Ngày 22/11, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam – Canada (VCBA) tổ chức Hội thảo “Canada – cửa ngõ cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Bắc Mỹ” nhằm cập nhật các thông tin mới nhất về thị trường, xu hướng tiêu dùng; cũng như các chính sách ưu đãi xuất khẩu tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu rộng hơn vào thị trường Canada.
Quang cảnh Hội thảo.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động như hiện nay, việc đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, khai mở các thị trường mới, còn nhiều dư địa, được coi là chìa khóa vàng để đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Đặc biệt, Canada được coi là cửa ngõ để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với khu vực thị trường Bắc Mỹ rộng lớn và nhiều tiềm năng.
Canada là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại châu Mỹ (sau Hoa Kỳ). Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan Việt Nam, kim ngạch thương mại Việt Nam – Canada 10 tháng năm 2023 ước đạt 5,214 tỷ USD giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả này còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của 2 quốc gia. Trong khi đó, Việt Nam cũng đóng vai trò là cửa ngõ để Canada vào khu vực Đông Nam Á và châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời là đối tác thương mại hàng đầu của Canada trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 6 của Canada trong nhóm 40 quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Về đầu tư, Canada hiện đứng thứ 14 trong tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Tính đến tháng 7/2023, Canada đầu tư trực tiếp vào Việt Nam 253 dự án với tổng vốn đăng ký là 4,84 tỷ USD. Riêng với Tp. Hồ Chí Minh, Canada có 131 dự án đầu tư với tổng vốn hơn 133 triệu USD, đứng thứ 22/120 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào thành phố. Tính riêng 10 tháng năm 2023, Canada có 20 dự án đầu tư mới với tổng số vốn đầu tư là 3,1 triệu USD.
Ông Nguyễn Quang Trung, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Vancouver, Canada cho biết, mặc dù Canada nằm cách xa Việt Nam nửa vòng trái đất nhưng quan hệ hợp tác song phương của hai nước đã phát triển mạnh mẽ, toàn diện và hiệu quả, trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam là một đối tác kinh tế đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc đa dạng hoá thương mại của Canada trong khu vực; điều này phù hợp với Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPS) của Canada. Bên cạnh đó, Việt Nam và Canada đều là thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và hiện đang tái khởi động đàm phán FTA ASEAN – Canada trong năm nay.
Theo ông Nguyễn Quang Trung, Việt Nam – Canada còn rất nhiều tiềm năng để mở rộng hợp tác đa lĩnh vực từ thương mại đến đầu tư; trong đó, Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu các mặt hàng như điện thoại di động, máy tính, dệt may, giày dép, đồ nội thất, thủy sản, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ nhựa, cao su… Trong khi đó, mặt hàng Canada xuất khẩu chính sang Việt Nam gồm ngũ cốc, hóa chất, thiết bị y tế, các sản phẩm về thịt, phân bón, đậu nành, nhiên liệu khoáng… Các nhà đầu tư Canada cũng rất quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, cơ sở hạ tầng, đầu tư tài chính, năng lượng sạch tại Việt Nam.
Ông Phạm Hồng Hải, Phó Chủ tịch Công ty Chứng khoán Thiên Việt, nguyên Giám đốc quốc gia Ngân hàng HSBC Canada cho rằng: Canada là đối tác lý tưởng về thương mại và đầu tư vì đây là quốc gia có nền kinh tế vĩ mô và chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi; thuế doanh nghiệp thấp hơn so với Mỹ và EU. Bên cạnh đó, Canada có lực lượng lao động lành nghề dồi dào, hệ thống luật pháp rõ ràng. Việt Nam – Canada được kết nối với nhau thông qua Hiệp định CPTPP.
Theo ông Phạm Hồng Hải, doanh nghiệp Việt Nam, việc đặt cơ sở kinh doanh tại Canada không phải chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường Canada, mà còn đạt được mục tiêu lớn hơn là phát triển thị trường xuất khẩu ra toàn cầu và quảng bá thương hiệu của mình ra quốc tế.
Đặc biệt, các doanh nghiệp muốn tiếp cận thị trường Mỹ nên ưu tiên mở chi nhánh hoặc văn phòng tại Canada vì việc bán hàng qua Mỹ từ chi nhánh Canada được xem là hoạt động xuất khẩu và sẽ nhận được nhiều hình thức tài trợ. Thêm vào đó, các cơ quan và định chế tài chính Canada có phong cách làm việc thân thiện với doanh nghiệp hơn so với các định chế tương tự ở Mỹ. Chi phí kinh doanh ở Canada cũng thấp hơn so với Mỹ.
“Các lĩnh vực đầu tư kinh doanh nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam tại Canada là xuất nhập khẩu, đầu tư, kinh doanh bất động sản thương mại và bất động sản công nghiệp; sản xuất nông nghiệp, nông trại; sản xuất và chế biến thực phẩm, thức uống, xây dựng và các sản phẩm ngành y tế và dược phẩm”, ông Phạm Hồng Hải chia sẻ thêm.