Trung Quốc đang tham khảo ý kiến của các quan chức địa phương về các đề xuất để doanh nghiệp nhà nước mua hàng loạt căn nhà trống từ các nhà phát triển bất động sản đang chìm trong nợ nần.
Tòa chung cư tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trung Quốc đang xem xét việc mua lại hàng triệu căn nhà chưa bán được như một phần trong kế hoạch triệt để nhằm giải quyết những khó khăn hiện thời của thị trường bất động sản.
Một số nguồn tin cho hay Bắc Kinh đang tham khảo ý kiến của các quan chức chính quyền địa phương về các đề xuất để cho những doanh nghiệp nhà nước mua hàng loạt căn nhà trống từ các nhà phát triển bất động sản đang chìm trong nợ nần.
Hiện các đề xuất vẫn đang trong giai đoạn đầu, nhưng là phần mở rộng của các chương trình tương tự đã được thí điểm trên cả nước.
Các nguồn tin cho biết những ngôi nhà sẽ được mua lại với giá chiết khấu sâu rồi được chuyển đổi thành nhà ở giá phải chăng.
Các kế hoạch trước đây cho thấy Chính phủ Trung Quốc sẵn sàng cam kết số tiền tương đương 280 tỷ USD mỗi năm trong 5 năm để mua những căn nhà tồn đọng, rồi cung cấp chúng với giá trợ cấp cho các gia đình đang phải thuê nhà. Những tài sản này sẽ bị cấm bán trên thị trường mở.
Giới lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc hồi tháng trước tuyên bố họ đang nghiên cứu các cách để “tiêu hóa” kho dự trữ nhà hiện có, một động thái đã giúp thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng mạnh.
Ngoài ra, những năm gần đây trên thị trường tiếp tục có những lời kêu gọi thành lập các cơ quan tài trợ tương tự như Fannie Mae và Freddie Mac của Mỹ, tăng tính thanh khoản của các khoản vay thế chấp, giảm chi phí mua nhà…, đảm bảo thực hiện hiệu quả chính sách giảm tồn kho về mặt tổ chức.
Đương nhiên, việc đưa ra những chính sách lớn như vậy đòi hỏi phải có sự cân nhắc đầy đủ, kỹ lưỡng và thận trọng, phải tính đến cường độ thực hiện và kết quả thực tế của các chính sách trước đó, nếu hiệu quả chính sách giai đoạn đầu không tốt thì có thể loại bỏ. Nhìn từ góc độ thị trường, tổng lượng hàng tồn kho hiện tại của bất động sản là khá lớn.
Tính đến tháng 3/2024, tổng diện tích nhà ở thương mại tồn kho trên toàn quốc là 748,33 triệu m2, cao hơn gần 30 triệu m2 so với mức cao lịch sử năm 2015.
Trong ba năm gần đây, khi bất động sản liên tục chịu áp lực, không nhìn thấy biểu hiện rõ ràng về chính sách giúp giải quyết tồn kho, thì đối với thị trường bất động sản mà nói, sự thay đổi này thực sự mang đến nhiều hy vọng.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải vật lộn tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng bất động sản, khi một số nhà phát triển bất động sản hàng đầu nước này bị vỡ nợ trong bối cảnh tăng trưởng yếu và xây dựng quá mức.
Evergrande, từng là công ty bất động sản giá trị nhất thế giới, đã sụp đổ vào năm 2021. Sự sụp đổ đó đã gây ra cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực này và kéo tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đi xuống. Một tòa án tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đã ra lệnh thanh lý công ty vào đầu năm nay.
Trong khi đó, Country Garden, từng là nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, đang quay cuồng với khoản nợ trị giá khoảng 194 tỷ USD. Công ty đã chính thức vỡ nợ vào năm ngoái.
Mới đây, Country Garden đã nhận được đơn yêu cầu thanh lý tài sản ở Hong Kong từ một chủ nợ vì không thanh toán khoản vay 1,6 tỷ HKD (204 triệu USD).
Country Garden cho biết ngành bất động sản Trung Quốc đang “không ổn định,” khiến công ty gặp khó khăn hơn trong mọi hoạt động. Doanh số bán hàng của nhà phát triển bất động sản này đã sụt giảm kể từ năm ngoái.
