Chỉ số VN-Index vượt mốc 1.200 điểm và chốt tuần cao nhất trong 5 tháng qua. Giới phân tích cho rằng thông tin vĩ mô cùng kỳ vọng kết quả kinh doanh của DN phục hồi đang nâng đỡ thị trường.
(Ảnh: PV/Vietnam+)
Thị trường chứng khoán Việt Nam khởi đầu năm Âm lịch Giáp Thìn 2024 với 2 phiên giao dịch đầy hứng khởi. Chỉ số VN-Index liên tục tăng, vượt mốc 1.200 điểm và chốt tuần cao nhất trong 5 tháng qua.
Giới phân tích cho rằng thông tin vĩ mô cùng kỳ vọng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp phục hồi đang nâng đỡ thị trường.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, Tâm lý của nhà đầu tư trong nước hiện khá hưng phấn nhờ những thông tin hỗ trợ tích cực về vĩ mô trong nước, đặc biệt là số liệu về chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI), xuất nhập khẩu, FDI trong tháng Một, cũng như kết quả kinh doanh quý 4/2023 của các doanh nghiệp niêm yết đã có sự phục hồi rõ rệt.
Điều này củng cố cho tâm lý thị trường hướng tới một mùa đại hội cổ đông năm 2024 và mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 1 năm 2024 với gam màu tươi sáng hơn.
Tổng hợp những yếu tố trên, chưa có dấu hiệu nào có khả năng “làm đảo chiều” xu hướng tăng hiện nay của thị trường.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), tuần qua, thị trường đón nhận thông tin, tại Chỉ thị số 06 ngày 15/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xử lý nhanh các vướng mắc thuộc lĩnh vực phụ trách để đáp ứng tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên thị trường mới nổi.
Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo kết quả thực hiện vấn đề này với Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/6/2024.
Các chuyên gia phân tích nhìn nhận khi được nâng hạng, thị trường chứng khoán có khả năng thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ các quỹ đầu tư thụ động (hình thức đầu tư này ngày càng phổ biến hơn trên thế giới) như các quỹ đầu tư theo các chỉ số của các tổ chức xếp hạng thị trường uy tín trên thế giới MSCI, FTSE Russell…
Đây cũng là yếu tố quan trọng tác động đến sự phát triển bền vững của thị trường trong dài hạn.
Theo ước tính của Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC), trong trường hợp nếu tổ chức xếp hạng thị trường là MSCI và FTSE Russell nâng hạng Việt Nam lên thị trường chứng khoán mới nổi sẽ có khoảng 3,5-4 tỷ USD mua mới các cổ phiếu Việt Nam.
Thực tế, dòng tiền của nhà đầu tư đã sớm quay trở lại thị trường chứng khoán sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giúp chỉ số VN-Index bứt phá khởi ngưỡng tâm lý 1.200 điểm.
Độ rộng của thị trường cũng tích cực hơn khi nhiều nhóm ngành luân phiên tăng điểm và giữ nhịp thị trường thay vì chỉ tập trung vào nhóm ngân hàng như giai đoạn trước nghỉ Tết Nguyên đán.
Tuần qua, giá trị giao dịch toàn thị trường tăng tới 20,2% so với tuần trước đó nhờ tâm lý tích cực sau Tết, đạt 20.637 tỷ đồng/phiên.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng 768 tỷ đồng trên cả 3 sàn. Theo đó, khối ngoại bán ròng 726 tỷ đồng trên HOSE và 62 tỷ đồng trên HNX, trong khi mua ròng nhẹ 20 tỷ đồng trên UPCOM.
Phiên giao dịch ngày 15/2, VN-Index tăng 0,33% sau nhịp chốt lời cuối phiên, đóng cửa tại 1.202,5 điểm với thanh khoản tích cực. Đà tăng dẫn dắt bởi nhóm ngân hàng, tiêu biểu là các cổ phiếu như TCB tăng 3% và MBB tăng 2,8%.
Ngoài ra, cổ phiếu các ngân hàng vốn hóa nhỏ cũng ghi nhận mức tăng mạnh mẽ như MSB tăng 6,7%, NVB tăng 5,6% và OCB tăng 5%.
VN-Index tiếp tục đà tăng 0,6% trong phiên hôm sau, đóng cửa tại 1.209,7 điểm. Đà tăng giá từ nhóm ngân hàng đã lan tỏa sang các cổ phiếu trong rổ VN30 khác như GVR tăng 6,8%, MSN tăng 2%, VIC tăng 3,3% và VNM tăng 3,6%, giúp VN-Index tiếp tục đi lên.
Mặc dù xuất hiện lực bán chốt lời vào buổi chiều, chỉ số VN-Index vẫn bật tăng trở lại vào cuối phiên. Theo VNDIRECT, với thanh khoản khá cao, đà tăng lan tỏa ra nhiều nhóm cổ phiếu, đây là khởi đầu tích cực cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm Giáp Thìn.
VNDIRECT nhận định chưa có dấu hiệu đảo chiều, các chỉ báo thị trường vẫn đang ủng hộ xu hướng tăng tiếp diễn. Chỉ số VN-Index có thể hướng tới vùng đỉnh cũ quanh 1.240 điểm (+/- 10 điểm).
Đây mới là vùng kháng cự mạnh và đủ sức thử thách xu hướng tăng của thị trường.
Chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho rằng, tín hiệu tăng điểm chưa có dấu hiệu chững lại sau phiên cuối tuần qua (16/12), thậm chí vẫn đang cho thấy những dấu hiệu có thể tăng tiếp.
Mức kháng cự quanh mốc 1.210 điểm đã được VN-Index kiểm tra trong phiên cuối tuần qua và có xảy ra áp lực chốt lời, nhưng lực mua còn rất mạnh.
Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhìn nhận, mặc dù vẫn trong trạng thái tranh chấp tại vùng Gap 1.198-1.212 điểm (Gap xảy ra khi giá cổ phiếu tăng hoặc giảm nhanh mà không có hoạt động giao dịch nào ở giữa), nhưng thị trường vẫn có nỗ lực duy trì xu thế tăng điểm.
Thanh khoản phiên cuối tuần tuy giảm so với phiên trước đó, nhưng vẫn ở mức khá cao cho thấy dòng tiền đang xoay vòng và nỗ lực duy trì hỗ trợ. VDSC nhận định, có khả năng thị trường sẽ đóng vùng Gap 1.198-1.212 điểm trong phiên giao dịch tiếp theo và tiếp tục thử thách nguồn cung.
Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn cần cân nhắc áp lực từ nguồn cung và nhịp tăng của thị trường có thể sẽ chậm lại, đồng thời diễn biến phân hóa sẽ khá nổi bật, VDSC khuyến nghị.
Thực tế, các chuyên gia từ VDSC vẫn có nhận định thận trọng, trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới đi xuống./.