Hình ảnh vệ tinh Enceladus của Sao Thổ. Ảnh: NASA
Reuters cho biết phát hiện này được đưa ra dựa trên những dữ liệu thu thập được từ tàu vũ trụ Cassini của NASA – tàu vũ trụ đầu tiên quay quanh Sao Thổ. Con tàu này tham gia vào chuyến thám hiểm mang tính bước ngoặt kéo dài 13 năm xung quanh hành tinh khí khổng lồ này từ năm 2004 đến 2017.
Cụ thể, nghiên cứu mới nhất này bắt nguồn từ các phép đo Cassini thực hiện khi nó bay qua các tinh thể băng giàu muối bị đẩy vào không gian từ các mạch nước phun phun trào từ đại dương bên dưới lớp vỏ đóng băng ở cực nam của Enceladus.
Việc phát hiện ra đại dương của Enceladus khiến vệ tinh có kích thước bằng khoảng 1/7 mặt trăng của Trái đất và lớn thứ 6 trong số 146 vệ tinh tự nhiên đã biết của Sao Thổ trở thành một trong những ứng cử viên hàng đầu cho việc tìm kiếm các địa điểm có thể duy trì sự sống ở cấp độ vi khuẩn bên trong Hệ Mặt Trời.
Phát hiện trên được công bố bởi một nhóm các nhà khoa học quốc tế do Đức đứng đầu trên tạp chí khoa học Nature cũng như bởi Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA bên ngoài Los Angeles – nơi đã thiết kế và chế tạo tàu thăm dò Cassini.
Trước đây, nhóm nghiên cứu này từng xác nhận rằng tinh thể băng của Enceladus có chứa nhiều loại khoáng chất và hợp chất hữu cơ phức tạp. Trong số đó bao gồm các thành phần của axit amin – những thành phần quan trọng trong việc hình thành sự sống.
Tuy nhiên phốt pho – nguyên tố ít phong phú nhất trong số 6 nguyên tố hóa học được coi là cần thiết cho mọi sinh vật bao gồm carbon, oxy, hydro, nitơ và lưu huỳnh – lại chưa được tìm thấy. Phốt pho là nền tảng cho cấu trúc của DNA và là một phần quan trọng của màng tế bào và các phân tử mang năng lượng tồn tại trong mọi dạng sống trên Trái đất.
Hình ảnh bề mặt Enceladus được tàu Cassini chụp được khi cách mặt trăng này 25km ngày 9/10/2008. Ảnh: NASA/JPL/Space Science Institute
Do đó, phát hiện này đóng vai trò quan trọng trong việc chứng minh khả năng nuôi dưỡng sự sống của Enceladus. Reuters trích dẫn thông cáo báo chí của JPL ngày 15/6 từ tác giả chính của nghiên cứu – nhà khoa học hành tinh Frank Postberg tại Đại học Free ở Berlin – cho biết: “Đây là lần đầu tiên nguyên tố thiết yếu này được phát hiện ở một đại dương bên ngoài Trái Đất”.
Một khía cạnh đáng chú ý khác về nghiên cứu này còn nằm ở mô hình địa hóa của Enceladus. Cụ thể, nghiên cứu này cho thấy phốt pho tồn tại trên đại dương ngầm ở vệ tinh này có nồng độ ít nhất gấp 100 lần so với nồng độ trong các đại dương của Trái Đất.
Reuters trích dẫn ông Christopher Glein, một nhà khoa học hành tinh tại Viện Nghiên cứu Tây Nam ở San Antonio, Texas và là đồng điều tra viên của nghiên cứu, khẳng định: “Đây là một khám phá tuyệt vời cho ngành sinh vật học vũ trụ”. Ông nhận định: “Thành phần quan trọng này có thể đủ dồi dào để có khả năng hỗ trợ sự sống trong đại dương của Enceladus”.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng nhấn mạnh rằng sự hiện diện của phốt pho, nước cùng với các hợp chất hữu cơ phức tạp khác và các thành phần xây dựng cơ bản của sự sống chỉ thể hiện Enceladus có khả năng duy trì sự sống chứ không phải là nơi ghi nhận sự sống. Sự sống, dù là quá khứ hay hiện tại, vẫn chưa được xác nhận ở bất kỳ đâu ngoài Trái Đất.
Theo ông Glein, câu hỏi sự sống có thể bắt nguồn từ đại dương của Enceladus hay không, do đó vẫn là một câu hỏi mở.
Ngoài Enceladus, các nhà khoa học cũng đang tập trung nỗ lực nghiên cứu vào các vệ tinh khác được cho là có khả năng duy trì sự sống. Các vệ tinh này bao gồm Europa – mặt trăng của Sao Mộc được cho là chứa một đại dương nước lỏng bên dưới bề mặt băng giá của nó và Titan – một vệ tinh khác của Sao Thổ. Titan cũng được cho là sở hữu một đại dương ngầm với nước ở dạng lỏng trộn lẫn cùng muối và amoniac.