Hà Nội: Lấy ý kiến phương án tái định cư khi xây lại chung cư cũ Thành Công

Trên cơ sở lấy ý kiến góp ý của người dân, quận Ba Đình sẽ trình lên cấp có thẩm quyền nghiên cứu phê duyệt, đảm bảo tính đồng bộ cho cả khu vực và có quỹ đất xây nhà tái định cư tại chỗ.

Đơn nguyên 1 chung cư G6A Thành Công được quây tôn kín để đảm bảo an toàn. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Để đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại cụm nhà chung cư cũ trên địa bàn, Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình (Hà Nội) đã triển khai lấy ý kiến cộng đồng dân cư về phương án quy hoạch chi tiết theo quy trình rút gọn cải tạo, xây dựng lại cụm nhà chung cư Thành Công, gồm 5 tòa nhà: G6A, G6B, G22, G23, G24) với 218 hộ dân.

Trên cơ sở lấy ý kiến góp ý của người dân, quận sẽ trình lên cấp có thẩm quyền nghiên cứu phê duyệt, đảm bảo tính đồng bộ cho cả khu vực và có quỹ đất xây nhà tái định cư tại chỗ.

Ông Đỗ Hà Thanh, Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình cho biết trong số 5 tòa nhà thuộc diện cải tạo, xây dựng lại trên, tòa G6A là tòa nhà chung cư cũ được đánh giá nguy hiểm cấp độ D.

Theo phương án đề xuất của quận Ba Đình, tổng diện tích khu đất nghiên cứu quy hoạch khoảng hơn 20.000m2, gồm hơn 3.000m2 đất trong chỉ giới đường đỏ và hơn 17.100m2 đất ngoài chỉ giới đường đỏ; trong đó tòa G6A sẽ phá dỡ toàn bộ và sẽ xây dựng chung cư tái định cư tại tòa G6A và G6B.

Sở Xây dựng Hà Nội vừa có văn bản đề nghị UBND các quận có chung cư nguy hiểm cấp độ D nhanh chóng di dời dân để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão nhưng dân vẫn bám trụ.

Do tòa G6A là chung cư nguy hiểm cấp độ D nên tất cả người dân ở tòa nhà phải di dời ngay để đảm bảo an toàn. Các hộ dân tại nhà G6B sẽ thực hiện di dời đến nơi tạm cư sau khi có kết quả lựa chọn chủ đầu tư.

Đối với phần đất ngoài chỉ giới, quận Ba Đình dự kiến quy hoạch hơn 4.200m2 diện tích đất thấp tầng cải tạo chỉnh trang theo hiện trạng; hơn 3.800m2 diện tích đất thuộc trường mầm non, 566m2 đất cơ quan và gần 2.700m2 đất xây nhà tái định cư; còn lại gần 5.800m2 đất để xây dựng công trình thương mại dịch vụ, không có chức năng ở.

Theo cơ cấu đề xuất, vị trí khu đất dành cho tái định cư có cạnh phía tây tiếp giáp với đường Nguyên Hồng với mặt cắt khoảng 27m và nhìn thẳng ra công viên Indira Gandhi (đang được nghiên cứu cải tạo thành công viên mở). Đây là vị trí có đường kết nối giao thông thuận tiện, có cảnh quan đẹp đem lại điều kiện sống tốt nhất cho các hộ dân tái định cư. Phương án hướng đến việc xây dựng nhà tái định cư có chất lượng tương đương nhà ở thương mại.

Cụ thể, tòa nhà tái định cư có diện tích xây dựng 1.880m2, có 3 tầng hầm và 24 tầng nổi (diện tích sàn xây dựng gần 43.500m2) và 3 tầng hầm có diện tích sàn 14.000m2; trong đó có 220 căn tái định cư. Các căn này bố trí từ tầng 3 đến tầng 24, diện tích trung bình khoảng 70m2/căn. Chức năng dịch vụ thương mại, sinh hoạt cộng đồng sẽ bố trí tại tầng 1-2.

Sau khi nhà tái định cư được hoàn thành, các hộ dân tại các nhà G22, G23, G24 mới nhận căn hộ tái định cư và di dời khỏi các căn hộ cũ để bàn giao cho chủ đầu tư xây dựng các tòa thương mại dịch vụ.

