Phú Yên: Đẩy nhanh thu hoạch mía nhằm hạn chế thiệt hại trước dự báo nắng hạn

Hiện nay, nông dân tỉnh Phú Yên đã thu hoạch được khoảng 40% diện tích mía để tránh nắng hạn; người dân cũng tích cực ứng dụng cơ giới hóa đẩy nhanh tiến độ thu hoạch.

Nông dân Phú Yên thu hoạch mía. (Ảnh: Tường Quân/TTXVN)

Tại tỉnh Phú Yên năm nay, dự báo nắng nóng và khô hạn kéo dài từ tháng 4-6, trùng với thời điểm thu hoạch rộ cây mía. Do vậy chính quyền địa phương và các nhà máy thu mua mía nguyên liệu đã phối hợp với người dân ứng dụng cơ giới hóa đẩy nhanh tiến độ thu hoạch nhằm hạn chế thiệt hại về năng suất, chất lượng.

Niên vụ 2023-2024, người dân xã Ea Chrang ở huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên trồng mía với tổng diện tích 840ha. Thời điểm này, nắng nóng đã có những ảnh hưởng nhất định đến cây mía của người nông dân. Vì vậy, đây là khu vực được các nhà máy thu mua mía nguyên liệu hỗ trợ người dân ưu tiên thu hoạch.

Đến nay đã có hơn 80% diện tích mía được thu hoạch để tránh nắng hạn. Người dân cũng tích cực ứng dụng cơ giới hóa đẩy nhanh tiến độ.

Ông Võ Ngọc Cường ở xã Ea Chrang, huyện Sơn Hòa cho biết, năm nay thời tiết có nguy cơ nắng nóng sớm nên nông dân của xã đang khẩn trương thu hoạch mía để tránh nắng hạn. Vì nắng nóng sẽ làm cây mía dễ bị khô, chữ đường thấp, dẫn đến năng suất thấp và giá thu mua cũng không cao. Gia đình ông sử dụng máy gắp mía để đưa mía lên xe nên thời gian thu hoạch nhanh và giảm được nhân công.

Năm 2024, tiến độ thu hoạch mía của các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh Phú Yên được triển khai nhanh hơn các năm trước.

Công ty trách nhiệm hữu hạn KCP Việt Nam đã thu được 50% diện tích trên vùng nguyên liệu khoảng 23.000ha do công ty đầu tư tại các huyện miền núi tỉnh Phú Yên.

Sản lượng mía tăng cao so với năm trước, công suất ép mía hơn 11.000 tấn/ngày. Do vậy, công ty tập trung ứng dụng cơ giới hóa thu hoạch cây mía để tăng thu nhập cho người dân.

Ông G.Suresh Naidu, Giám đốc Nguyên liệu của Công ty trách nhiệm hữu hạn KCP Việt Nam cho biết công ty luôn đặt vấn đề ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lên đầu tiên để hạ giá thành sản xuất.

Trong bối cảnh hội nhập, nếu không hạ được giá thành sản xuất sẽ khó có thể cạnh tranh trên thị trường. Trong vùng nguyên liệu của công ty, người nông dân đã được ứng dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất, trồng đến khâu thu hoạch.

Năm 2023, trong diện tích mía trồng mới khoảng 6.000ha có đến 4.000ha được trồng bằng máy. Việc thu hoạch mía ở những khu vực địa hình bằng phẳng cũng đã được thực hiện bằng máy nên giảm chi phí rất nhiều. Công ty có khoảng 5 máy cắt mía và 60 máy gắp mía hoạt động trong vùng thu hoạch nên nông dân rất phấn khởi.

Hiện nay lực lượng lao động lĩnh vực nông nghiệp đang thiếu hụt trầm trọng. Do vậy, việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất cây mía rất cần thiết. Ngoài ra, việc ứng dụng cơ giới hóa cũng giúp các nhà máy thu mua ổn định được nguồn nguyên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nông dân đưa vào sử dụng máy cắt mía và máy gắp mía khi thu hoạch sẽ giúp hạn chế tạp chất khi đưa vào ép mía.

Ông Nguyễn Văn Minh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên cho biết, dự báo năm nay tình hình khô hạn, nắng nóng sẽ đến sớm và kéo dài. Chi cục đã hướng dẫn người dân chủ động sử dụng nguồn nước tưới tiêu đảm bảo trong sản xuất nông nghiệp.

Đối với cây mía, hiện nay nông dân tỉnh Phú Yên đã thu hoạch được khoảng 40% diện tích. Chi cục cũng khuyến cáo người dân nên thu hoạch sớm ở những vùng khô hạn.

Các địa phương và cơ quan chuyên môn tăng cường ứng dụng cơ giới hóa để khắc phục vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực trong sản xuất nông nghiệp. Người dân cũng cần cải tạo ruộng đồng, đồi núi để có địa hình bằng phẳng thuận lợi cho việc ứng dụng cơ giới hóa hiệu quả.

Hiện nay diện tích mía chưa thu hoạch ở tỉnh Phú Yên chủ yếu thuộc các huyện miền núi trong tỉnh như: Sông Hinh, Sơn Hòa, Tây Hòa… Đây là những khu vực chịu ảnh hưởng nhiều khi nắng nóng xuất hiện.

Do vậy, các nhà máy thu mua mía nguyên liệu và địa phương cần phối hợp tốt với người nông dân khẩn trương thu hoạch mía để đảm bảo một mùa vụ thắng lợi./.

Theo: vietnamplus.vn
Spread the love
Back To Top