Những trẻ vị thành niên được tiêm đúng thời điểm, độ tuổi, đủ mũi phòng ngừa virus HPV có thể giúp giảm đến 99% nguy cơ mắc các ung thư liên quan đến 1 số loại virus HPV.
(Nguồn: Getty images)
Virus HPV là 1 nhóm gồm có đến hơn 150 loại virus, hầu hết đều vô hại, không có xuất hiện triệu chứng và thường tự khỏi không cần điều trị.
Trong số đó, khoảng hơn 40 chủng virus HPV gây ra các bệnh ở vùng sinh dục của nam và nữ giới như mụn cóc sinh dục, ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, ung thư dương vật…
HPV chủng 16 và 18 là chủng virus có nguy cơ cao nhất gây ung thư từ cổ tử cung đến hậu môn và các bộ phận sinh dục khác. Chúng có thể lây lan qua đường tình dục, lây từ da với da khi quan hệ (bao gồm cả khi quan hệ bằng miệng) và cũng có trường hợp nhiễm virus HPV ngay cả với người không có hành vi quan hệ tình dục.
Chính vì mức độ nguy hiểm của loại virus này nên việc tiêm vaccine HPV là một hoạt động vô cùng cần thiết, nó giúp chúng ta phòng ngừa được các chủng HPV nguy hiểm nhất và hạn chế nguy cơ tử vong do những bệnh lý nêu trên gây ra.
1. Độ tuổi, đối tượng tiêm phòng vaccine HPV
Vaccine HPV được chỉ định sử dụng cho cả đối tượng nam và nữ. Với nữ giới, nó có hiệu quả tốt nhất khi được tiêm vào thời điểm nữ giới chưa từng phát sinh quan hệ tình dục, chưa phơi nhiễm virus HPV.
Độ tuổi tiêm vaccine HPV là từ 9-26 tuổi, đặc biệt là nên tiêm càng sớm càng tốt.
Phác đồ tiêm vaccine HPV cho nữ giới ở 9-14 tuổi là 2 mũi, mỗi mũi cách nhau tầm 6-12 tháng. Nữ giới ở 15-26 tuổi nên tiêm 3 mũi và mỗi mũi cũng cách nhau từ 6-12 tháng.
Những người ở độ tuổi 27-45 tuổi cũng có thể tiêm vaccine HPV. Tuy nhiên, do độ tuổi này đã bị phơi nhiễm với HPV nên hiệu quả vaccine đem lại cũng không còn cao như khi tiêm đúng thời điểm và độ tuổi.
2. Tại sao nên tiêm vaccine HPV cho trẻ trước tuổi vị thành niên?
Ở Việt Nam, tiêm vaccine HPV thường là chỉ định dành cho bé gái, bé trai, phụ nữ và nam giới từ 9-26 tuổi.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tiêm chủng, vaccine sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất khi trẻ được tiêm phòng sớm, đặc biệt là trong độ tuổi vị thành niên, từ 9-14 tuổi, khi trẻ chưa phơi nhiễm với virus HPV.
Nghiên cứu cho thấy trẻ trước tuổi vị thành niên có phản ứng miễn dịch tốt hơn với vaccine so với những người ở độ tuổi thanh thiếu niên và đầu tuổi 20. Việc tiêm đúng thời điểm, độ tuổi, đủ mũi ngừa virus HPV có thể giảm đến 99% nguy cơ mắc các ung thư liên quan đến 1 số loại virus HPV.
3. Có mấy loại vaccine HPV?
Hiện nay trên thị trường có 2 loại vaccine HPV được cấp phép sử dụng đó là Gardasil 4 và Gardasil 9 đều có chung xuất xứ từ Mỹ.
Gardasil 4
Giúp phòng ngừa các bệnh ung thư âm hộ, cổ tử cung, âm đạo, loạn sản tế bào, những tổn thương tiền ung thư, mụn cóc sinh dục. Ngoài ra sở dĩ lại gọi vaccine Gardasil 4 là bởi vì vaccine này có khả năng phòng ngừa 4 chủng virus HPV, bao gồm HPV type 6, 11, 16, 18.
Độ tuổi nên tiêm phòng vaccine Gardasil 4 nên là bé gái và nữ giới từ 9-26 tuổi, đặc biệt là nên tiêm càng sớm càng tốt, áp dụng được cho cả người chưa từng hoặc đã từng quan hệ tình dục.
Gardasil 9
Đây là vaccine có thể phòng ngừa được 9 chủng virus HPV, gồm HPV 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52, 58 với hiệu quả có thể lên tới 94%. Là loại vaccine đầu tiên phòng HPV dành cho cả nam và nữ từ 9 đến dưới 27 tuổi.
Gardasil 9 được tiêm dưới dạng một loạt hai hoặc ba mũi tiêm tùy theo độ tuổi và tình trạng bệnh lý.
4. Các tác dụng phụ của vaccine HPV
Kể từ khi được sử dụng đến nay, hàng triệu người đã được tiêm phòng vaccine HPV và cho đến nay, không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào xuất hiện do vaccine HPV gây ra.
Tuy nhiên, người tiêm chủng có thể gặp phản ứng phụ nhẹ đến trung bình sau khi tiêm vaccine HPV như phản ứng tại chỗ tiêm (đau, sưng, nổi ban đỏ, chai cứng, ngứa, bầm tím, tăng nhạy cảm tại chỗ tiêm). Các phản ứng toàn thân khác như sốt, nhức đầu, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn.
Do đó, nếu bạn xuất hiện những dấu hiệu bất thường sau khi tiêm có thể là dấu hiệu ở da niêm (nổi mề đay, ngứa…), hô hấp (khó thở), ngất xỉu, đau quặn bụng… hãy liên hệ ngay với cơ sở y tế để được xử trí kịp thời./.