Thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, vi rút bùng phát, tấn công và gây bệnh. Ðặc biệt đối với trẻ em, sức đề kháng và hệ miễn dịch còn non yếu do vậy trẻ rất dễ mắc các bệnh vào mùa hè như đường hô hấp, tiêu chảy, thủy đậu, tay chân miệng…
Bệnh nhi điều trị tại Khoa Nhi (Bệnh viện Ða khoa tỉnh).
Khi con có các triệu chứng sốt cao, ói mửa, đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, đau bụng, chướng bụng, chị Hoàng Thị Ðiều, tổ dân phố 5, phường Thanh Bình (TP. Ðiện Biên Phủ) đã đưa con đến khám tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh. Tại đây, cháu được chẩn đoán mắc tiêu chảy cấp do đường ruột bị nhiễm vi rút.
Chị Hoàng Thị Ðiều cho biết: “Con nhà tôi ở nhà bị sốt tầm 3 ngày, có kèm theo nôn và đi ngoài phân lẫn máu khoảng 4 lần/ngày. Tôi đã cho cháu đến khám và điều trị trong bệnh viện, sau gần 1 tuần điều trị tình trạng cháu đã ổn định hơn”.
Thấy cháu có biểu hiện thở khò khè, sốt, mệt lả kéo dài trong 3 ngày, gia đình bà Nguyễn Thị Yến, tổ 2, phường Mường Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) đã đưa cháu vào thăm khám tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh. Tại đây, qua quá trình thăm khám và thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán cận lâm sàng, bác sĩ kết luận cháu bị viêm phổi thùy, có dấu hiệu suy hô hấp. Ðây là bệnh tổn thương do nhiễm vi khuẩn, thường xảy ra vào thời điểm thời tiết có nhiều thay đổi bất thường như hiện nay. Bà Yến cho biết: “Ở nhà, cháu bị ho và sốt nhưng không sốt cao, kéo dài đến ngày thứ 3 nên gia đình đưa đi khám. Cháu được bác sĩ chỉ định nằm viện để điều trị và chẩn đoán bị viêm phổi thùy”.
Bác sĩ Mai Thị Tâm, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Ða khoa tỉnh) cho biết: “Về mùa hè với đặc điểm thời tiết nắng nóng kéo dài tạo điều kiện cho rất nhiều loại vi rút, vi khuẩn sinh sôi, phát triển, dễ gây ra các loại dịch bệnh. Tại địa phương trong mùa hè năm nay, chúng tôi thấy nổi cộm lên là các bệnh truyền nhiễm hay gặp như chân tay miệng, cúm, thủy đậu, tiêu chảy và Covid-19 đối với các trẻ sinh ra chưa mắc Covid-19… Ðây không phải là các bệnh nan y, tuy nhiên nếu trẻ mắc bệnh mà không được điều trị và chăm sóc đúng cách thì có thể dẫn tới các biến chứng bội nhiễm. Khi đó việc điều trị sẽ rất khó khăn, tốn kém, dẫn tới các biến chứng nguy hiểm và có thể tử vong”.
Ðể phòng bệnh cho trẻ vào mùa hè, cách hiệu quả nhất là trẻ được tiêm phòng hoặc uống vắc xin đầy đủ; cần thực hiện ăn uống hợp vệ sinh, ăn chín, uống sôi, nhằm tránh ngộ độc cho trẻ. Ðảm bảo dinh dưỡng cho trẻ để nâng cao sức đề kháng, khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh, tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, nước ngọt có ga. Hướng dẫn trẻ rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Giữ môi trường sống thông thoáng, trong lành, phát quang môi trường để hạn chế các bệnh lý truyền nhiễm, tránh sự phát triển của côn trùng, ruồi, muỗi hay các vi sinh vật có hại. Không cho trẻ chơi đùa dưới nắng gắt; không nên ở trong phòng máy lạnh với nhiệt độ quá lạnh sẽ khiến trẻ dễ mắc bệnh đường hô hấp như viêm họng, viêm thanh quản… Trong trường hợp trẻ có những biểu hiện mắc bệnh, cha mẹ cần sát sao theo dõi, nếu thấy các triệu chứng chuyển nặng cần sớm đưa trẻ tới bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.