Giá dầu tăng mạnh, sắc đỏ áp đảo bảng giá nông sản

Giá của 22 trên tổng số 31 mặt hàng đang được giao dịch liên thông thế giới đồng loạt suy yếu, kéo chỉ số MXV-Index giảm 0,42% xuống 2.118 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở trung bình đạt hơn 4.300 tỷ đồng/ngày, giảm 26% so với tuần trước đó, phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trong nước. 

Chú thích ảnh

Giá dầu tăng mạnh trở lại trong tuần đầu năm mới

Theo MXV, kết thúc tuần giao dịch đầu tiên của năm 2024 (2 – 7/1), giá dầu tăng mạnh trở lại trước dấu hiệu gián đoạn nguồn cung cấp. Ngoài ra, căng thẳng tại khu vực Trung Đông và Biển Đỏ diễn biến phức tạp, cũng đẩy nhanh lực mua trên thị trường.

Chú thích ảnh

Cụ thể, giá dầu WTI tăng 3,01% lên mức 73,81 USD/thùng. Dầu Brent chốt phiên tại mức giá 78,76 USD/thùng, giảm 2,23% so với tuần trước đó.

Biểu tình ở Libya buộc các nhà khai thác dầu phải giảm tối đa, thậm chí ngưng hoạt động tại mỏ Sharara. Đây là mỏ dầu lớn nhất của Libya với công suất khoảng 300.000 thùng/ngày.

Trước đó, bất ổn địa chính trị đã cản trở sự phát triển của ngành dầu mỏ Libya. Theo dữ liệu của Argus, xuất khẩu dầu của Libya đạt trung bình dưới 990.000 thùng/ngày vào năm 2023, cao hơn 100.000 thùng/ngày so với năm 2022, nhưng thấp hơn khoảng 80.000 thùng/ngày so với mức cao nhất sau nội chiến vào năm 2021.

Trong khi đó, căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt cũng góp phần đẩy giá dầu tăng cao. Hãng tàu khổng lồ Maersk cuối tuần trước cho biết sẽ chuyển tuyến toàn bộ khỏi Biển Đỏ trong tương lai gần, đồng thời cảnh báo khách hàng sẽ có gián đoạn trong vận chuyển hàng.

Ở diễn biến khác, thương mại dầu mỏ Trung Quốc và Iran đã bị đình trệ do Tehran từ chối xuất khẩu và yêu cầu giá cao hơn, thắt chặt nguồn cung giá rẻ cho nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Bank of America trong một báo cáo cho biết giá dầu sẽ tiếp tục biến động trong năm 2024 bởi rủi ro địa chính trị và chính sách của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh OPEC+. Ngân hàng này kỳ vọng phạm vi giao dịch dầu Brent sẽ dao động 70 – 90 USD/thùng được giữ vững khi OPEC+ can thiệp từ quý I/2024. Nguồn tin từ Reuters cho biết nhóm sẽ tổ chức họp vào ngày 1/2. Thông tin này cũng giúp tâm lý mua được đẩy mạnh, bởi OPEC+ hoàn toàn có thể can thiệp thêm vào thị trường thông qua việc điều chỉnh giảm hạn ngạch.

Thêm vào yếu tố hỗ trợ giá, Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) đã thông báo sẽ mua tới 3 triệu thùng dầu để bổ sung vào Kho Dự trữ Chiến lược (SPR) trong tháng 4/2024. Trong năm 2023, Mỹ đã bổ sung tổng cộng khoảng 11 triệu thùng dầu vào SPR, với khoảng 4 triệu thùng sẽ được các công ty dầu mỏ hoàn trả trong tháng 2/2024.

Giá đậu tương giảm sâu

Phe bán tiếp tục áp đảo trên thị trường đậu tương trong tuần giao dịch đầu tiên của năm 2024. Quay trở sau kỳ nghỉ lễ Dương lịch, giá đậu tương duy trì đà giảm từ khi mở cửa cho tới những phiên kế tiếp. Sự chú ý của thị trường tập trung đến khu vực Nam Mỹ vì thời tiết tại Brazil và Argentina đều có dấu hiệu tích cực. Điều này khiến giá đậu tương giảm tới tuần thứ 8 trong 9 tuần gần nhất.

Trung tâm Nghiên cứu Hàng hóa Refinitiv cho biết tuần này, mưa lớn sẽ tiếp tục ở phía Bắc, miền Trung và miền Đông Brazil, trong khi phía Nam và Đông Nam sẽ khô ráo. Nhiệt độ dự báo sẽ khá thuận lợi ở phía Bắc trong khi nắng nóng sẽ xảy ra trên một phần khu vực phía Nam và phía Đông. Nếu các dự báo này chính xác, mưa sẽ cải thiện đáng kể độ ẩm đất tại các khu vực chịu khô hạn, phục hồi thiệt hại của cây trồng về năng suất.

Chú thích ảnh

Tại Argentina, thời tiết nhìn chung tương đối khả quan. Mưa trên diện rộng thời gian gần đây cũng giúp độ ẩm đất được cải thiện trên khắp vùng đồng bằng Pampas, hỗ trợ cho cây trồng phát triển. Độ ẩm đất hiện nay đang dao động ở gần hoặc trên mức cao nhất trong 6 năm ở hầu hết các vùng sản xuất chính, ngoại trừ một số tỉnh miền Tây như La Pampa và San Luis. Điều này là nguyên nhân chính khiến Refinitiv nâng dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 2023/24 của Argentina lên mức 49,2 triệu tấn, tăng 2% so với ước tính trước.

Về phía nhu cầu, Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết doanh số bán đậu tương niên vụ 2023/24 của nước này trong tuần kết thúc ngày 28/12 chỉ đạt 200.000 tấn. Con số này đã tạo ra sự bất ngờ khi các nhà phân tích đều kỳ vọng doanh số bán hàng sẽ nằm trong khoảng từ 500.000 tấn đến 1,3 triệu tấn. Doanh số bán hàng thấp trong giai đoạn cao điểm cho thấy đậu tương Mỹ đang kém cạnh tranh trên thị trường, tạo áp lực lên giá.

Giá khô đậu tương đã suy yếu hơn 4% vào tuần qua và là mặt hàng giảm mạnh nhất nhóm nông sản. Với triển vọng thời tiết tích cực, sản lượng đậu tương tại Argentina dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm nay. Điều này sẽ giúp các nhà máy có thể đẩy mạnh hoạt động ép dầu trở lại sau giai đoạn khan hiếm nguồn nguyên liệu.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong ngày 5/1, giá khô đậu tương Nam Mỹ nhập khẩu về cảng Việt Nam đi ngang. Theo đó, giá chào bán khô đậu tương Nam Mỹ tại cảng Cái Lân ở mức 13.150 đồng/kg. Đối với kỳ hạn giao quý II, giá khô đậu tương dao động quanh mức 13.050 – 13.150 đồng/kg. Tại cảng Vũng Tàu, giá chào bán ghi nhận thấp hơn khoảng 100 đồng so với cảng Cái Lân.

Theo: baotintuc.vn
Spread the love
Back To Top