Tình hình xuất khẩu sụt giảm khiến ngành hàng cá tra Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rơi vào khó khăn, người nuôi cá càng nuôi càng lỗ trong khi doanh nghiệp (DN) bị thu hẹp sản lượng, thị trường xuất khẩu.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tình hình xuất khẩu cá tra trong tháng 5/2023 đạt 159 triệu USD, giảm 35%, lũy kế xuất khẩu cá tra 5 tháng đầu năm 2023 đạt 730 triệu USD, giảm đến 40% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, sản phẩm cá tra tươi, đông lạnh… đạt 115 triệu USD, giảm 7%; cá tra phile đông lạnh đạt 603 triệu USD, giảm 44%; cá tra chế biến đạt 11 triệu USD, giảm 32%. Mỹ, Trung Quốc, Mexico, Brasil… là những thị trường nhập khẩu chính của cá tra Việt Nam nhưng đều giảm. Trung Quốc và HongKong đạt 233 triệu USD, giảm 37%; Mỹ đạt 119 triệu USD giảm 62%; Brasil 31 triệu USD, giảm 24%…
DN chế biến cá tra xuất khẩu ở Thốt Nốt -TP Cần Thơ cố gắng duy trì sản xuất dù lợi nhuận giảm.
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng cá tra đạt 2,4 tỷ USD, vượt qua đỉnh năm 2018 là 2,26 tỷ USD, là năm thắng lợi lớn của ngành xuất khẩu cá tra, mang lại niềm phấn khởi cho người nuôi cá tra đồng bằng.
Tuy nhiên, bước sang năm 2023, do nhiều yếu tố tác động, giá cá tra xuất khẩu ổn định trong thời gian ngắn rồi giảm liên tục, dẫn đến tình hình xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2023 giảm sâu đến 40% so với cùng kỳ, khiến người nuôi cá đứng ngồi không yên, bởi với giá hiện tại 27.500 – 28.000 đồng/kg, người nuôi cá lỗ khoảng 2000 đồng/kg.
Theo VASEP, nguyên nhân giá cá sụt giảm do tình hình lạm phát thực phẩm toàn cầu, lượng hàng tồn kho các nhà bán lẻ còn nhiều. Từ đó nhu cầu và giá nhập khẩu một số thị trường lớn giảm, kéo theo doanh số xuất khẩu cá tra 5 tháng đầu năm 2023 sụt giảm so cùng kỳ năm trước.
Một hộ dân nuôi cá ở Cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ cho biết, để có lời thì giá cá tra phải giữ mức hơn 30.000 đồng/kg chứ với mức giá hiện nay thì người nuôi không có lời, thậm chí lỗ, đã xuất hiện tình trạng người nuôi treo ao, không dám mạo hiểm, bởi càng nuôi càng lỗ, chờ thị trường sắp tới ra sao rồi tính tiếp.
Thốt Nốt có diện tích nuôi cá tra lớn nhất TP Cần Thơ. Tuy nhiên, hiện nay diện tích nuôi cá tra cũng sụt giảm dần do giá cả bấp bênh. Hiện quận Thốt Nốt có tổng diện tích nuôi thủy sản trên 338ha, đạt 79,6% so với kế hoạch, giảm 36,56ha so với cùng kỳ năm 2022.
Năm 2022, ngành hàng cá tra ở Đồng Tháp đóng góp gần 1 tỷ USD, chiếm gần một nửa kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước. Tuy nhiên, tình hình giá cá tra sụt giảm như hiện nay khiến cho người nuôi cá tại địa phương này gặp nhiều khó khăn; thậm chí cá tới lứa muốn bán cũng khó vì không có người mua hoặc mua với giá thấp.
Một doanh nghiệp chế biến xuất khẩu các mặt hàng cá tra ở Thốt Nốt, TP Cần Thơ có thâm niên trên 10 năm, doanh thu hàng năm đạt hàng trăm tỷ đồng, cho biết, sau dịch, thị trường tiêu thụ cá tra của Trung Quốc không tăng trưởng như kỳ vọng, tác động lạm phát, các nước thắt chặt chi tiêu nên giảm nhập khẩu thực phẩm… dẫn đến giá cá tra giảm. Với tình hình như hiện nay, nếu có đơn đặt hàng, cho dù lợi nhuận xuất khẩu bằng không thậm chí bị lỗ thì DN vẫn bảo đảm nguồn hàng xuất khẩu để duy trì sản xuất, tạo công ăn việc làm để công nhân có thu nhập, ổn định cuộc sống.
Trong thời điểm còn khó khăn này, DN cùng chia sẻ khó khăn với người nuôi cá, nhà máy có hoạt động, xuất khẩu được hàng thì mới có thể tiếp tục thu mua nguyên liệu cá tra cho người nông dân. Giá cá giảm, người nuôi cá phải chịu thiệt vì không thể quyết được đầu vào và đầu ra cho sản phẩm, do nguyên liệu và thức ăn nuôi cá đều tăng trong khi giá cá giảm, nếu kéo dài tình trạng này thì người nuôi cá tra ở ĐBSCL sẽ rất khó khăn.
DN đồng hành với người nông dân, khi giá cá tra tăng thì lợi nhuận cùng hưởng, còn lúc giá cá giảm thì phải cùng chia thiệt hại, rủi ro. Hy vọng tình hình xuất khẩu cá tra sẽ được cải thiện và tăng trưởng trở lại trong thời gian tới, DN cần theo dõi diễn biến thị trường để chủ động nguồn hàng, tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu, đưa sản xuất phát triển bền vững.