Tìm giải pháp quản lý hiệu quả nguồn lực đất đai ở Thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh có 1.819.185 thửa đất, trong đó 99,3% số thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn 13.035 thửa chưa được cấp do còn vướng pháp lý.

Khu vực ven sông Sài Gòn phía Khu Đô thị Thủ Thiêm. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Ngày 14/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Quản lý đất đai trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh: Thực trạng và giải pháp.”

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá tình hình, làm rõ những kết quả đạt được và những hạn chế, nguyên nhân cùng vấn đề đặt ra qua thực tiễn quản lý đất đai ở Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm vừa qua.

Các đại biểu cũng nêu những đề xuất, kiến nghị để hoàn thiện công tác quản lý đất đai trên địa bàn thành phố thời gian tới.

Các ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề như: Luật Đất đai 2024 và những giải pháp, kiến nghị tổ chức thực hiện; thực trạng và những vấn đề đặt ra về pháp luật đất đai ở Việt Nam; những vấn đề cơ bản cần thống nhất trong quản lý và sử dụng đất đai; thực trạng biến động đất đai trên địa bàn thành phố qua công tác đăng ký, thống kê đất đai; các vấn đề phát sinh trong quá trình chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp trên địa bàn thành phố; giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý đất đai trong bối cảnh mới từ thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết chính sách, pháp luật về đất đai đã có nhiều đổi mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn, từng bước tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý và sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả hơn…

Nguồn lực đất đai được khai thác, sử dụng hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường; góp phần giải quyết những vấn đề xã hội, tạo sự bình đẳng hơn giữa các chủ thể sử dụng đất. Nguồn lực đất đai ngày càng được quản lý, sử dụng phù hợp với phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần to lớn vào phát triển đất nước nói chung và từng địa phương, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải, Thành phố Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt, là trung tâm kinh tế-văn hóa-xã hội của khu vực và của cả nước. Với vị trí đặc biệt quan trọng như vậy, việc quản lý, sử dụng đất đai luôn là vấn đề được Đảng bộ và chính quyền thành phố quan tâm.

Thành ủy thành phố đã ban hành Chương trình hành động số 38 để thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW. Ủy ban Nhân dân thành phố triển khai thực hiện đề án “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.”

Thành phố cũng tập trung thực hiện quy hoạch sử dụng đất; thực hiện chuyển đổi số trong quản lý đất đai; đổi mới công tác tài chính đất đai; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất… Tuy nhiên, với nhiều khó khăn, thách thức cả khách quan lẫn chủ quan, công tác này vẫn còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao.

Do đó, thành phố mong muốn nhận được những ý kiến, kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn từ các bộ, ngành, địa phương, nhà khoa học, các chuyên gia để làm cơ sở tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý, sử dụng đất đai, về nguồn lực đất đai.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Đắc Nhẫn, điểm nổi bật của Luật Đất đai 2024 là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thống nhất quản lý theo hướng nâng cao trách nhiệm của địa phương và có sự kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ của Trung ương.

Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)

Thẩm quyền quyết định kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (bao gồm đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất) đều được giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Ngoài ra, việc giao đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất đã được chú trọng thực hiện hơn đối với đất ở, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho biết thành phố có 1.819.185 thửa đất, trong đó 99,3% số thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn 13.035 thửa chưa được cấp do còn vướng pháp lý.

Luật Đất đai năm 2024 đã có cơ chế xử lý cho vấn đề này. Luật quy định cụ thể về việc cấp giấy chứng nhận đối với từng nhóm đất như: đất do ông cha để lại, các loại đất không có giấy tờ rõ ràng, đất có nhiều hộ gia đình hoặc cá nhân sử dụng chung… Đồng thời, Luật đã làm rõ hơn trách nhiệm của chính quyền cơ sở đối với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho người dân, dù họ có đơn hay không.

Ông Châu cho rằng những quy định mới này sẽ tháo gỡ rất nhiều vướng mắc cho công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giúp Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương thuận lợi hơn trong thực thi pháp luật về đất đai. Thị trường bất động sản sẽ được “tiếp sức” để hồi phục, nếu tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội cho phép áp dụng sớm 6 tháng kể từ ngày 1/7/2024 đối với Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023.

Song song với đó, chính quyền các địa phương cần cùng cộng đồng doanh nghiệp bất động sản nỗ lực thực hiện Chương trình phát triển tối thiểu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030. Làm được những việc này sẽ giúp thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước tăng trưởng trở lại bình thường vào năm 2025 trở đi./.

Theo: TTXVN
Spread the love
Back To Top