Tại hội thảo, nhiều ý kiến doanh nghiệp cho biết, nông sản, thực phẩm Việt Nam đã mở rộng thị trường xuất khẩu đến 180 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Thống kê của 6 tháng đầu năm cho thấy, kim ngạch xuất nông, lâm, thủy sản, thực phẩm ước đạt hơn 20 tỷ USD. Trong đó, rất nhiều ngành trong lĩnh vực này đã đóng góp hơn 1 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu hàng năm, đặc biệt một số ngành như thủy sản (đóng góp hơn 10 tỷ USD). Riêng với TPHCM, ngành lương thực, thực phẩm là một trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển của thành phố, chiếm 14%-15% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp của thành phố.
Với rào cản kỹ thuật ngày càng được nhiều thị trường xuất khẩu áp dụng, doanh nghiệp Việt cần nâng chất sản xuất hướng tới mục tiêu phát triển xuất nhập khẩu bền vững đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm của Việt Nam.
Cùng với việc mở rộng cơ hội phát triển thị phần xuất khẩu thì doanh nghiệp nội cần chắc chân hơn với thị trường trong nước. Hiện thị trường nội địa Việt Nam cũng được nhận định là tiềm năng và an toàn không chỉ với doanh nghiệp trong nước mà cả doanh nghiệp nước ngoài.
Tuy nhiên, để doanh nghiệp trong nước có thể bắt nhịp với xu hướng phát triển chung thị trường, cũng như tăng khả năng “bắt tay” với doanh nghiệp nước ngoài để mở rộng thị phần, cần thiết phải chủ động chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh hóa và số hóa. Bên cạnh đó, phải khắc phục những bất cập phổ biến, như tầm nhìn 5 năm chưa rõ ràng; thiếu chiến lược phát triển bền vững, chất lượng nguồn nhân lực và trình độ quản trị doanh nghiệp còn thấp.
“UBND TPHCM đã ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành chế biến lương thực, thực phẩm TPHCM giai đoạn 2020-2030. Đây được xem là một trong những chương trình đột phá để thành phố tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ, huy động nguồn lực đầu tư phát triển”, đại diện ITPC nhấn mạnh.