Hơn 80 bộ tài liệu, chứng cứ được các luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex, giao nộp cho Tòa.
Các bị cáo tại phiên tòa hôm 9/4. (Ảnh: Kim Anh/TTXVN)
Sau phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex Nguyễn Thị Loan cùng 10 bị cáo khác trong vụ án sai phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất ở Đông Anh (Hà Nội) do Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội mở ngày 9/4, luật sư của bị cáo Nguyễn Thị Loan đã giao nộp cho Hội đồng Xét xử hơn 80 bộ tài liệu, chứng cứ có liên quan trong vụ án.
Tại phiên tòa ngày 9/4, cả 5 luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Loan vắng mặt và có đơn xin hoãn phiên tòa.
Bản thân bị cáo Loan trước đó có đơn kêu oan và cho rằng bị cáo không phạm tội “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản.”
Nhằm đảm bảo quyền lợi cho bị cáo Loan, đồng thời xét thấy cần có thời gian để cho các luật sư và bị cáo cung cấp thêm một số tài liệu, chứng cứ mới, Hội đồng Xét xử đã quyết định rời ngày xét xử sang 17/4.
Bị cáo Nguyễn Thị Loan – cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Dược phẩm Vimedimex – mời 5 luật sư bào chữa, trong đó bốn luật sư vắng mặt, một luật sư có mặt nhưng đều xin hoãn phiên tòa.
Hơn 80 bộ tài liệu, chứng cứ được các luật sư bào chữa cho bị cáo Loan giao nộp cho Tòa gồm: 25 bản tường trình của một số cá nhân có liên quan; 35 bộ vi bằng đã lập; 3 hợp đồng ủy thác của 3 công ty (Mỹ Đình, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì); 9 đơn khiếu nại, tố cáo, đề nghị xem xét lại chứng cứ, tài liệu… của bị cáo Loan gửi các cấp; 9 tài liệu, chứng cứ là các băng ghi âm, biên bản làm việc, đối chất, báo cáo rà soát…
Trước đó, bị cáo Nguyễn Thị Loan có đơn gửi tới nhiều cơ quan chức năng, cho rằng bị cáo không chỉ đạo thông đồng dìm giá đất đối với 3 công ty nói trên, 3 công ty này đủ điều kiện và được phép tham gia cùng 1 cuộc đấu giá mà không vi phạm pháp luật, vụ án không có thiệt hại nên không cấu thành tội “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”…
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, quá trình định giá đất xác định giá khởi điểm làm cơ sở để tổ chức đấu giá khu đất phía Đông Nam thôn Cổ Dương (xã Tiên Dương, Đông Anh, Hà Nội), các bị cáo: Nguyễn Thị Diệu Linh, Nguyễn Ngọc Thắng, Nguyễn Đức Phương (Công ty Cổ phần tư vấn thẩm định giá và đầu tư Hà Nội – viết tắt là Công ty Vvai) là thẩm định viên có chức năng, nhiệm vụ thẩm định giá theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, trong quá trình định giá đất khu đất nói trên, các bị cáo đã không định giá đất khách quan mà theo đề nghị của Trần Công Tuyên và Vương Thị Thu Thủy (cán bộ Ban Quản lý dự án huyện Đông Anh, Hà Nội), thống nhất cố ý hạ giá trị khu đất để ban hành Chứng thư định giá đất không đúng với giá trị thực tế (gần 285 tỷ đồng, tương đương 17,6 triệu đồng/m2).
Việc này đã gây hậu quả làm sai lệnh giá khởi điểm đưa vào đấu giá, tạo điều kiện cho các công ty tham gia đấu giá của Nguyễn Thị Loan thông đồng dìm giá và trúng đấu giá với giá trị thấp, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 135 tỷ đồng.
Mặt khác, quá trình tham gia đấu giá khu đất phía Đông Nam, thôn Cổ Dương, Tiên Dương, Nguyễn Thị Loan còn dùng pháp nhân của 3 công ty (Mỹ Đình, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì) đều do Loan điều hành hoạt động để tham gia đấu giá, thống nhất với các bị cáo khác bỏ giá các vòng với số tiền như nhau để được bốc thăm, công ty nào trúng đấu giá thì dự án vẫn thuộc của bị cáo Loan./.