(ĐTCK) Các nhà đầu tư lo lắng về nguy cơ từ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đối với thị trường trái phiếu toàn cầu sẽ có cơ hội được nghe ý kiến từ những người ở tuyến đầu trong những tuần tới.
Các công ty bảo hiểm nhân thọ của Nhật Bản với tổng tài sản trị giá 2.900 tỷ USD sẽ đưa ra các chiến lược đầu tư cho năm tài chính bắt đầu vào tháng này. Theo đó, các kế hoạch của họ cho thị trường nước ngoài và trong nước trong năm nay sẽ giúp làm sáng tỏ cách các công ty bảo hiểm của Nhật Bản đang định vị cho một điều chỉnh chính sách tiềm năng của BOJ.
Trong nhiều tháng nay, các nhà đầu tư đã đặt cược rằng ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu bình thường hóa chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng và thay đổi chương trình kiểm soát đường cong lợi suất khi lạm phát gia tăng. Điều đó dẫn đến lợi suất trái phiếu Nhật Bản cao hơn, khiến chúng trở nên hấp dẫn hơn đối với các công ty bảo hiểm vốn đang phải đối mặt với chi phí bảo hiểm rủi ro đắt đỏ và tổn thất đối với chứng khoán nước ngoài.
Theo dữ liệu mới nhất, các công ty bảo hiểm đã bán kỷ lục 14.200 tỷ yên (107 tỷ USD) trái phiếu nước ngoài trong 11 tháng đầu năm 2022 trong khi mua 4.900 tỷ Yên trái phiếu địa phương tương đương trong cùng thời kỳ. Điều đó chiếm một phần lớn trong dòng vốn rút ròng kỷ lục của Nhật Bản khỏi các thị trường nước ngoài vào năm 2022, khiến những cơ quan và tổ chức nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ và các trái phiếu khác mà các công ty bảo hiểm Nhật Bản là những nhà đầu tư lớn đang cảm thấy lo ngại.
Những người theo dõi thị trường đang chuẩn bị cho sự biến động, nếu các tổ chức từ Nhật Bản đẩy mạnh bán trái phiếu nước ngoài và đem tiền mặt quay về nước. Dai-ichi Life Holdings – công ty bảo hiểm nhân thọ có một trong những danh mục đầu tư tổ chức lớn nhất của Nhật Bản cho biết vào tháng trước rằng họ đang chuyển nhiều tiền hơn sang trái phiếu trong nước từ trái phiếu Kho bạc Mỹ và các trái phiếu nước ngoài khác.
Một số chiến lược gia kỳ vọng các công ty bảo hiểm sẽ tiếp tục tập trung vào trái phiếu trong nước, đặc biệt là trái phiếu dài hạn khi chi phí bảo hiểm rủi ro cho đầu tư nước ngoài vẫn ở mức cao. Những người khác nhận thấy khả năng dòng tiền chảy ra nước ngoài có thể đảo ngược, với việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) dự kiến sẽ điều chỉnh tốc độ tăng lãi suất và thống đốc mới của BOJ là ông Kazuo Ueda có thể sắp điều chỉnh chính sách.
Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài của một số quốc gia |
Shoki Omori, trưởng bộ phận Chiến lược của Công ty Chứng khoán Mizuho kỳ vọng các công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ tiếp tục tập trung vào trái phiếu trong nước, một phần vì họ cần nắm giữ thêm 35.000 tỷ yên trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn dài để đáp ứng các yêu cầu quản lý nợ và tài sản trước tháng 4/2025.
“Họ sẽ tiếp tục thận trọng đối với trái phiếu nước ngoài vì họ thấy trái phiếu có xếp hạng tín nhiệm cao bao gồm cả trái phiếu Kho bạc Mỹ có chi bảo hiểm quá đắt đỏ”, ông cho biết.
Theo chiến lược gia của Citigroup, các nhà đầu tư toàn cầu nên đặc biệt lo lắng mặc dù thống đốc Ueda cho biết ông không có kế hoạch thay đổi chính sách ngay lập tức, vì dòng vốn chảy ra của Nhật Bản đang lan rộng từ Trái phiếu kho bạc Mỹ và thị trường trái phiếu nếu BOJ điều chỉnh chính sách kiểm soát đường cong lợi suất và đẩy mạnh mua trái phiếu địa phương.
Theo Tomoaki Shintani, giám đốc quỹ của bộ phận nghiên cứu tín dụng tại Fukoku Capital Management, lợi suất cao hơn ở Nhật Bản sẽ có lợi cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp địa phương.
“Nếu lợi suất trong nước bắt đầu tăng, thì việc phân bổ tiền cho thị trường trái phiếu trong nước ở một mức độ nào đó đồng thời giảm rủi ro đối với trái phiếu nước ngoài là điều hợp lý”, ông cho biết.
Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng sự tập trung của nhà đầu tư đã chuyển sang thời điểm Fed sẽ tạm dừng hoặc thậm chí quay trở lại việc hạ lãi suất nếu nền kinh tế Mỹ chậm lại, làm tăng thêm sức hấp dẫn của các thiên đường như trái phiếu kho bạc, đặc biệt là với lợi suất của Nhật Bản trên cơ sở tuyệt đối quá thấp. Trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm có lợi suất cao hơn khoảng 3% so với trái phiếu chính phủ Nhật Bản.
Jun Kato, trưởng bộ phận phân tích thị trường của Shinkin Asset Management cho biết: “Lợi suất của Nhật Bản cuối cùng sẽ tăng lên, khiến việc mua trái phiếu vào lúc này trở nên khó khăn”.
Ayako Sera, chiến lược gia thị trường tại Sumitomo Mitsui Trust Bank cho biết, sự thay đổi trong tâm lý nhà đầu tư cũng cho thấy cổ phiếu sẽ không được các công ty bảo hiểm ưa chuộng.
“Khi nền kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu chậm lại, họ khó có thể mạnh tay bổ sung lượng cổ phiếu nắm giữ”, bà cho biết.
Với mức độ của đồng yên đã giảm khoảng 1% trong năm nay xuống còn khoảng 132,50 mỗi đô la và lợi suất trái phiếu dài hạn của Nhật Bản sẽ là những yếu tố quyết định chính về nơi những người bảo hiểm đầu tư tiền mặt của họ.