Các dự báo cho thấy hoạt động xuất khẩu sẽ phục hồi dần trong 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn phía trước đòi hỏi các doanh nghiệp, ngành hàng phải đặc biệt quan tâm để có thể tiếp cận thị trường trong thời gian tới.
Xuất khẩu dệt may gặp khó trong 6 tháng đầu năm.
Xuất khẩu gặp khó, kỳ vọng khởi sắc trong 6 tháng cuối năm
Theo đánh giá chung của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2023 sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm, tuy nhiên mức độ tác động đến xuất khẩu từng ngành hàng có sự khác nhau. Trong đó, những ngành hàng như dệt may, da giày, gỗ, thuỷ sản với thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU… có mức sụt giảm nhiều nhất; trong khi các ngành hàng như cao su, gạo, rau quả, hạt điều… với thị trường xuất khẩu chính là châu Á ít chịu tác động hơn.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 14,422 tỷ USD, giảm 21,42% so với cùng kỳ năm 2022.
“Nhiều doanh nghiệp buộc phải nhận đơn hàng không phải thế mạnh của mình để duy trì hoạt động, giữ chân người lao động, khách hàng. Các doanh nghiệp phải giảm chi phí, thậm chí có doanh nghiệp phải giảm lương cán bộ gián tiếp, có doanh nghiệp phải bán một phần tài sản để trang trải, duy trì hoạt động và không bị phá sản”, ông Trương Văn Cẩm cho hay và nhận định, phải tối thiểu quý III, sang quý IV mới hồi phục trở lại, sang 2024 mới ổn định phát triển.
Tương tự, trong 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu của toàn ngành da giày Việt Nam tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tình hình kinh tế thế giới vẫn bất ổn, lạm phát tăng cao ở các nước châu Âu, Mỹ, tổng cầu giảm khiến các đơn hàng sụt giảm.
Theo số liệu của Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam (LEFASO), tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành 5 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt khoảng 10 tỷ USD, giảm 14,5% so với cùng kỳ. Đại diện LEFASO đánh giá đây là lần sụt giảm lớn nhất đầu tiên của ngành.
Về bức tranh tổng thể của xuất khẩu, Bộ Công Thương đánh giá, trong 5 tháng đầu năm 2023, hoạt động xuất khẩu tiếp tục chịu ảnh hưởng từ những khó khăn trong sản xuất và sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu nên kim ngạch ước đạt 262 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy vậy, tín hiệu lạc quan cho thấy, hoạt động xuất khẩu hàng hóa đã có sự phục hồi nhất định. Trong tháng 5, kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 5 đạt trên 55 tỷ USD (tăng trên 5% so với tháng trước). Trong đó, hoạt động xuất khẩu hàng hóa phục hồi tích cực với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 29,05 tỷ USD, tăng 4,3% so với tháng trước.
Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt hơn 262 tỷ USD, kim ngạch xuất siêu gần 10 tỷ USD. Trong 5 tháng qua, có 23 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, (cao hơn 3 mặt hàng so với 4 tháng đầu năm), chiếm 87,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 07 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 65,4%).
Một số mặt hàng nông sản xuất khẩu cho giá trị gia tăng cao. Đáng lưu ý, mặt hàng gạo đã thâm nhập được vào nhiều thị trường khu vực EU có yêu cầu cao về tiêu chuẩn, chất lượng, tận dụng khá tốt Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, UKVFTA.
Các dự báo cho thấy hoạt động xuất khẩu sẽ phục hồi dần trong 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn phía trước đối với những mặt hàng xuất khẩu chủ lực đòi hỏi các doanh nghiệp, ngành hàng phải đặc biệt quan tâm để có thể tiếp cận thị trường trong thời gian tới.
