Doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh khai thác thị trường Á-Âu giàu tiềm năng

Thị trường Á-Âu (Eurasia) gồm 28 nước, là thị trường truyền thống của Việt Nam trước đây, hiện nay được coi là thị trường xuất khẩu tiềm năng với rất nhiều dư địa hợp tác.

                                                                                          Vụ trưởng Vụ châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) Tạ Hoàng Linh phát biểu. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Ngày 24/11, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn thương mại Việt Nam-Á Âu, về chủ đề “Thích ứng bối cảnh – Khai phá tiềm năng.”

Sự kiện thu hút đông đảo các chuyên gia, đại diện một số hiệp hội ngành hàng và đông đảo doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết thị trường Á-Âu (Eurasia) là thị trường truyền thống của Việt Nam trước đây và hiện nay được coi là thị trường xuất khẩu tiềm năng với rất nhiều dư địa hợp tác.

Đây là liên khu vực rộng lớn gồm 28 nước, trải dài từ Đông Âu sang Trung Á, với tổng diện tích khoảng 23,5 triệu km2, dân số hơn 400 triệu người và tổng GDP gần 4.500 tỷ USD- một khu vực rất giàu tài nguyên khoáng sản đặc biệt là dầu mỏ, khí đốt, kim loại màu, than đá, ngũ cốc…

Về hợp tác thương mại, theo số liệu của Hải quan Việt Nam, năm 2022, do ảnh hưởng từ xung đột Nga-Ukaine, thương mại song phương giữa Việt Nam và các nước khu vực Á- Âu đạt 13,3 tỷ USD, giảm 9,7% so với năm 2021; trong đó, xuất khẩu đạt 8,6 tỷ USD giảm 13,1%, nhập khẩu đạt 4,67 tỷ USD, giảm 2,9%.

Trong 9 tháng năm 2023, giao thương hàng hóa giữa Việt Nam và các nước khu vực Á- Âu đạt 9 tỷ USD, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này là 6,3 tỷ USD, giảm 1,2%; nhập khẩu đạt 2,7 tỷ USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù giao thương hàng hóa giữa hai bên sụt giảm trong thời gian vừa qua, tuy nhiên khu vực Á-Âu vẫn là một thị trường giàu tiềm năng đối với doanh nghiệp Việt Nam khi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực chỉ chiếm khoảng 2,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và khoảng 0,4% tổng kim ngạch nhập khẩu của khu vực này.

Các dự án đầu tư từ khu vực Á-Âu hiện chỉ chiếm khoảng 0,3% trong tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.

Ông Tạ Hoàng Linh ghi nhận giữa hai bên đã hình thành các thiết chế, khung khổ vững chắc làm nền tảng cho sự phát triển hợp tác song phương, bao gồm hai hiệp định thương mại tự do là Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Á-Âu (gồm Liên bang Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia, Kyrgyzstan) hay Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA); Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA)…

Các đại biểu trong nước và quốc tế tham dự Diễn đàn. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Những cơ chế hợp tác nêu trên đã và đang được triển khai hiệu quả, làm cơ sở vững chắc để doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp các nước khu vực Á-Âu tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại và đầu tư.

Khu vực Á-Âu cũng là khu vực có đông cộng đồng người Việt Nam làm ăn, sinh sống. Việc thúc đẩy trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm giao thương, kết nối giữa các doanh nghiệp tại Việt Nam và cộng đồng người Việt tại khu vực này sẽ hỗ trợ cho hợp tác về thương mại và đầu tư của Việt Nam với khu vực Á-Âu được hiệu quả và thực chất hơn.

Ngày 2/12, tại thành phố Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn thương mại với các đối tác khu vực Á-Âu năm 2022 bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

Để cụ thể hóa những cơ hội hợp tác giữa hai bên, tại diễn đàn, các diễn giả đến từ Bộ Công Thương, Hiệp hội doanh nghiệp Trung và Đông Âu, các đại sứ quán khu vực Á – Âu tại Việt Nam, các thương vụ Việt Nam tại khu vực này, cùng đại diện một số tập đoàn lớn đang đầu tư và kinh doanh thành công tại khu vực này đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích về các xu hướng chính sách, nhu cầu và cơ hội hợp tác, kinh nghiệm tiếp cận và chiếm lĩnh thị trường khu vực Á Âu.

