Cơ chế ưu đãi chưa thu hút được nhà đầu tư nhà ở xã hội

Tổng doanh số cho vay của tỉnh Thái Nguyên trong gần 2 năm qua đạt khoảng 62,5 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay nhà ở xã hội đạt khoảng 95,4 tỷ đồng với 295 khách hàng vay vốn.

Triển khai Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, tổng doanh số cho vay của tỉnh Thái Nguyên trong gần 2 năm qua đạt khoảng 62,5 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay nhà ở xã hội đạt khoảng 95,4 tỷ đồng với 295 khách hàng vay vốn.

Cơ chế ưu đãi chưa thu hút được nhà đầu tư nhà ở xã hội. Ảnh: TTXVN

Đáng chú ý, từ năm 2021 đến nay, tại Thái Nguyên chỉ có duy nhất dự án Khu nhà ở công nhân, nhà ở xã hội phường Tích Lương, thành phố Thái Nguyên khởi công xây dựng mới (tháng 6/2022) và đang thi công xây dựng phần thô…
Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên nhận định, việc phát triển nhà ở xã hội đang gặp một số khó khăn, hạn chế, nhất là cơ chế ưu đãi chưa thu hút được nhà đầu tư.

Do đó, việc triển khai đầu tư xây dựng nhà ở chưa hoàn thành theo mục tiêu của Chương trình phát triển nhà ở. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư có tâm lý chờ Luật Nhà ở (đang sửa đổi) chưa được ban hành để pháp lý rõ ràng, ổn định thì mới tiếp tục triển khai đầu tư các dự án hoặc tham gia đầu tư dự án mới.

Hàng loạt khó khăn đang tồn tại là hầu hết quỹ đất nhà ở xã hội chưa được bàn giao cho địa phương để lựa chọn nhà đầu tư. Một số dự án nhà ở thương mại đã quy hoạch quỹ đất 20% để thực hiện nhà ở xã hội chậm hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh, chậm bàn giao quỹ đất cho địa phương để triển khai lựa chọn nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội… gây khó khăn cho quản lý, thu hút đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, xác định trình tự, thủ tục mua – bán, đối tượng được mua nhà ở xã hội còn nhiều khâu gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện…
Theo ông Bùi Quang Hưng – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thái Nguyên, nguyên nhân của tình trạng này do địa phương không có kinh phí để tạo quỹ đất, đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật – xã hội tại khu vực nhà ở xã hội tập trung, nhất là nhà ở cho công nhân khu công nghiệp nên khó thu hút đầu tư; bàn giao quỹ đất nhà ở xã hội trong dự án khu đô thị, nhà ở thương mại tại các địa phương chưa được thực hiện. Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa tích cực, chủ động đẩy nhanh tiến độ thực hiện trình tự, thủ tục để triển khai dự án; chưa chủ động phối hợp với chính quyền địa phương trong việc thực hiện thủ tục về đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng và hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng…
Trước thực tế này, Sở Xây dựng Thái Nguyên đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương hàng năm dành một phần ngân sách cho giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật – xã hội để thu hút nhà đầu tư chuyên nghiệp, có kinh nghiệm tham gia; tăng cường quản lý quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội; thường xuyên kiểm tra, rà soát, đôn đốc tiến độ triển khai thực hiện các dự án.

Sở Xây dựng phối hợp với các địa phương trong việc lập đồ án quy hoạch chi tiết, định kỳ rà soát vị trí quỹ đất 20% tại dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để phát triển nhà ở xã hội…
Thực hiện Đề án phát triển nhà ở xã hội tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, địa phương này đã quy hoạch 86 dự án, vị trí, quỹ đất phát triển nhà ở xã hội với hơn 220 ha.
Theo đó, huyện Phú Bình quy hoạch 4 dự án với diện tích 35,7 ha, thành phố Sông Công 39 dự án với 90,06 ha, thành phố Phổ Yên 22 dự án với 38,19 ha, thành phố Thái Nguyên 21 dự án với 63,84 ha.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Thái Nguyên cũng tổ chức lập quy hoạch xây dựng 3 khu công nghiệp có quy hoạch đồng thời khu nhà ở công nhân, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng gồm: Khu công nghiệp Sông Công II giai đoạn 2, Khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ Phú Bình, Khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ Tây Phổ Yên. Các địa phương cũng đề xuất quỹ đất nhà ở xã hội độc lập để kêu gọi đầu tư như: Khu nhà ở xã hội phường Bách Quang, Khu nhà ở công nhân Tân Quang (thành phố Sông Công), Khu nhà ở xã hội Điềm Thụy (huyện Phú Bình)…/.

Theo: TTXVN
Spread the love
Back To Top