Du lịch Phú Quốc “thất sủng”: Truy tìm “gốc rễ” để đảo ngọc hồi sinh

Tăng trưởng nóng, giá máy bay cao, dịch vụ đắt đỏ… cùng sự thiếu bản sắc văn hóa bản địa cùng những “mảng màu ngoại lai” chắp vá đang “ăn mòn” đảo ngọc đã khiến du lịch Phú Quốc “thất sủng.”

                                                                                                                                   Hoàng hôn Phú Quốc. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Sau nhiều năm liên tục lọt top danh sách các điểm đến được yêu thích nhất của du khách trong nước và quốc tế, cùng một năm 2022 bùng nổ rực rỡ hậu đại dịch, Phú Quốc bỗng chốc bị du khách “quay lưng” trong năm 2023.

Theo các chuyên gia ngành du lịch, đó không chỉ là hệ quả từ việc tăng trưởng nóng, giá máy bay cao, dịch vụ đắt đỏ… đã được dự báo trước, mà còn bởi sự thiếu bản sắc văn hóa bản địa cùng những “mảng màu ngoại lai” chắp vá đang “ăn mòn” đảo ngọc.

Sau những cuộc bàn thảo từ quy mô địa phương tới diện rộng hơn, thậm chí ở cả hội nghị cấp quốc gia do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì vừa qua, câu chuyện phát triển bền vững cho Phú Quốc chưa lúc nào hết nóng. Đây cũng là bài học cho các điểm đến Việt Nam nhìn lại chính mình.

Trách nhiệm chung từ câu chuyện riêng

Sau quãng thời gian “lên ngôi” trên các danh sách bình chọn quốc tế, năm 2023 chứng kiến “cú trượt dốc” từ điểm đến được coi như “Maldives của Việt Nam” khi lượng khách tới đây sụt giảm mạnh.

Thậm chí, ngay trong những dịp lễ lớn như 30/4-1/5, Quốc Khánh 2/9, du lịch Phú Quốc vẫn đối diện với tình trạng ảm đạm thê thảm. Con số thống kê dịp lễ 2/9 cho thấy lượng khách nội địa đến đây giảm 32,9% so với cùng kỳ, khách quốc tế suy giảm mạnh, công suất phòng chỉ đạt khoảng gần 30%.

Du khách lên đảo hòn Thơm, Phú Quốc. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Đại diện một số đơn vị lữ hành tâm tư rằng thực tế này đã có những dấu hiệu cảnh báo từ lâu. Đó là khi hạ tầng Phú Quốc phát triển quá nóng, các nhà đầu tư ồ ạt đổ về đây và đắp lên màu xanh của đảo ngọc những “mảng màu ngoại lai” chắp vá, làm biến tướng vẻ đẹp tự nhiên và mất cân bằng hệ sinh thái. Vô hình chung, Phú Quốc đã không còn giữ được nét đẹp thuần khiết vốn có trong lòng du khách. Đó còn chưa kể tới dịch vụ đắt đỏ và giá vé máy bay ra đảo đắt hơn cả xuất ngoại…

Về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel), ông Nguyễn Quốc Kỳ, nhận định: “Chúng ta nói nhiều về Phú Quốc, ‘kêu’ là các hãng du lịch, các hãng hàng không giá cao, nhưng bản chất là quản lý các điểm đến và môi trường của điểm đến chưa tốt. Chúng ta phải nhìn vào khuyết điểm của các địa phương để thấy việc quản lý điểm đến như thế thì rất khó thu hút khách du lịch.”

Trong khi đó, theo nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Phú Quốc cũng như một số điểm đến du lịch lớn của Việt Nam đang gặp phải “tình trạng khá gay go.”

Ông Trần Đình Thiên đánh giá thời gian qua, du lịch nội địa đã chứng minh được vai trò đặc biệt quan trọng của mình, nhất là trong những lúc khó khăn, nhưng du lịch nội địa có lúc bùng lên rồi lại xẹp xuống, đặc biệt ở một số điểm du lịch lớn như Phú Quốc.

Hệ sinh thái biển Phú Quốc. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

“Chúng ta phải kiểm điểm lại tại sao du lịch đã bùng lên, có lúc rất tốt, tưởng rằng sẽ bứt phá rồi lại suy giảm như vậy? Chính sự suy giảm này làm cho niềm tin của người tiêu dùng hướng tới du lịch bên ngoài chứ không phải trong nước. Không chỉ riêng ngành du lịch, mỗi hệ thống có lẽ phải có trách nhiệm với vấn đề này,” ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Phú Quốc “cứu mình” cách nào?

Đứng trước “bờ vực” vắng khách, nhằm tự cứu mình, Ủy ban Nhân dân thành phố Phú Quốc đã đưa ra nhiều giải pháp để kích cầu du lịch, trong đó có siết lại kiểm soát giá cả, chất lượng dịch vụ; phát triển du lịch theo hướng “đặc sắc – chuyên nghiệp – an toàn – sạch, đẹp – văn minh.”

