Là một trong những mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh, quả thanh long Sơn La đã và đang khẳng định được thương hiệu và chất lượng sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước, từng bước chinh phục thị trường thế giới thông qua xuất khẩu.
Chính thức tiếp cận với thị trường xuất khẩu từ năm 2016, đến nay hợp tác xã Ngọc Hoàng, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã trở thành đơn vị có tiếng trong lĩnh vực xuất khẩu mặt hàng hoa quả tươi. Để xuất khẩu được sang thị trường EU, quả thanh long buộc phải đáp ứng các tiêu chuẩn về mã số vùng trồng, về kiểm dịch thực vật, có mẫu mã đẹp, trọng lượng từ 350 gram/quả trở lên. Chất lượng sản phẩm luôn là yếu tố được đơn vị này quan tâm hàng đầu trong suốt quá trình sản xuất, thu hái, bảo quản, cũng như đóng gói sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Dung, Phó giám đốc hợp tác xã Ngọc Hoàng chia sẻ: “Đối với quả thanh long để đảm bảo xuất khẩu rất cầu kỳ phải qua các bước, khi thu hái về phải cẩn thận để quả thanh long không bị dập, sau đó qua rửa lần 1, rửa kiểm soát lần 2 và lần thứ 3 kiểm soát lại xem có rầy rệp gì hay không, đến khâu thứ 4 mới đóng vào xốp”.
Với diện tích 300 ha, năm nay hợp tác xã Ngọc Hoàng dự kiến thu hái khoảng 3 nghìn tấn quả tươi.
Hiện nay hợp tác xã Ngọc Hoàng đang liên kết với các công ty xuất nhập khẩu uy tín trong nước để giới thiệu sản phẩm đến các thị trường quốc tế. Vừa qua chuyến hàng thứ 3 trong năm 2023 được xuất khẩu đi Pháp và Hà Lan với sản lượng 2 tấn. Dù sản lượng chưa nhiều song đây là bước đi quan trọng để quảng bá, giới thiệu sản phẩm thanh long ruột đỏ của Sơn La ra thị trường thế giới.
Việc xuất khẩu hoa quả sang thị trường các nước là mục tiêu chính mà nhiều hợp tác xã ở Sơn La đang hướng tới. Anh Lê Văn Sơn, Công ty cổ phần Cao nguyên Mộc Châu cho biết: “Một số thị trường chính của công ty đó là Pháp, Ý, Canada, Hà Lan. Thanh long Mai Sơn, thị trường châu Âu cũng bắt đầu chấp nhận, một thị trường rất mới. Về chất lượng, thanh long Mai Sơn được đánh giá khá cao, công ty đang tiếp tục chào hàng với một số thị trường khác”.
Toàn bộ diện tích thanh long được áp dụng quy trình sản xuất sạch theo hướng hữu cơ, vietgap, globalgap.
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu, hợp tác xã Ngọc Hoàng hiện đang tập trung phát triển vùng nguyên liệu 300 ha tại các huyện: Mai Sơn, Thuận Châu, Yên Châu, Mộc Châu, Sông Mã và Sốp Cộp… Toàn bộ diện tích thanh long đều được áp dụng quy trình sản xuất sạch theo hướng hữu cơ, Vietgap, Globalgap…
Ông Đỗ Danh Nhất, thành viên hợp tác xã Ngọc Hoàng, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La chia sẻ: “Chất lượng quả thanh long xuất khẩu phải đảm bảo được quy trình kỹ thuật, thứ nhất là phân bón hữu cơ; thứ hai là thuốc trừ sâu phải sử dụng thuốc sinh học”.
Thanh long qua rửa lần 1, rửa kiểm soát lần 2 và lần thứ 3 kiểm soát lại, đến khâu thứ 4 mới đóng vào xốp.
Với kinh nghiệm hàng chục năm trong phát triển cây thanh long ruột đỏ tại Sơn La, hợp tác xã Ngọc Hoàng có nhiều lợi thế trong việc tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường xuất khẩu. Với diện tích 300 ha, năm nay hợp tác xã dự kiến thu hái khoảng 3.000 tấn quả tươi, dự kiến xuất khẩu 2.000 tấn, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị kinh tế từ cây thanh long.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc hợp tác xã Ngọc Hoàng cho biết: “Năm nay hợp tác xã đã ký hợp đồng với 5 đối tác, mỗi tuần bình quân đưa theo đường hàng không là 6 tấn. Dự tính là đưa sang hệ thống xuất khẩu của EU và Trung Đông năm nay dự kiến là 2.000 tấn”.
Vừa qua chuyến hàng thứ 3 trong năm 2023 được xuất khẩu đi Pháp và Hà Lan với sản lượng 2 tấn.
Sau 7 năm có mặt trên thị trường xuất khẩu, sản phẩm thanh long ruột đỏ của Sơn La đã chinh phục được những thị trường khó tính khu vực EU như: Pháp, Italya, Hà Lan, Nga, Nhật Bản…, góp phần nâng cao giá trị quả thanh long ruột đỏ, đồng thời khẳng định thương hiệu và chất lượng nông sản Sơn La trên thị trường quốc tế./.