Bằng đôi bàn tay khéo léo cùng với óc sáng tạo, người dân Phùng Xá, Hà Nội, đã làm ra những chiếc khăn với đủ mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc, kích cỡ để đến tay người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km, xã Phùng Xá (huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội) nổi tiếng với nghề dệt truyền thống. Làng Phùng Xá là sự kết hợp tinh tế của nét đẹp hiện đại đô thị hóa và nét đậm đà bản sắc Việt.
Theo thuyết xưa truyền lại, nghề dệt Phùng Xá khởi nguồn từ đầu thế kỷ 20, cụ tổ làng nghề là cụ Hoàng Tiến Gan. Cụ xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, là người con của làng quê có nghề chăn tằm ươm tơ mà vẫn chẳng đủ ăn, vì thế cụ đã nung nấu nghề dệt. Năm 1928, cụ rời làng đi học hỏi nghề dệt ở Bắc Ninh, Hà Đông.
Năm 1929, cụ mang nghề dệt về làng, tổ chức một nhóm thợ vừa làm vừa truyền nghề, vừa đóng máy vừa dựng giá thành khung. Để ghi nhớ công đức cụ, dân làng đã lấy ngày mồng 2/3 Âm lịch hàng năm làm ngày giỗ ông tổ làng nghề.
Trước Cách mạng tháng 8/1945, thậm chí đến năm 1954, cả làng đã dệt theo hình thức cá thể, tự sản tự tiêu, chủ yếu là dệt tơ tằm, the, đũi với số lượng ít. Sau đó quy mô phát triển hơn thành các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp dệt các mặt hàng như lụa, satanh và đặc biệt là khăn mặt bông để xuất khẩu.
Lúc bấy giờ, cách thức sản xuất thủ công rất thô sơ, nguyên liệu dệt là sợi tơ tằm, tơ bông và sợi còn. Năm 1992, hợp tác xã giải thể do không thích nghi được với cơ chế đổi mới. Tuy vậy, người dân làng Phùng Xá còn nặng lòng với nghề dệt đã mạnh dạn tự đầu tư mua máy dệt, nguyên liệu, một mặt duy trì được nghề truyền thống, mặt khác lại đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Sản phẩm dệt khăn mặt của làng rất đa dạng về mẫu mã, kiểu cách từ khăn mặt, khăn nhỡ, khăn tắm đến khăn trơn, khăn họa tiết, khăn nhuộm màu, phun màu…
Chỉ với nguyên liệu đầu vào là những cối sợi trắng, bằng đôi bàn tay khéo léo cùng với óc sáng tạo, người dân Phùng Xá đã làm ra những chiếc khăn với đủ mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc, kích cỡ để đến tay người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Quá trình sản xuất ra sản phẩm khăn ở Phùng Xá trải qua 5 công đoạn kết hợp giữa lao động thủ công và sự trợ giúp của máy móc, gồm mắc sợi, cho đến dệt, tẩy, nhuộm, máy biên mép, cuối cùng là in phun hoa văn.
Mắc sợi là công đoạn đầu tiên và cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sản phẩm nên rất được coi trọng. Vì thế mà người thợ làm mắc phải tinh mắt, tập trung và cẩn thận quan sát từng sợi chỉ. Từng cối sợi sẽ được kéo lên đều đặn qua giàn mắc và lên guồng quay, sau khi quay đủ thì toàn bộ sợi trên guồng sẽ được cuộn đầy vào trục.
Công đoạn thứ hai là dệt. Do hầu hết các hộ gia đình đều có máy dệt nên công đoạn này được thực hiện tại hầu hết các gia đình trong làng. Máy dệt tay cày, chân giận trước kia đã được thay thế bằng máy dệt bán tự động kèm môtơ hay máy kiếm tự động hoàn toàn. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải biết kết hợp tay chân nhịp nhàng, bởi lẽ kết hợp không khớp hoặc dận không dứt khoát thì lỗi sẽ xuất hiện ngay trên sản phẩm ví như những đường dạn ngang hay sùi sợi.
Tẩy nhuộm là công đoạn quan trọng làm nổi bật mẫu mã của sản phẩm. Hiện nay khâu này do các công ty tẩy nhuộm trong làng phụ trách với hệ thống trang thiết bị như bể tẩy nhuộm, máy sấy công nghiệp, máy hấp, thiết bị xử lý thuốc tẩy…
Tiếp đến là công đoạn máy biên và mép. Khâu này có thể đi kèm máy luôn tại xưởng của doanh nghiệp, hoặc được tách riêng cho hộ gia đình đảm nhận. Đây cũng là khâu cần nhiều nhân công nhất vì nó đòi hỏi những bước tỉ mẩn của lao động thủ công.
In phun với sản phẩm hoa văn là bước cuối chỉ dành cho sản phẩm là hàng khăn trơn có màu nền sẵn. Người thợ thủ công chỉ cần đặt khăn lên bàn in, dùng lưới in có hình hoa văn, sau đó quét màu lên khăn, vì thế mà yêu cầu đặt ra ở công đoạn này là pha màu sao cho đẹp mắt. Một số doanh nghiệp đã đầu tư máy in phun cho ra sản phẩm khăn có màu đều và đẹp hơn.
Hiện nay sản phẩm khăn dệt Phùng Xá không chỉ được người tiêu dùng trong nước tin dùng mà còn xuất khẩu sang nhiều quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Séc, Hàn Quốc và nhiều nhất là tại Đài Loan (Trung Quốc).
Năm 2004, làng Phùng Xá còn lập ra Hiệp hội Thủ công Mỹ nghệ Làng nghề Dệt Phùng Xá, là tổ chức đứng ra giới thiệu sản phẩm khăn truyền thống của làng đến bạn bè trong nước và quốc tế.
Hiệp hội cũng đưa ra phương hướng phát triển của làng nghề là đẩy mạnh quan hệ đối tác về xuất khẩu, đồng thời tạo thêm việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống nhân nhân.
Qua hơn 80 năm xây dựng và phát triển, nghề dệt khăn Phùng Xá đã trở thành nghề chính mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân bên cạnh trồng trọt và chăn nuôi./.