Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết trong năm ngoái, nước này ghi nhận hơn 3.700 trường hợp trẻ sơ sinh mắc bệnh giang mai – tăng gấp 10 lần so với năm 2012.
Ngày 7/11, giới chức y tế Mỹ cảnh báo số trường hợp mắc giang mai ở trẻ sơ sinh đã tăng gấp 10 lần tại nước này trong 10 năm qua. Đây là một phần hệ lụy từ tình trạng gia tăng các bệnh lây truyền qua đường tình dục tại Mỹ.
Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết trong năm ngoái, nước này ghi nhận hơn 3.700 trường hợp trẻ sơ sinh mắc bệnh giang mai – tăng gấp 10 lần so với năm 2012.
Theo Giám đốc Phụ trách Y tế của CDC Mỹ Debra Houry, các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) đang tăng nhanh tại Mỹ, trong đó số ca mắc bệnh giang mai gia tăng ở mọi lứa tuổi.
Trẻ sinh ra có thể mắc bệnh giang mai nếu mẹ bị bệnh và không được điều trị.
Ở phụ nữ mang thai, bệnh giang mai có thể dẫn đến sảy thai, tử vong ở trẻ sơ sinh hoặc gây ra các biến chứng lâu dài cho trẻ, chẳng hạn như mất thị lực, thính lực và dị tật xương. Mặc dù vậy, 90% số ca bệnh này có thể được ngăn ngừa thông qua biện pháp xét nghiệm và điều trị kịp thời trong thai kỳ.
Theo báo cáo của CDC Mỹ, các nhóm cộng đồng thiểu số đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề của bệnh giang mai, do bị hạn chế về khả năng tiếp cận xét nghiệm, cũng như điều trị do chi phí quá cao.
Dữ liệu thống kê trong năm 2021 cho thấy những trẻ là người da màu, người Mỹ bản địa hoặc người Mỹ gốc Latinh có nguy cơ mắc bệnh giang mai cao gấp tám lần so với những trẻ có mẹ là người da trắng.
Do đó, CDC Mỹ kêu gọi chính quyền liên bang và các địa phương sớm đưa ra những chiến lược phù hợp để đảm bảo sức khỏe cho những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất, trong đó có tăng cường kiểm tra y tế cho phụ nữ mang thai./.