Thực phẩm siêu chế biến là những loại thực phẩm chứa những thành phần không bao giờ hoặc hiếm khi được sử dụng trong nhà bếp hoặc chứa những loại phụ gia giúp sản phẩm cuối cùng ngon miệng.
Thịt xông khói. (Nguồn: Brasa)
Những loại thực phẩm siêu chế biến như đồ ăn nhẹ mà trẻ em tiêu thụ có thể làm gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe liên quan đến các bệnh tim mạch chuyển hóa (thuật ngữ dùng để chỉ những bệnh chuyển hóa ảnh hưởng đến hệ tim mạch) như nhồi máu cơ tim, đột quỵ và tiểu đường khi trẻ trưởng thành.
Đây là kết quả của một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí JAMA Network Open.
Theo Phó Giáo sư Nancy Babio thuộc Đại học Rovira I Virgili ở Tây Ban Nha đồng thời là chủ nhiệm nghiên cứu trên, công trình của nhóm muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy các gia đình cần tiêu thụ thực phẩm có lợi cho sức khỏe, thay thế những loại thực phẩm siêu chế biến, qua đó ngăn chặn nguy cơ trẻ mắc các bệnh về bệnh tim mạch chuyển hóa khi trưởng thành.
Các loại thực phẩm thay thế bao gồm thực phẩm không chế biến hoặc chế biến tối thiểu.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), thực phẩm siêu chế biến là những loại thực phẩm chứa những thành phần “không bao giờ hoặc hiếm khi được sử dụng trong nhà bếp hoặc chứa những loại phụ gia giúp sản phẩm cuối cùng ngon miệng hoặc trở nên hấp dẫn hơn.”
Những thành phần như vậy thường có trong các loại thực phẩm như nước ngọt, khoai tây chiên, súp đóng gói, thịt gà viên và kem.
Những loại phụ gia trong các sản phẩm nói trên có thể bao gồm cả chất bảo quản chống nấm mốc và vi khuẩn, chất tạo màu nhân tạo và bổ sung hoặc thay đổi lượng đường, muối và chất béo để thực phẩm hấp dẫn hơn.
Nghiên cứu được thực hiện dựa trên phân tích dữ liệu của hơn 1.400 trẻ trong độ tuổi từ 3-6 đang theo học ở các trường trên địa bàn của 7 thành phố ở Tây Ban Nha. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát trong giai đoạn 2019-2022.
Trong đó, những người chăm sóc trẻ em đã gặp trực tiếp nhóm các nhà nghiên cứu, sau đó hoàn thành tại nhà bảng câu hỏi liên quan đến hoạt động thể chất, tiêu thụ thực phẩm và nhân khẩu học.
Dữ liệu của trẻ được chia thành 3 nhóm, dựa trên lượng thực phẩm siêu chế biến mà mỗi nhóm tiêu thụ.
Kết quả cho thấy, nhóm trẻ tiêu thụ nhiều nhất loại thực phẩm nói trên sẽ có nhiều nguy cơ gặp phải những rủi ro về sức khỏe ở mức độ lớn hơn, chẳng hạn như có chỉ số khối cơ thể cao hơn, theo đó thường có nguy cơ cao hơn mắc các bệnh tim mạch, bao gồm tăng huyết áp và bệnh tim.
Một nghiên cứu khác công bố hôm 8/5 cho thấy một nhóm người Mỹ tiêu thụ ít nhất 3 khẩu phần thực phẩm siêu chế biến/1 ngày, trong khi một nhóm tiêu thụ trung bình 7 khẩu phần mỗi ngày.
Nhiều nghiên cứu khác cũng chỉ ra việc sử dụng thực phẩm siêu chế biến gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe người trưởng thành.
Tuy nhiên, nghiên cứu công bố hôm 17/5 vừa qua nằm trong số những công trình đầu tiên chỉ rõ những tác hại của loại thực phẩm này đối với sức khỏe tim mạch của trẻ nhỏ, nhất là khi trưởng thành./.