Vào tháng 2/2024, doanh số bán hàng theo hợp đồng của Country Garden đã giảm 85%, mức giảm hàng tháng lớn nhất trong ít nhất 7 năm. Họ kêu gọi các chủ nợ kiên nhẫn và nói thêm rằng công ty vẫn tiếp tục cung cấp các dự án nhà ở.
Theo hồ sơ được ghi lại, vào năm 2023, Country Garden và các liên doanh của họ đã bàn giao hơn 600.000 căn nhà ở, bao phủ 249 thành phố trên khắp đất nước Trung Quốc.
Một tập đoàn hàng đầu khác trong ngành bất động sản Trung Quốc là China Vanke cũng đang gặp khó khăn. Công ty có trụ sở tại Thâm Quyến, xếp thứ 2 về doanh số bán hàng năm ngoái, đã báo cáo lợi nhuận giảm 46% trong năm 2023 vào ngày 29/3.
Mới đây, Moody’s đã hạ mức xếp hạng tín dụng của Vanke xuống mức “rác” (không đáng đầu tư), với lý do tình trạng thanh khoản của công ty ngày càng tồi tệ.
Truyền thông Trung Quốc ngay sau đó đưa tin rằng 12 ngân hàng lớn, bao gồm sáu ngân hàng lớn nhất thuộc sở hữu nhà nước, đang đàm phán để cung cấp một khoản vay khẩn cấp nhằm tránh đi theo “vết xe đổ” của Evergrande và Country Garden.
Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực khôi phục ngành bất động sản đang gặp khó khăn, điều này không chỉ làm suy yếu niềm tin của người mua nhà, doanh nghiệp và nhà đầu tư mà còn có nguy cơ tác động tiêu cực tới nền kinh tế nói chung.
Fitch Ratings cho biết trong một báo cáo hôm 29/3 rằng: “Chúng tôi đã hạ dự báo về thị trường nhà ở Trung Quốc và hiện dự kiến doanh số bán nhà mới sẽ giảm 5-10% vào năm 2024.”
Fitch Ratings nói thêm rằng sẽ là “thách thức” đối với Trung Quốc để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5% trong năm nay do cuộc khủng hoảng kéo dài của lĩnh vực bất động sản.
Các cơ quan quản lý Trung Quốc hiện đang thúc đẩy các ngân hàng đẩy nhanh việc phê duyệt các khoản vay mới cho các nhà kinh doanh bất động sản tư nhân đang thiếu tiền mặt, một nỗ lực nhằm vực dậy tâm lý người mua nhà.
Nỗ lực trên sử dụng cơ chế “danh sách trắng,” biện pháp hỗ trợ mới nhất của Chính phủ Trung Quốc nhằm giảm bớt tình trạng siết chặt thanh khoản chưa từng có trong lĩnh vực bất động sản và thúc đẩy nhu cầu mua nhà, giữa lúc giá nhà mới tại Trung Quốc giảm tháng thứ 8 liên tiếp trong tháng 2/2024.
Hầu hết các ngân hàng nội địa hàng đầu Trung Quốc cho đến nay đều tránh xa việc tăng cường đáng kể mức độ tiếp cận tín dụng cho khu vực bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng bất động sản, bất chấp những cú hích liên tục từ Chính phủ Trung Quốc, làm tiêu tan hy vọng về sự hồi sinh của một ngành vốn đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng tăng trưởng của Trung Quốc sẽ tiếp tục chậm lại ở mức 4,1% vào năm tới, thấp hơn nhiều so với mức hai con số từng thấy trong thập kỷ trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại và chỉ còn trên 3% vào cuối thập kỷ này.
Các nhà phân tích cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về mức nợ ngày càng tăng mạnh trong những năm gần đây của Trung Quốc.
Báo cáo của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cảnh báo nợ toàn cầu trong ba tháng đầu năm 2024 đã đứng ở mức cao kỷ lục 315.000 tỷ USD.
Theo IIF, mức nợ trên chủ yếu được thúc đẩy bởi những thị trường mới nổi, nơi các khoản nợ đang tăng lên mức cao chưa từng có là trên 105.000 tỷ USD.
Con số này cao hơn 55.000 tỷ USD so với một thập kỷ trước, trong đó Trung Quốc, Ấn Độ và Mexico ghi nhận mức tăng lớn nhất trong năm nay./.