Không chỉ được xuất khẩu sang các nước châu Á truyền thống, những năm gần đây, vải thiều Việt Nam đã có mặt ở nhiều nước châu Âu, châu Mỹ.
Vải thiều được xuất sang nhiều quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Australia… Ảnh: Vũ Long
Thẳng tiến Âu – Mỹ
Theo Sở Công Thương Bắc Giang, năm 2023, toàn tỉnh có 29,7 nghìn hécta trồng vải thiều. Sản lượng ước đạt hơn 180.000 tấn, tăng khoảng 20.000 tấn so với năm ngoái. Trong đó, diện tích trồng vải đạt tiêu chuẩn VietGAP là 15.600 ha với sản lượng ước đạt 115.000 tấn; đạt tiêu chuẩn GlobalGAP là 215 ha với sản lượng khoảng 2.500 tấn.
Để chủ động trong việc tiêu thụ vải thiều, tránh tình trạng “được mùa, mất giá”, tỉnh Bắc Giang đã cùng các cục, vụ, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nắm bắt thông tin thị trường để xây dựng kế hoạch xuất khẩu.
Điều đáng ghi nhận là cùng với việc xuất khẩu vải thiều sang các nước châu Á, nhiều diện tích vải thiều hướng tới thị trường khó tính như: Mỹ, châu Âu, châu Úc…
Trong đó, lượng vải thiều dự kiến xuất khẩu sang thị trường Mỹ năm nay của Bắc Giang là 1.500 tấn. Hiện Bắc Giang đã có 17 mã số vùng trồng được Mỹ cấp mã số với diện tích 205 ha. Tỉnh Bắc Giang xác định Mỹ là thị trường tiềm năng, có sức mua lớn.
Còn tỉnh Hải Dương hiện có khoảng 8.880 ha vải, phân bố chủ yếu ở huyện Thanh Hà (khoảng 3.250 ha) và thành phố Chí Linh (khoảng 3.400 ha). Trong đó, diện tích vải thiều sớm chiếm 30%, diện tích còn lại là vải thiều chính vụ.
Cơ bản các diện tích sản xuất vải trên địa bàn tỉnh Hải Dương được sản xuất theo quy trình an toàn. Trong đó, có 52 vùng trồng với diện tích 610 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Những vùng sản xuất vải phục vụ xuất khẩu được kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt nhằm bảo đảm các điều kiện của các nước nhập khẩu.
Đến nay, tỉnh Hải Dương đã được cấp và duy trì 203 mã số vùng trồng xuất khẩu sang Mỹ, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan. Có 13 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Newzeland, Mỹ và Thái Lan.
Năm nay, quả vải tỉnh Hải Dương đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường cao cấp như: Mỹ, châu Âu, Australia… với sản lượng ước đạt 6.000 tấn.
Chú trọng vào chế biến sâu
Ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam – cho biết, để tránh việc xuất khẩu phụ thuộc vào 1 thị trường, Việt Nam tìm cách xuất khẩu vải thiều sang các nước như: Mỹ, châu Âu, châu Úc… Trên thực tế, nhiều tấn vải thiều đặt chân sang được các thị trường khó tính này là một điều rất mừng.
Tuy nhiên thẳng thắn nhìn nhận, số lượng xuất khẩu vải thiều sang Mỹ, châu Âu chưa nhiều. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, quãng đường vận chuyển xa dẫn đến chi phí vận chuyển tăng cao. Hơn nữa thị hiếu của người dân các nước châu Âu, Mỹ với quả vải tươi chưa phổ biến.
Do đó để nâng cao xuất khẩu, ông Nguyễn Thanh Bình đưa ra các giải pháp. Đó là tiếp tục quảng bá, xúc tiến thị trường châu Âu, Mỹ đặc biệt nhắm đến đối tượng người tiêu dùng gốc Á.
Bên cạnh đó, thay vì xuất khẩu vải tươi, Việt Nam cần chú trọng vào chế biến sâu như vải sấy, nước đóng hộp, nước ép… Đây là những mặt hàng phù hợp với thị hiếu của người dân các nước Mỹ, châu Âu, châu Úc… Hơn nữa khi chế biến sâu thời gian bảo quản kéo dài, tiện trong việc vận chuyển.
Ông Lê Thanh Hòa – Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – đánh giá, điều kiện tự nhiên của Việt Nam thích hợp cho nhiều loại trái cây sinh trưởng, phát triển tốt, đặc biệt trái cây nhiệt đới, ngon, quý hiếm và rất đa dạng.
Năng lực sản xuất, bảo quản, chế biến ngày càng được nâng cao do áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật. Do vậy hiện nay trái cây Việt đạt yêu cầu về chất lượng, không những phục vụ thị trường nội địa mà còn được xuất khẩu tới rất nhiều nước, trong đó có cả những thị trường rất khắt khe như: Mỹ, châu Âu…
Để phát triển ngành hàng trái cây, ngành nông nghiệp đã vận dụng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn áp dụng giải pháp khoa học công nghệ trong quá trình sản xuất và sau thu hoạch, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Hi vọng với sự nỗ lực của Việt Nam, trái vải thiều sẽ tiếp tục xuất hiện nhiều hơn tại thị trường Mỹ, châu Âu thời gian tới.