Bệnh tay – chân – miệng (TCM) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Vì vậy, tăng cường hiểu biết đúng về bệnh TCM để có biện pháp phòng, chống là cách tốt nhất để kiểm soát dịch bệnh.
Hầu hết trẻ mắc bệnh tay – chân – miệng nếu được phát hiện sớm và theo dõi chặt chẽ sẽ dự phòng được các biến chứng và hạn chế nguy cơ tử vong
Bệnh tay – chân – miệng và những điều cần biết
Bệnh TCM do các chủng virút thuộc họ virút đường ruột (virút Coxsackie nhóm A (A16), nhóm B, ECHO và Enterovirus – EV71) gây ra. Đây là nhóm virút có sức sống bền bỉ, có thể phát tán từ cơ thể người bệnh ra môi trường qua phân, dịch đường tiêu hóa, nước bọt và mụn nước. Bệnh TCM dễ lây cho trẻ từ 2-5 tuổi do hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không bảo đảm, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên. Tại Việt Nam, TCM là bệnh lưu hành quanh năm.
Theo các chuyên gia, nếu bệnh nhân nhiễm virút EV71 có nhiều khả năng dẫn đến các biến chứng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong như viêm màng não, viêm não do virút hoặc tổn thương cơ tim. Việc phát hiện sớm bệnh TCM ở trẻ là một trong những điều kiện quan trọng tác động đến quá trình điều trị. Hầu hết trẻ mắc bệnh nếu được phát hiện sớm và theo dõi chặt chẽ sẽ có quá trình điều trị nhẹ nhàng, dự phòng được các biến chứng và hạn chế được nguy cơ tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Trác Diễm – Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Vạn An, cho biết: “Bệnh TCM có 4 giai đoạn: Ủ bệnh (hầu như không có triệu chứng), khởi phát (sốt, có trường hợp mệt mỏi, uể oải, quấy khóc), toàn phát (loét miệng, họng, phát ban, có bóng nước ở bàn tay, bàn chân, khuỷu tay, đầu gối, mông) và lành bệnh. Đặc biệt, trong giai đoạn toàn phát, những biến chứng nặng có thể xảy ra. Do đó, phụ huynh cần chú ý nếu trẻ có trạng thái lơ mơ, ngủ giật mình, thay đổi tri giác hoặc sốt cao liên tục, nôn ói, khó thở, cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Dấu hiệu để không nhầm lẫn giữa bệnh TCM và bệnh thủy đậu là những bóng nước của bệnh TCM xảy ra ở những vị trí cụ thể, có kích thước, hình dạng giống nhau, không gây ngứa và khi lành bệnh không để lại sẹo”.
Để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ tử vong do bệnh TCM, ngày 12/6/2023, Bộ Y tế có công văn khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; bệnh viện trực thuộc; y tế các bộ, ngành về tăng cường công tác điều trị bệnh TCM. Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị lập kế hoạch và triển khai, thực hiện kế hoạch phòng, chống bệnh TCM trên địa bàn; kiểm tra, đánh giá về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc bảo đảm sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh; phát hiện sớm, tổ chức hội chẩn và chuyển tuyến kịp thời khi bệnh nhân có diễn biến bất thường;…
Chủ động phòng bệnh
Tại Long An, UBND tỉnh yêu cầu ngành Y tế tập trung triển khai kịp thời và hiệu quả công tác phòng, chống bệnh TCM; đồng thời, đưa ra các khuyến cáo, chuẩn bị đầy đủ thuốc điều trị nhằm chủ động ứng phó dịch bệnh. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh – Huỳnh Hữu Dũng thông tin: “Thời tiết nóng ẩm là điều kiện thuận lợi để virút gây bệnh TCM phát triển và nguy cơ bùng phát thành dịch. Hiện, tình hình dịch bệnh TCM gia tăng tại các tỉnh, thành phố phía Nam. Tại Long An, 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận trên 370 ca mắc TCM, trong đó, có 1 ca tử vong. Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh TCM, mỗi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống theo khuyến cáo của Bộ Y tế”.
Cùng với ngành Y tế, các cơ sở giáo dục tích cực triển khai các giải pháp để phòng bệnh TCM cho trẻ. Giáo viên Trường Mẫu giáo Họa Mi (phường 4, TP.Tân An) – Hồ Kim Ngân chia sẻ: “Hiện trên địa bàn TP.Tân An đã phát hiện các ca mắc bệnh TCM nên chúng tôi chủ động phòng, chống bệnh cho trẻ bằng cách cho trẻ rửa tay bằng xà phòng, thường xuyên khử khuẩn đồ dùng, đồ chơi bằng dung dịch Cloramin B. Bên cạnh đó, chúng tôi chú trọng công tác tuyên truyền, vận động phụ huynh cho trẻ ăn chín, uống chín và khi phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc bệnh cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất”.
Điều đáng lưu ý hiện nay, số lượng ca bệnh TCM trong cả nước tăng cao. 6 tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận 12.600 trường hợp mắc bệnh TCM. Hiện Bộ Y tế nỗ lực tìm kiếm nguồn cung và khẩn trương nhập khẩu thuốc Immunoglobulin về Việt Nam sớm nhất để đáp ứng kịp thời nhu cầu điều trị bệnh TCM. Giải pháp hữu hiệu nhất đối với bệnh TCM vẫn là dự phòng không để mắc bệnh. Vì vậy, cùng với những nỗ lực của ngành Y tế, mỗi người dân cần nâng cao ý thức và chủ động thực hiện các khuyến cáo phòng, chống bệnh TCM của Bộ Y tế./.
Để chủ động phòng, chống bệnh TCM, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau:
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: Ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải bảo đảm được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); bảo đảm sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống chưa được khử trùng. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất. |