Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong 9 tháng năm 2023, Trung Quốc đã nhập khẩu từ Việt Nam gần 869 nghìn tấn gạo, tăng tới 41,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc ổn định, bền vững, Đoàn Giao dịch Thương mại mặt hàng gạo Việt Nam tại thị trường Trung Quốc do ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) làm Trưởng Đoàn, với sự tham gia của 19 doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo vừa hoàn thành chương trình làm việc tại thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc).
Trong thời gian tại Bắc Kinh, Đoàn đã làm việc với Bộ Thương Mại Trung Quốc, Hiệp hội thổ súc sản Trung Quốc, Tập đoàn Tân Phát Địa (Xinfadi).
Đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, Trung Quốc 20 năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc trong năm 2022.
Năm 2022, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Trung Quốc đạt trên 175,57 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2022, trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt 57,7 tỷ USD, tăng 3,2% và nhập khẩu đạt 117,8 tỷ USD, tăng 12,4%. Trong cán cân thương mại giữa hai nước, Việt Nam là nước nhập siêu. Riêng 9 tháng năm 2023, tổng trao đổi thương mại giữa hai nước đạt hơn 122 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 42,8 tỷ USD và nhập khẩu đạt 91,6 tỷ USD.
Trong cơ cấu hàng xuất khẩu từ Việt Nam vào Trung Quốc, mặt hàng gạo đã luôn tăng trưởng rất tốt trong những năm vừa qua, chiếm gần 1/5 tổng lượng gạo nhập khẩu của Trung Quốc.
Thống kê của Cục Xuất Nhập khẩu cho thấy, năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc đạt khối lượng 834,2 nghìn tấn, trị giá 423,2 triệu USD. Trong 9 tháng năm 2023, Trung Quốc đã nhập khẩu từ Việt Nam gần 869 nghìn tấn gạo, tăng tới 41,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, Việt Nam có khả năng cung ứng tốt các dòng gạo được ưa chuộng tại Trung Quốc (như các dòng gạo thơm phẩm cấp cao, gạo ST, gạo nếp,…) và đã thiết lập quan hệ bạn hàng truyền thống lâu năm. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam luôn nhận thức Trung Quốc là một thị trường quan trọng, đứng thứ 2 trong số các thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, từ đó không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng và quy cách sản phẩm, đáp ứng tốt các quy định và phục vụ tốt nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc.
Để củng cố và phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước nói chung và thương mại gạo Việt Nam-Trung Quốc nói riêng, đặc biệt đối với khu vực thị trường phía Bắc Trung Quốc, Đoàn công tác đã đề xuất và đạt được sự ủng hộ từ cơ quan Quản lý Nhà nước, hiệp hội và doanh nghiệp nông sản, lương thực, đặc biệt là doanh nghiệp gạo Trung Quốc về việc tăng cường hỗ trợ giao thương, thiết lập các kênh trao đổi thông tin, phối hợp kịp thời trong giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp hai nước, tiếp tục thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam vào Trung Quốc trong thời gian tới.
Cùng với đó, hai Bên đã xem xét ký kết các biên bản ghi nhớ về thúc đẩy xuất khẩu, xúc tiến thương mại giữa hai nước và hỗ trợ đưa sản phẩm gạo Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường bán lẻ truyền thống, các kênh thương mại điện tử của Trung Quốc trong thời gian tới, góp phần duy trì thị phần, gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc, hiện thực hóa mục tiêu đã đề ra tại Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 583/QĐ-TTg ngày 26/5/2023./.