Các nội dung của Nghị định 08 sửa đổi Nghị định 65 và Nghị định 153 đều mang tính chất tạm thời. Bản thân các tổ chức phát hành cần tận dụng quãng thời gian này để củng cố hoạt động kinh doanh và nâng cao chất lượng tài chính, minh bạch, chất lượng trái p
Lường trước rủi ro khi thị trường “nóng” trở lại
Sau quãng thời gian dài “đóng băng”, thị trường trái phiếu DN (TPDN) đã sôi động trở lại. Thống kê từ ngày 6/3 – 17/3, các tổ chức phát hành đã huy động tổng cộng 25.825 tỷ đồng (gần 1,1 tỷ USD), nâng giá trị trái phiếu phát hành từ đầu năm đến nay lên hơn 27.935 tỷ đồng.
Theo đó, ngày 10/3, CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nam An là đơn vị đầu tiên thông báo huy động thành công 4.700 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 18 tháng, lãi suất 13%/năm, đây là loại lãi suất kết hợp (kết hợp giữa lãi suất cố định và thả nổi). Cùng ngày, Công ty TNHH Kinh doanh BĐS Dream City Villas phát hành thành công 2.300 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 60 tháng lãi suất kết hợp giữa mức cố định 6% và thả nổi.
Những ngày sau, liên tục 4 tổ chức phát hành thông báo huy động thành công trái phiếu gồm: Công ty TNHH Kinh doanh nội thất Luxury Living (4.800 tỷ đồng – lãi suất cố định 9% kết hợp thả nổi), CTCP Đầu tư Kinh doanh và Phát triển đô thị Ngôi sao Phương Nam (4.695 tỷ đồng – lãi suất cố định 13% kết hợp thả nổi) và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đô thị Hưng Yên (7.200 tỷ đồng trái phiếu) và CTCP Tập đoàn Masan (2.000 tỷ đồng).
Việc các DN huy động thành công gần 1,1 tỷ USD trái phiếu chỉ tính riêng trong hai tuần của tháng 3/2023 (gấp hơn 7 lần so với tháng 3/2022) được coi là tín hiệu rất tích cực. Giới chuyên gia nhìn nhận Nghị định 08/2023/NĐ-CP mặc dù vừa có hiệu lực từ đầu tháng 3 đã hâm nóng” thị trường, làm tăng tỷ lệ phát hành TPDN thành công thông qua việc hoãn thực thi một số điều khoản. Không phủ nhận các chuyển động vừa qua trên thị trường TPDN cho thấy tín hiệu đáng mừng, song các chuyên gia đã phát đi cảnh báo: không loại trừ khả năng một số lô trái phiếu kể trên được phát hành nhằm mục đích đảo nợ, kéo dài thời hạn trả nợ.
Điểm nổi bật nhất của Nghị định 08/2023/NĐ-CP là gia hạn các quy định xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp, thời gian phân phối trái phiếu và yêu cầu xếp hạng tín nhiệm đến hết năm 2023. Việc nới lỏng điều kiện với các tổ chức phát hành rõ ràng đã tạo cơ hội để họ có thể trì hoãn các vấn đề liên quan tới minh bạch thông tin khoản vay hay “sức khoẻ” của DN trong bối cảnh hiện tại. Ở góc độ này, quy định trên có thể nói là hỗ trợ rất tích cực với nhóm BĐS khi 5/6 tổ chức phát hành trong thời gian qua thuộc nhóm này.
Tuy nhiên ông Dương Hồng Hà, Phó trưởng Ban Giám sát tổng hợp, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia lưu ý, trong quá trình triển khai Nghị định 08 vẫn cần dự báo trước những khó khăn và các vấn đề phát sinh trong kịch bản xấu. Bởi lẽ bất cứ thị trường nào cũng đều có tỷ lệ rủi ro nhất định.
