Sau 20 năm được công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới, đến nay, Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đã trở thành một trong những điểm đến nổi tiếng trên bản đồ du lịch của khu vực và quốc tế.
Ngày 3/7/2003, tại kỳ họp thứ 27, Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO) đã thông qua hồ sơ đệ trình của Việt Nam công nhận Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng là Di sản Thiên nhiên Thế giới với tiêu chí giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất, địa mạo.
Với những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Vườn Quốc gia đã được mở rộng lên hơn 123.000ha để bảo tồn nguyên vẹn vùng núi đá vôi cổ lớn nhất Ðông Nam Á.
Sau 20 năm được công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới, đến nay, Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy Di sản và trở thành một trong những điểm đến nổi tiếng trên bản đồ du lịch của khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao vị thế, thương hiệu du lịch tỉnh nhà, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Bình nói riêng và Việt Nam nói chung.
Phong Nha-Kẻ Bàng nằm ở một khu vực núi đá vôi rộng khoảng 201.000ha. Diện tích vùng lõi của vườn quốc gia là 85.754ha và một vùng đệm rộng 195.400ha.
Đặc trưng của vườn quốc gia này là các kiến tạo đá vôi, 300 hang động, các sông ngầm và hệ động thực vật quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam và Sách Đỏ Thế giới.
Trải qua nhiều thay đổi lớn về địa tầng và địa mạo, địa hình khu vực này hết sức phức tạp. Phong Nha-Kẻ Bàng phô diễn các bằng chứng ấn tượng về lịch sử trái đất, giúp các nhà nghiên cứu hiểu được lịch sử địa chất và địa hình của khu vực.
Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng có đường biên giới tiếp giáp với Vườn Quốc gia Hin Nam No của nước bạn Lào. Theo mục tiêu của UNESCO là mở rộng hợp tác cùng bảo tồn và gìn giữ di sản có nhiều đặc điểm chung, hai nước Việt Nam-Lào đang phối hợp xây dựng hồ sơ Di sản Liên quốc gia đầu tiên ở Ðông Nam Á và là di sản liên biên giới có diện tích Karts liên tục lớn nhất trên thế giới. Hồ sơ này dự kiến sẽ trình UNESCO trong năm 2024.
Ban Quản lý Vườn Quốc gia đã tổ chức điều tra, công bố danh lục 2.953 loài thực vật thuộc 1.007 chi, 198 họ, 63 bộ, 12 lớp, 06 ngành, phát hiện thêm 05 loài thực vật mới cho khoa học; điều tra, công bố danh lục 1.394 loài động vật thuộc 835 giống, 289 họ, 68 bộ, 12 lớp, 4 ngành, phát hiện 38 loài động vật mới cho khoa học và công bố trên toàn thế giới. Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện các chương trình bảo tồn, cơ sở khoa học cho việc chỉ đạo điều hành trong quản lý bảo vệ, phát triển Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.
Từ năm 2003 đến nay, các chuyên gia thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đã khảo sát, phát hiện 425 hang động thuộc 7 khu vực, hệ thống, trong đó có 389 hang động được đo vẽ với tổng chiều dài 243km.
Phát huy và quảng bá giá trị di sản
Từ những lợi thế trên, xác định Phong Nha-Kẻ Bàng nơi thu hút khách du lịch đến với Quảng Bình, Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đã từng bước đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, chủ động triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đưa du lịch Phong Nha có những bước phát triển đáng kể.
Theo báo cáo của Ban quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, tổng lượng khách đến tham quan tại Vườn Quốc gia trong 20 năm qua đạt trên 9,5 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế trên 1,1 triệu lượt); doanh thu từ phí, lệ phí đạt trên 1.742 tỷ đồng.
Để đạt được kết quả đó, Ban Quản lý Vườn đã chủ động thực hiện các giải pháp từ tự thực hiện, liên doanh liên kết cho đến cho thuê dịch vụ môi trường rừng, giúp nâng cao hiệu quả khai thác cũng như từng bước đa dạng hóa sản phẩm du lịch.
Từ chỗ chỉ có 1 điểm tham quan động Phong Nha-Tiên Sơn, đến nay, Phong Nha-Kẻ Bàng đã có 17 tuyến, điểm du lịch đi vào hoạt động với nhiều loại hình du lịch phong phú, đa dạng như khám phá thiên nhiên, hang động, Camping, Trecking, Zipline…
Đặc biệt, tuyến du lịch “Chinh phục Sơn Đoòng – Hang động lớn nhất thế giới” được đánh giá là một trong những tour du lịch mang đẳng cấp quốc tế, được báo chí nước ngoài bình chọn là một trong những điểm du lịch hấp dẫn của thế giới.
Ban Quản lý Vườn cũng triển khai nâng cấp, quản lý, vận hành hệ thống phần mềm thông minh trong tuần tra bảo vệ rừng, giám sát đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia; tăng cường hoạt động điều tra, giám sát đa dạng sinh học, các loài động thực vật quý hiếm tại Vườn Quốc gia.
Bên cạnh việc xây dựng mối quan hệ hợp tác với tổ chức, nhà khoa học trong nước lẫn quốc tế, Ban Quản lý Vườn tăng cường truyền thông quảng bá, đặc biệt trên nền tảng số nhằm không ngừng nâng cao hơn nữa vị thế, thương hiệu du lịch của Phong Nha-Kẻ Bàng trên thị trường quốc tế; thu hút nguồn lực đầu tư vào những dự án, phát triển sản phẩm du lịch mới có chất lượng cao mang tầm khu vực và quốc tế.
Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng phấn đấu đến năm 2025, đưa Khu cứu hộ động vật hoang dã Phong Nha-Kẻ Bàng trở thành Khu cứu hộ động vật hoang dã có năng lực tiếp nhận, cứu hộ đa loài đáp ứng yêu cầu cứu hộ động vật hoang dã trên cạn cho cả khu vực miền Trung; xây dựng hồ sơ Di sản lần thứ ba theo tiêu chí cảnh quan thiên nhiên, phấn đấu đưa Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng là Di sản đầu tiên đạt 4/4 tiêu chí về Di sản Thiên nhiên Thế giới, hoàn thiện nội dung Hồ sơ Danh lục Xanh (GREEN LIST) của IUCN…./.