Trong những năm gần đây, các công nghệ kỹ thuật số như AI đã thổi sức sống mới vào các triển lãm di tích văn hóa truyền thống của Trung Quốc, khiến các di tích văn hóa đã lụi tàn sống động trở lại.
Khách du lịch tham quan tại Trung Quốc. (Ảnh minh họa: Getty Images)
Trong dịp nghỉ lễ Ngày Quốc tế Lao động 1/5 năm nay ở Trung Quốc, nhiều cuộc triển lãm nghệ thuật tương tác đa giác quan đã được tổ chức, không chỉ thu hút đông đảo khách du lịch mà còn góp phần tạo động lực mới cho sự bùng nổ du lịch văn hóa.
Tại Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh, triển lãm có tên gọi “Sự tráng lệ và hùng vĩ: Trải nghiệm phong phú về nghệ thuật hang động” đã được đón nhận nồng nhiệt.
Triển lãm sử dụng các tác phẩm sắp đặt khổng lồ, thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI), ứng dụng tương tác kỹ thuật số và các công nghệ khác để mang đến cho công chúng cái nhìn toàn cảnh về những di sản văn hóa của Trung Quốc như Hang Mạc Cao, Hang núi Maiji, Hang đá Vân Cương và Hang đá Long Môn.
Các bức tranh tường, tác phẩm điêu khắc, chạm khắc và chữ khắc trong các hang động này đã được tái tạo dưới hình thức nghệ thuật kỹ thuật số, truyền tải mục đích thẩm mỹ, tinh thần văn hóa và các giá trị nội tại của nghệ thuật hang động Trung Quốc cổ đại, góp phần thổi những làn gió mới cho các di sản văn hóa trong thời đại ngày nay.
Tại triển lãm này, các dòng chữ viết trong Hang đá Long Môn được làm sống lại nhờ thuật toán AI và công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR). Khi khán giả chạm vào một ký tự bất kỳ, ký tự đó sẽ được hiển thị lại bằng các hình thức khác nhau như giáp cốt văn, chữ khắc, chữ viết chính thức, chữ thư pháp, chữ thường…
Một du khách đến từ tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc, cho biết có rất nhiều bảo tàng ở thủ đô Bắc Kinh và một trong số đó trưng bày những triển lãm đặc biệt mang tính sáng tạo và ứng dụng công nghệ cao, kết hợp giữa giáo dục và giải trí, đang truyền cảm hứng cho trẻ em.
Theo dữ liệu của công ty du lịch trực tuyến Ctrip của Trung Quốc, lượng đặt vé tham quan các bảo tàng lớn ở nước này đã tăng hơn 10% so với kỳ nghỉ lễ Ngày Quốc tế Lao động 1/5 năm ngoái. Lượng đặt vé tham quan các bảo tàng ở các thành phố như Bắc Kinh, Thẩm Dương, Thành Đô, Tây An và Khai Phong cũng tương đối cao.
Trong những năm gần đây, các công nghệ kỹ thuật số như AI đã thổi sức sống mới vào các triển lãm di tích văn hóa truyền thống của Trung Quốc, khiến các di tích văn hóa đã lụi tàn sống động trở lại.
Tại Trung tâm Phoenix ở Bắc Kinh, triển lãm trải nghiệm thực tế ảo (VR) với các kim tự tháp Ai Cập gần đây đã thu hút tới 1.000 lượt khách tham quan mỗi ngày.
Triển lãm sử dụng công nghệ quét 3D, với một hệ thống máy tính tạo ra các mô hình tái tạo có độ chính xác cao của kim tự tháp và môi trường xung quanh bằng cách sử dụng công nghệ máy ảo.
Trong khi đó, tại trung tâm mua sắm Hopson One ở quận Triều Dương, Bắc Kinh, một triển lãm nhập vai VR mang tên “Wow! Tam Tinh Đôi” (Wow! Sanxingdui) đã thu hút nhiều sinh viên và các gia đình đến tham quan trong kỳ nghỉ lễ vừa qua.
Đeo thiết bị VR, Li, một cư dân ở Bắc Kinh, và gia đình cô đã có dịp cùng nhau “du hành” đến triều đại nhà Thục, dạo qua những ngôi làng cổ, thăm di tích Tam Tinh Đôi, đồng thời tìm hiểu về các nghi lễ hiến tế bí ẩn của họ.
Li cho biết: “Nhân dịp nghỉ lễ Ngày Quốc tế Lao động, chúng tôi muốn tham quan các di tích văn hóa của Tam Tinh Đôi. Nhân vật hướng dẫn viên du lịch hoạt hình, được thiết kế dựa trên mặt nạ đồng của Tam Tinh Đôi, đặc biệt dễ thương. Anh ấy nói phương ngữ Tứ Xuyên địa phương và kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống cũng như các nghi lễ của người dân thời nhà Thục”./.