Cũng trong khuôn khổ diễn đàn còn có tọa đàm giữa đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, doanh nghiệp về những cơ hội, thách thức khi kinh doanh, đầu tư tại khu vực Á-Âu; trong đó, các bên tập trung chia sẻ những giải pháp tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do trong khu vực; các biện pháp thanh toán và vận tải tối ưu khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Á-Âu; các bài học kinh nghiệm và những lưu ý cần thiết khi giao thương tại khu vực này; trao đổi về thực tiễn áp dụng các mô hình kinh tế mới tại Việt Nam và khu vực Á-Âu, cũng như các cơ hội hợp tác có thể thúc đẩy giữa hai bên.

Đại sứ Kazazhstan Kanat Tumysh Tanat Tumysh chia sẻ tại Diễn đàn. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Đánh giá cơ hội thị trường khu vực Á-Âu, dưới góc nhìn chiến lược từ một tập đoàn đa ngành, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet kiêm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sovico cho hay, Sovico, Vietjet tin tưởng khu vực Á-Âu với thị trường rộng lớn khoảng hơn 400 triệu người, tổng GDP gần 4.500 tỷ USD là một thị trường truyền thống với Việt Nam trước đây, sẽ là một thị trường tiềm năng với nhiều dư địa để mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực.

Việt Nam và khu vực Á-Âu có rất nhiều điểm chung, nhiều doanh nhân thành công tại Việt Nam hiện nay từng có thời gian học tập, sinh sống tại khu vực Đông Âu hay Trung Á, Sovico-Vietjet tin rằng với sự hiểu biết của các doanh nghiệp Việt Nam với thị trường, văn hóa, con người tại các quốc gia này thì điều quan trọng là có các chính sách khuyến khích đầu tư, tạo điều kiện để biến những tiềm năng sẵn có trở thành các hợp tác, các khoản đầu tư.

Tại diễn đàn, ông Dương Hoàng Minh, Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Bang Nga cho biết trong 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may từ Việt Nam sang Nga đạt 343,7 triệu USD, tăng 91% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga cũng nhận được phản ánh từ các doanh nghiệp và người tiêu dùng Nga cũng như doanh nghiệp Việt Nam về bất cập trong giao hàng, bảo quản, thanh toán…

Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, Thương vụ khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam khi giao dịch, kinh doanh với thị trường Nga cần chủ động tham dự triển lãm chuyên ngành tại các nước để tìm hiểu thị trường và tìm khách hàng, đối tác kinh doanh tiềm năng.

Qua công tác thị trường, thương vụ nhận thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham dự các triển lãm tại Liên bang Nga đã tìm được khách hàng, từng bước tăng xuất khẩu và phát triển được thương hiệu tại thị trường.

Trong thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga sẽ tổng hợp danh sách các triển lãm tiêu biểu tại Liên bang Nga và một số nước quanh khu vực trong năm 2024, gửi về Bộ Công Thương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội ngành hàng… để thông tin tới các doanh nghiệp.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về khách hàng trước khi tiến hành giao dịch, ký kết hợp đồng. Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm hiểu, xác minh đối tác…

Ông Tạ Hoàng Linh đánh giá, Bộ Công Thương, với vai trò là cơ quan chủ trì các hoạt động hợp tác kinh tế-thương mại song phương và đa phương, sẽ tiếp tục phối hợp với các đại sứ quán, các cơ quan đại diện thương mại các nước trong khu vực, các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài… đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp nắm bắt và tận dụng cơ hội hợp tác mới, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động giao thương, đồng thời tiếp tục hoàn thiện và triển khai các giải pháp tổng thể để thúc đẩy các hoạt động thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và thị trường châu Âu-châu Mỹ nói chung và thị trường khu vực Á- Âu nói riêng./.

Theo: TTXVN
Spread the love
Back To Top