Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Nhật Bản được ký kết tại Hội thảo Xúc tiến Đầu tư-Du lịch Việt Nam với chủ đề “Lào Cai – Điểm đến thành công.”
Lễ trao Biên bản ghi nhớ về hợp tác của Tập đoàn Erex. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/TTXVN)
Ngày 23/4, tại thủ đô Tokyo đã diễn ra Hội thảo Xúc tiến Đầu tư-Du lịch Việt Nam với chủ đề “Lào Cai – Điểm đến thành công.”
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, tham dự sự kiện có Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường; đại diện Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam tại Nhật Bản (Vietnam Airlines); đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO); đại diện Hiệp hội các đại lý du lịch Nhật Bản (JATA) cùng đông đảo lãnh đạo các doanh nghiệp Nhật Bản.
Phát biểu khai mạc, Đại sứ Phạm Quang Hiệu nhận định việc Đại sứ quán và một tỉnh/địa phương của Việt Nam cùng phối hợp với Vietnam Airlines lần đầu tiên tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư; quảng bá, phát triển du lịch tại Nhật Bản là một sự kiện đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh năm 2024 là năm kỷ niệm 30 năm thiết lập đường bay Việt Nam-Nhật Bản của Vietnam Airlines.
Theo Đại sứ, việc thúc đẩy, kết nối các mạng lưới giao thông, trong đó có hàng không, là điều không thể thiếu để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư và du khách Nhật Bản tới thăm Việt Nam.
Đại sứ Phạm Quang Hiệu cho biết mặc dù gặp nhiều khó khăn khi đầu tư ra nước ngoài do sự sụt giảm tỷ giá của đồng yen nhưng trong những năm gần đây, đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam vẫn tăng đều.
Tính đến tháng 3/2024, Nhật Bản có 5.304 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 74,4 tỷ USD, đứng thứ 3/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Đánh giá về thế mạnh của tỉnh Lào Cai, Đại sứ Phạm Quang Hiệu cho rằng Lào Cai có nhiều địa danh du lịch nổi tiếng như Sa Pa, đỉnh Fansipan.
Về lĩnh vực công nghiệp, Lào Cai có thế mạnh về công nghiệp chế biến gắn với hoạt động khai khoáng. Ngoài ra, Lào Cai được xem là 1 trong 8 vùng trọng điểm của Việt Nam về sản xuất cây dược liệu.
Đại sứ bày tỏ tin tưởng hội thảo sẽ giới thiệu một bức tranh tổng thể của Lào Cai về môi trường đầu tư, thương mại, du lịch, cơ sở hạ tầng ngày một phát triển, có đầy đủ thế mạnh thu hút làn sóng đầu tư từ Nhật Bản.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường cho biết Lào Cai đã có giao lưu hợp tác với Nhật Bản từ những năm 1990 và mối quan hệ này được duy trì, gắn bó từ đó đến nay.
Ông giới thiệu những lợi thế của địa phương như phát triển kinh tế cửa khẩu; giàu tài nguyên khoáng sản; tiềm năng phát triển nông, lâm nghiệp nhờ môi trường thiên nhiên rất đa dạng; tiềm năng về phát triển du lịch nhờ bản sắc văn hóa dân tộc rất đa dạng, phong phú và độc đáo.
Chủ tịch tỉnh Lào Cai cho biết tỉnh áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư. Lãnh đạo tỉnh đặc biệt nhấn mạnh tùy theo quy mô, tính chất của từng dự án, trên cơ sở xem xét đề nghị của các nhà đầu tư, tỉnh sẽ có những cơ chế hỗ trợ đặc biệt đối với các dự án lớn, có vai trò quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và khu vực.
Tại hội thảo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường đã giải đáp các câu hỏi của doanh nghiệp Nhật Bản về kế hoạch khởi công xây dựng Cảng Hàng không Sa Pa.
Ông cũng giới thiệu các điều kiện thuận lợi từ các cơ chế chính sách cho đến các hạ tầng cơ sở để hỗ trợ các nhà đầu tư đến Lào Cai.
Đề cập đến dự án xây dựng nhà máy điện sinh khối của Tập đoàn Erex, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai cam kết tạo các điều kiện thuận lợi như giới thiệu các lâm trường có thể cung cấp nguyên liệu làm viên nén nhiên liệu cho điện sinh khối, sẵn sàng mặt bằng cho dự án của Tập đoàn Erex.
Lãnh đạo tỉnh Lào Cai khẳng định dự án nhà máy điện sinh khối của Tập đoàn Erex là một dự án được ưu đãi nên sẽ được tỉnh áp dụng tất cả những điều kiện ưu đãi lớn nhất theo các quy định của Nhà nước Việt Nam.
Chủ tịch Trịnh Xuân Trường khẳng định sự thành công của nhà đầu tư là sự thành công của tỉnh Lào Cai.
Ông Manabu Tsukada, Giám đốc chiến lược của JETRO nhận định Lào Cai là địa phương đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao ở khu vực miền núi phía Bắc, thế nhưng đầu tư của các công ty Nhật Bản vào tỉnh này cho đến nay vẫn còn rất hạn chế.
Ông cũng đồng tình quan điểm cho rằng Lào Cai có nhiều lợi thế. Đặc biệt trong những năm gần đây, sự kết nối Lào Cai-Hà Nội đã cải thiện rõ rệt nhờ tuyến đường cao tốc đã được hoàn thành.
Theo ông Tsukada, cùng với ngành nông nghiệp và du lịch vốn đã phát triển mạnh, Lào Cai có nhiều tài nguyên quý hiếm, có tiềm năng sản xuất điện sinh khối và thương mại biên giới với Trung Quốc. Ông bày tỏ hy vọng hội thảo giới thiệu những thế mạnh và sự hỗ trợ của chính phủ cũng như chính quyền địa phương dành cho các nhà đầu tư sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng du lịch và đầu tư tại tỉnh.
Đề cập đến vai trò của giao thông hàng không trong xúc tiến đầu tư, Trưởng đại diện Vietnam Airlines tại Nhật Bản, ông Ngô Sỹ Anh cho biết Vietnam Airlines vẫn đang nỗ lực hết mình để tiếp tục chính sách mở rộng thị trường dài hạn tại Nhật Bản và khẳng định vị thế là một hãng hàng không tốt và đáng tin cậy đối với hành khách Nhật Bản.
Theo ông Ngô Sỹ Anh, trải qua 30 năm kể từ chuyến bay đầu tiên đến Nhật Bản, quyết định mở đường bay này có tầm quan trọng chiến lược thương mại đối với Vietnam Airlines, đóng vai trò là cầu nối quan trọng trong các hoạt động thương mại, kinh tế, chính trị và văn hóa giữa hai nước.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn Ủy ban Kinh tế Việt-Nhật cũng như Keidanren triển khai các hoạt động quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư của Việt Nam đến các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản.
Tại hội thảo cũng đã diễn ra lễ trao các Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa địa phương với các doanh nghiệp Nhật Bản cũng như hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp Nhật Bản dưới sự chứng kiến của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, đại diện JETRO cùng nhiều tổ chức, doanh nghiệp./.