Vào các đợt cao điểm như Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên Đán và cả định kỳ, Phú Quốc sẽ có đơn vị kiểm tra toàn diện giá thành, chất lượng dịch vụ, lưu trú, chất lượng hướng dẫn viên, các phương tiện giao thông như taxi, cano, tàu thuyền du lịch.

Thành phố cũng triển khai chuỗi chiến dịch truyền thông từ trung tuần tháng 11, nổi bật như tổ chức “Ngày Phú Quốc” tại các thị trường trọng điểm như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức hội chợ chủ đề gặp gỡ đại lý du lịch hoặc các triển lãm, trại nghệ thuật hay chuỗi sự kiện du lịch, giải trí quy mô Wake Up Festival 2023, nhạc hội “8Wonder Winter Festival” sẽ diễn ra vào 16/12 với sự góp mặt lần đầu tiên của ban nhạc Pop Rock nổi tiếng đến từ Mỹ – Maroon 5.

Thời gian tới, khách đến Phú Quốc sẽ nhận được tin nhắn chào mừng từ thành phố. Bên cạnh đó, thành phố cũng gửi link truy cập đến website mới có tên “WOW Phú Quốc” để du khách tra cứu về các trải nghiệm du lịch tại địa phương; truyền thông quốc tế về điểm đến Phú Quốc, đặc biệt các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Thái Lan.

Những “mảng màu ngoại lai” ngay sát bờ biển trên đảo ngọc. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Cuối năm nay, Phú Quốc có hai hoạt động chính trong chiến dịch kích cầu gồm “Ngày xanh Phú Quốc” và “Countdown 2024” đón năm mới. Dự kiến, thành phố sẽ tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí ở ba khu vực gồm Dương Đông, Bắc đảo và Nam đảo để phục vụ du khách…

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Hà Văn Siêu đánh giá Phú Quốc đã và đang được đầu tư rất mạnh mẽ để trở thành một điểm đến lớn của không chỉ Việt Nam mà còn của khu vực và thế giới. Nhiều nhà đầu tư lớn đã đến Phú Quốc và đang hình thành lên những cụm điểm sản phẩm du lịch rất có tầm vóc.

Các chuyên gia lo ngại nếu không có ban quản lý chung sẽ khó tránh khỏi sự cạnh tranh giữa hai bên cùng nhiều bất cập từ việc nối dài chuyện ‘ngăn sông cấm chợ’ tới cạnh tranh điểm đến…

Theo ông Siêu, mặc dù, nhà nước đã có chính sách thị thực thông thoáng đối với Phú Quốc và đó là điểm thuận lợi, tuy nhiên sức cạnh tranh về giá, kết nối, quảng bá và xúc tiến là nhiệm vụ rất quan trọng và phải có sự bắt tay giữa chính quyền tỉnh Kiên Giang, thành phố Phú Quốc với các nhà đầu tư tại Phú Quốc để có chương trình, chiến dịch quảng bá mạnh mẽ, rầm rộ hơn nữa nếu muốn lấy lại dòng khách trước đây cũng như tạo ra dòng khách mới.

“Với Phú Quốc, chúng tôi khuyến nghị cần phải khai thác chiều sâu chất lượng. Ngoài việc tập trung đầu tư vào cơ sở dịch vụ, chúng ta phải đầu tư nhiều vào các hoạt động khác để khách có thêm trải nghiệm khi đến đảo ngọc. Phú Quốc không chỉ có nghỉ dưỡng biển, trung tâm giải trí… mà phải làm sao để dịch vụ giải trí ở Phú Quốc mang đậm giá trị bản địa, dấu ấn văn hóa địa phương thì mới có sức hấp dẫn, cuốn hút lâu bền,” ông Siêu nhấn mạnh.

Một góc đảo Hòn Thơm. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Song, để làm được điều đó, theo lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia cần sự tham gia mạnh mẽ của chính quyền địa phương. Bởi cho đến nay, hầu hết các nhà đầu tư vào Phú Quốc là những người ngoại bản từ nơi khác đến, còn sự tham gia chủ động cũng như vai trò chính của “chủ nhà” vẫn hạn chế.

“Đây cũng là kinh nghiệm cho mỗi điểm đến, muốn tạo được bản sắc riêng và sức hút thì vai trò của ‘chủ nhà,’ của người cung cấp dịch vụ bản địa vô cùng quan trọng để mang đến một hình ảnh Phú Quốc khác với những trung tâm đô thị toàn cầu. Một điểm đến du lịch thì phải có yếu tố bản địa,” ông Siêu khẳng định./.

Theo: TTXVN
Spread the love
Back To Top