Đa dạng hóa thị trường tạo đà thúc đẩy xuất khẩu
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, cơ hội cho xuất khẩu hàng hoá tiêu dùng hồi phục trong những tháng tới đây. Còn hiện nay, Việt Nam đang gặp khó khăn về vấn đề thị trường. Theo đại diện Bộ Công Thương, hiện nay chúng ta đang có 15 FTA đã ký và đang được thực hiện. Bên cạnh đó, FTA với Israel đã kết thúc đàm phán và dự kiến sẽ ký kết trong thời gian từ nay đến cuối năm. Với số lượng FTA hiện nay đã bao trùm hầu khắp các thị trường lớn và vẫn còn dư địa tăng trưởng rất tốt.
“Tuy nhiên câu chuyện ở đây là để khai thác thị trường có FTA thì chúng ta phải đáp ứng các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ. Câu chuyện về xuất xứ chỉ là quy định nhưng đằng sau nó là câu chuyện thay đổi về nguồn nguyên liệu sản xuất, thay đổi dây chuyền để có thể đáp ứng được yêu cầu của bạn hàng”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Cùng với đó, theo đại diện Bộ Công Thương, việc dỡ bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan là giải pháp quan trọng, song đó chỉ là một trong những trở ngại. Nếu hàng rào đó được xóa bỏ nhưng doanh nghiệp không nắm rõ được thị hiếu và các quy định tiêu chuẩn khác để đáp ứng được yêu cầu của thị trường nhập khẩu thì khó khăn vẫn còn đó.
Do đó, theo ông Trần Thanh Hải, vai trò của xúc tiến thương mại là bên cạnh giúp doanh nghiệp tìm kiếm được các bạn hàng, cơ hội kinh doanh mới thì còn phải thúc đẩy được doanh nghiệp đi ra ngoài và nắm bắt được các yêu cầu của thị trường bên ngoài tốt hơn, giúp doanh nghiệp có tự tin.
Ngoài ra, để đa dạng hóa nguồn thông tin thị trường cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương đẩy mạnh nguồn tin từ các Thương vụ ở nước ngoài và có những trang thông tin để cung cấp thông tin, giúp cho doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội kinh doanh tốt hơn.
Theo ông Trần Thanh Hải, bên cạnh những hỗ trợ từ cơ quan quản lý thì rất cần sự chủ động của doanh nghiệp. Đối với thị trường trong nước hay xuất khẩu thì việc tìm kiếm bạn hàng hay đáp ứng các nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng luôn là yếu tố quan trọng. Do đó sự chủ động ở đây là các doanh nghiệp phải làm sao có được đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp để xây dựng chiến lược bán hàng, chiến lược thương hiệu. Nhất là đối với hoạt động xuất khẩu thì hiện nay vẫn có một số ngành hàng chủ yếu là gia công, tức là khối lượng sản xuất lớn nhưng sản xuất theo đơn đặt hàng chứ không nắm bắt được nhu cầu thực sự của thị trường. Do đó việc bên cạnh đầu tư tài chính, công nghệ máy móc thì đầu tư cho con người là yếu tố quan trọng để có thể nắm bắt được các yêu cầu thực tế từ thị trường để có được đơn hàng.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng bình luận, mặc dù có dấu hiệu khởi sắc trong xuất khẩu hàng hóa nhưng doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực như: dệt may, da giày, gỗ, thủy sản còn rất khó khăn về đơn hàng. Nguyên nhân lớn nhất vẫn là từ sự co hẹp chi tiêu tại các thị trường lớn, đặc biệt là Hoa Kỳ và EU.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp duy trì được động lực sản xuất, xuất khẩu là một trong những trọng tâm cần được cơ quan nhà nước đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt các cắt giảm thủ tục hành chính, để đảm bảo tăng trưởng của cả nền kinh tế trong thời gian tới. Nhiều yếu tố chủ quan mà Việt Nam có thể làm, đó là cắt giảm chi phí trong lĩnh vực xuất khẩu. Ngoài việc giảm thuế, hoãn thuế phải nộp thì có thể giảm các loại phí…