Hy Lạp đặt mục tiêu thặng dư ngân sách cơ bản – không bao gồm chi phí trả nợ – ở mức 2,1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm tới, tăng so với mức thặng dư 1,1% trong năm nay.
Người dân mua sắm tại một khu chợ ở Thessaloniki, Hy Lạp. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 17/12, Hy Lạp đã thông qua ngân sách năm 2024, với 158 phiếu thuận, dự báo mức tăng trưởng kinh tế là 2,9%, từ mức 2,4% của năm nay do doanh thu từ du lịch tăng mạnh và các quỹ của Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ đầu tư.
Athens đặt mục tiêu thặng dư ngân sách cơ bản – không bao gồm chi phí trả nợ – ở mức 2,1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm tới, tăng so với mức thặng dư 1,1% trong năm nay. Khoảng 1,4 tỷ euro được dành để tăng thu nhập, bao gồm cả việc tăng lương cho công chức lần đầu tiên kể từ năm 2010.
Hy Lạp, quốc gia mắc nợ nhiều nhất khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone), đã lấy lại được trạng thái cấp đầu tư (có rủi ro vỡ nợ tương đối thấp) trong năm 2023 sau 13 năm cần duy trì thặng dư ngân sách cơ bản để đảm bảo nợ của họ được bền vững.
Sau hơn một thập kỷ chìm trong khó khăn, nền kinh tế Hy Lạp đã đón nhận những tín hiệu tích cực trong thời gian gần đây. Mới đây, hãng đánh giá tín nhiệm tài chính Moody’s đã nâng xếp hạng tín nhiệm của Hy Lạp từ mức Ba3 lên Ba1. Cùng với đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng kết thúc 12 năm giám sát tăng cường về tài chính đối với Athens.
Giới quan sát đánh giá những nỗ lực cải cách của chính phủ nước này đã có thành quả bước đầu và được kỳ vọng sẽ đưa quốc gia này sang giai đoạn phát triển mới.