Indonesia thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương với Litva, đặc biệt sẽ mở rộng thị trường, tăng cường xuất khẩu dầu cọ sang quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Công nhân thu hoạch hạt cọ tại nông trại ở Pelalawan, tỉnh Riau, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu họp báo sau cuộc gặp song phương với người đồng cấp Litva Gabrielius Landsbergis ngày 30/10 tại Jakarta, Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi nhấn mạnh về việc hợp tác thương mại song phương.
Bà Retno cho rằng, với gần 800 đồn điền ở Indonesia đã nhận được chứng nhận Dầu cọ bền vững của Indonesia (ISPO), Indonesia có thể cung cấp dầu cọ bền vững hơn cho Litva, cũng như cho thị trường châu Âu rộng lớn hơn.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Indonesia cũng cho rằng, khối lượng thương mại hiện tại giữa Indonesia-Lithuania “chưa phản ánh được tiềm năng thực sự” dù con số này trong nửa đầu năm nay đã tăng gần 43% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đó, để tăng cường thương mại hai chiều và đảm bảo thương mại cân bằng hơn, Jakarta mong muốn Vilnius tạo điều kiện cho nhiều sản phẩm của Indonesia thâm nhập thị trường Litva, bao gồm cao su, giấy và đồ nội thất bằng gỗ.
Về phần mình, Ngoại trưởng Litva Landsbergis cũng kêu gọi hai bên tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, khí tự nhiên hóa lỏng, năng lượng tái tạo, nông nghiệp và thậm chí cả công nghệ vũ trụ. Ông Landsbergis không bình luận cụ thể về dầu cọ của Indonesia tại buổi họp báo.
Dữ liệu của Chính phủ Indonesia cho thấy thương mại giữa Indonesia-Lithuania đã tăng từ 43,4 triệu USD vào năm 2021 lên 53,7 triệu USD vào năm 2022. Tuy nhiên, Indonesia bị thâm hụt tới 30,3 triệu USD vào năm 2022.
Mặt hàng xuất khẩu chính của Indonesia sang Litva vào năm 2021 là phụ tùng xe hai bánh (20,6%), quần áo cao su (11,7%) và bơ thực vật (7%). Dầu cọ chiếm 0,89% lượng dầu Indonesia xuất khẩu sang Litva trong năm 2021.