Tại vị trí các tòa G22, G23, G24, quận Ba Đình dự kiến xây các tòa thương mại dịch vụ, gồm 1 tòa 18 tầng nổi, tum thang, 3 tầng hầm; 1 tòa 18-24 tầng nổi, tum thang và 4 tầng hầm.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết hầu hết cư dân ở tòa G6A Thành Công đã di dời, vì vậy quận tính toán sẽ khởi công xây dựng công trình tái định cư trên phần đất của tòa G6A và G6B trước. Sau khi quy hoạch được phê duyệt, quận sẽ tổ chức hội nghị nhà chung cư và tiếp tục mời người dân đến làm việc với các nhà đầu tư để họp bàn thống nhất hệ số đền bù.

Hàng rào được lực lượng chức năng dựng lên tại chung cư G6A Thành Công. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Ông Chiến khẳng định việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án là của người dân và người dân sẽ giám sát thi công công trình để đảm bảo chất lượng.

Nhiều người dân sinh sống tại các tòa chung cư cũ trên đều bày tỏ sự đồng tình với chủ trương của thành phố về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, song vẫn băn khoăn về phương án xây dựng nhà tái định cư cho các hộ dân, đặc biệt là chất lượng nhà tái định cư.

Đáng chú ý, có nhiều hộ dân tòa G6A đã đi tạm cư đến 6 năm, mong mỏi các cấp, các ngành chức năng sớm có phương án khả thi để dự án sớm được triển khai đưa người dân quay lại sinh sống, ổn định, tránh thiệt thòi cho người dân.

“Quận nên xây nhà tái định cư xen kẽ trong cả 3 tòa nhà, không nên tách rời để vừa đảm bảo chất lượng các tòa nhà tương đương nhau, vừa đảm bảo người dân được tái định cư tại chỗ, không bị thiệt thòi…,” ông Nghiêm Xuân Tuy, ở nhà G6A kiến nghị.

Tiếp thu ý kiến của các hộ dân, lãnh đạo Phòng Đô thị quận Ba Đình nhấn mạnh đây chỉ là phương án dự thảo, phải xin ý kiến của người dân và các cơ quan chức năng. Từ ý kiến, kiến nghị của người dân, quận sẽ tiếp thu, không loại trừ khả năng sẽ thực hiện như ý kiến của người dân là tái định cư tại chỗ…

Hiện nay, việc đẩy nhanh quá trình cải tạo chung cư cũ, xây nhà ở tái định cư là nhiệm vụ Hà Nội đặc biệt quan tâm, với mục tiêu cốt lõi hướng đến nâng cao đời sống, tạo điều kiện an cư lạc nghiệp cho người dân.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, sau 2 năm triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô, Sở đã phê duyệt nhiệm vụ kiểm định 1.022 nhà chung cư thuộc các quận, huyện: Ba Đình, Thanh Xuân, Đống Đa, Long Biên, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Đông Anh, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm. Hiện, đã có 8 quận, huyện tổ chức lựa chọn được đơn vị kiểm định gồm Long Biên, Hoàng Mai, Tây Hồ, Đông Anh, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàn Kiếm, Ba Đình.

Với 6 đợt triển khai thì đợt 1 ưu tiên thực hiện đối với 10 khu chung cư, gồm: 4 khu chung cư cũ có nhà nguy hiểm cấp D trên địa bàn quận Ba Đình (Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, tập thể Bộ Tư pháp) và 6 khu chung cư có tính khả thi cao (Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân).

Đề án và các kế hoạch triển khai được phê duyệt đã xác định các giải pháp để tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện. Thành phố đã ban hành các quyết định tạm cấp và cấp kinh phí cho một số quận, huyện để thực hiện công tác kiểm định và lập quy hoạch chi tiết xây dựng, cải tạo lại các chung cư cũ. Ủy ban Nhân dân các quận, huyện đang tập trung triển khai việc lựa chọn nhà thầu thực hiện công tác kiểm định, lập quy hoạch.

Đến nay, Ủy ban Nhân dân quận Đống Đa đã hoàn thành di dời các hộ dân, tổ chức ra khỏi nhà nguy hiểm cấp D số 51 Huỳnh Thúc Kháng. Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình vẫn đang tổ chức tuyên truyền, vận động di dời các hộ dân còn lại tại các nhà nguy hiểm cấp D.

Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 1.579 chung cư cũ có tuổi thọ hơn 50 năm, chủ yếu được xây dựng vào giai đoạn 1960-1990 của thế kỷ trước, tập trung tại khu vực 4 quận nội thành. Sau khi rà soát, phân loại, có 200 nhà cấp C, 137 nhà cấp B và 7 nhà thuộc diện nguy hiểm cấp D./.

Theo: TTXVN
Spread the love
Back To Top