Từ đó đến nay, Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm vẫn đang chỉ đạo các đơn vị tổ chức rà soát, thống kê lại diện tích đất bị lấn chiếm và những người lấn chiếm để có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo.

Theo Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm, quá trình giải tỏa đất tái định canh bị lấn chiếm sẽ khó khăn, kéo dài do diện tích bị lấn chiếm quá lớn, số người tham gia lấn chiếm rất nhiều và nhiều lô đất đã bị mua đi bán lại qua nhiều đời chủ…

Như vậy, sau 17 năm triển khai, Khu tái định canh Dự án Bauxite-Nhôm Lâm Đồng đã để lấn chiếm mất 182 ha đất, là 100% diện tích quy hoạch của Khu. Đến nay, việc tổ chức thu hồi, giải tỏa diện tích đất bị lấn chiếm mới chỉ thể hiện qua các văn bản qua lại giữa chính quyền địa phương và đơn vị liên quan.

Mới đây nhất, tại cuộc làm việc của Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng với Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam ngày 12/4/2024, phía Tập đoàn đã kiến nghị tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm tiếp nhận và quản lý Khu tái định canh phục vụ Dự án Tổ hợp Bauxite-Nhôm Lâm Đồng theo quy định./.

Theo: TTXVN
Spread the love
Back To Top