Cần hành trang chuyên nghiệp cho tương lai
Hiện tại thanh khoản thị trường TPDN, trong đó nhóm BĐS chưa hết tắc nghẽn, áp lực đáo hạn lớn. Chưa kể, tâm lý của nhà đầu tư đang bị ảnh hưởng nặng nề sau các vụ khởi tố lãnh đạo cấp cao tại tập đoàn lớn. Rõ ràng việc có thể phát hành TPDN đã giúp nhóm BĐS nói riêng và các tổ chức phát hành nói chung duy trì dòng tiền, thanh khoản, kinh doanh ổn định năm 2023 và tránh được sự đổ vỡ.
Song cũng cần lưu ý các nội dung của Nghị định 08 sửa đổi Nghị định 65 và Nghị định 153 đều mang tính chất tạm thời. Bản thân các tổ chức phát hành cần tận dụng quãng thời gian này để củng cố hoạt động kinh doanh và nâng cao chất lượng tài chính, minh bạch, chất lượng TPDN.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam nhìn nhận, các cơ quan quản lý của Việt Nam vẫn kiên định hướng tới thị trường trái phiếu chuyên nghiệp và lành mạnh. “DN nào cũng có quyền phát hành trái phiếu nhưng phải hướng tới minh bạch, còn lại để thị trường tự đánh giá”, ông Quỳnh nhấn mạnh. Do đó, ông Quỳnh cho rằng trong ngắn hạn cần tập trung tái cấu trúc các lớp tài sản để xử lý các khoản nợ nếu DN đàm phán được, có cơ hội phục hồi hoạt động. Thậm chí để tạo niềm tin cho nhà đầu tư, đẩy mạnh sự minh bạch, chuyên nghiệp, không nên hoãn áp dụng quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc cho hoạt động phát hành riêng lẻ.
Bàn về chất lượng TPDN, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng cho rằng, những chuyển động vừa qua chỉ le lói tín hiệu tươi sáng. Bởi niềm tin của nhà đầu tư nhỏ lẻ, thậm chí là cả các tổ chức đều đang rất yếu. Trước mắt thanh khoản trên thị trường BĐS phải dần cải thiện, thì hiệu ứng tốt mới tiếp tục lan toả mạnh mẽ sang các thị trường khác như TPDN. Ngoài ra, nền nhiệt lãi suất thế giới cũng là một yếu tố quyết định tới sự phục hồi của các thị trường tài chính toàn cầu trong đó có Việt Nam.
FED vừa tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm. Tuy nhiên theo giới chuyên gia, điều này không quá đáng lo ngại và không ảnh hưởng lớn đến các tài sản chứng khoán như: Cổ phiếu, trái phiếu tại Việt Nam. Bởi quyết định lần này của FED đã bớt “diều hâu” hơn so với dự báo.
Bên cạnh đó vấn đề của các tài sản chứng khoán hiện tại ở Việt Nam là niềm tin và thanh khoản. Có thể thấy, dù FED tăng lãi suất, song họ vẫn bơm thanh khoản ra ngoài thị trường sau những cú đổ vỡ của Silicon Valley Bank (SVB), Silvergate Bank, Signature Bank (SB), Credit Suisse… Những hành động này đang giúp củng cố niềm tin vững chắc trở lại đối với thị trường tài chính toàn cầu.
Ông Nguyễn Thế Minh dự báo hai kịch bản về xu hướng điều hành của FED, nếu không có sự kiện biến động mạnh, FED sẽ dừng tăng lãi suất vào thời điểm quý II/2023 hoặc tăng lãi suất lên tới 5,5% sẽ dừng lại. Dù kịch bản nào xảy ra, chính sách tiền tệ cũng sẽ đỡ căng thẳng hơn, thị trường vốn toàn cầu và Việt Nam sẽ ổn định hơn từ sau quý II.
Ở trong nước thị trường TPDN có thể phải chờ đợi qua thời điểm đáo hạn các lô trái phiếu trong quý II tới đây. Nhưng giới chuyên gia đều nhìn nhận triển vọng rất sáng nhờ vào sự hồi phục của kinh tế vĩ mô và hàng loạt các thay đổi chính sách đã được Chính phủ đưa ra nhằm hỗ trợ thị trường BĐS.
Theo Đoàn Huy
Thời Báo Ngân Hàng