Theo lãnh đạo Vinatex, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2023 chính là tận dụng hết các cơ hội thị trường; tổ chức sản xuất tốt nhất để tăng năng suất lao động, đáp ứng các đơn hàng nhỏ lẻ.
Đơn hàng những tháng cuối năm chưa có dấu hiệu tăng, nhiều đơn vị trong Tập đoàn Dệt may Việt Nam thậm chí phải “ăn đong” đơn hàng từng tháng, trong khi giá gia công vẫn ở mức thấp, cộng với áp lực cạnh tranh từ nhiều quốc gia trong lĩnh vực này.
Do đó, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2023 chính là tận dụng hết các cơ hội thị trường; tổ chức sản xuất tốt nhất để tăng năng suất lao động, đáp ứng các đơn hàng nhỏ lẻ, yêu cầu chất lượng cao; xây dựng kế hoạch sản xuất linh hoạt và bố trí nguồn nhân lực phù hợp để tối ưu hóa chi phí lao động.
Tích cực ứng phó với khó khăn
– Xin ông cho biết bức tranh cụ thể của các doanh nghiệp trong Tập đoàn Dệt may Việt Nam những tháng vừa qua?
Ông Cao Hữu Hiếu: Điểm lại tình hình thị trường từ đầu năm đến nay, có thể thấy, xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn bởi những yếu tố bất ổn kinh tế, chính trị kéo theo lạm phát, làm kìm hãm các chỉ tiêu tiêu dùng từ các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, đặc biệt đối với hàng dệt may do không phải là nhóm hàng thiết yếu nên tỷ lệ sụt giảm rất cao.
Đến hết tháng 9 năm 2023, xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 29,7 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022. Hiện Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất, chiếm trên 40% thị phần của ngành dệt may Việt Nam, tiếp đến là Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Nhìn chung, ở những thị trường nói trên đều ghi nhận kim ngạch xuất khẩu giảm do nhu cầu sụt giảm. Đơn cử như thị trường EU, trong 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu dệt may Việt Nam sang thị trường này chỉ đạt 2,3 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ. Bước sang tháng 8/2023, xuất khẩu giảm mạnh hơn khi chỉ đạt 330 triệu USD, giảm 17% so với cùng kỳ và tháng 9/2023 cũng vẫn có xu hướng giảm do đơn hàng từ các đối tác lớn như Decathlon, Nike, Adidas đã giảm mạnh.
Đối với thị trường Mỹ, trong nửa đầu năm 2023, dệt may Việt Nam cũng đã đánh mất 1,3% thị phần tại thị trường này. Xuất khẩu dệt may Việt Nam sang Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm cũng chỉ đạt 7,5 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ.
Trong bức tranh “màu xám” của thị trường 9 tháng năm nay, điểm sáng duy nhất là sự tăng trưởng cao của khối các nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) như: Nhật Bản, Canada, Australia, New Zealand. Bên cạnh đó, chúng ta đã mở thêm được một số thị trường mới tại châu Phi và Trung Đông. Điều này góp phần giúp kim ngạch xuất khẩu của ngành không bị giảm sâu trong bối cảnh sức cầu các thị trường giảm mạnh.
– Ông có thể nói rõ hơn tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua, đâu là khó khăn nhất của các doanh nghiệp trong ngành?
Ông Cao Hữu Hiếu: Trong các cuộc làm việc gần đây của Hội đồng Quản trị, Cơ quan Điều hành Vinatex với các đơn vị về tình hình sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm 2023, nhìn chung dự báo về thị trường, khách hàng chưa có nhiều điểm sáng.
Theo đó, đơn hàng chưa có dấu hiệu tăng, đa phần các đơn vị đều ở tình trạng non tải trong ba tháng cuối năm, thậm chí có đơn vị phải “ăn đong” đơn hàng từng tháng. Giá gia công vẫn ở mức thấp hơn khoảng 30% so với trước đây, câu chuyện cạnh tranh về giá với các quốc gia xuất khẩu dệt may khác như Pakistan, Indonesia và đặc biệt là Bangladesh càng trở nên khốc liệt. Bên cạnh đó, yêu cầu của các nhà mua hàng cũng ngày càng tăng, đơn hàng nhỏ, khó, đòi hỏi chất lượng cao vẫn là xu thế trong ngắn hạn.
Tuy vậy, điểm chung trong các cuộc làm việc và trao đổi là tinh thần tích cực và những trưởng thành nhất định của các đơn vị từ khó khăn của năm 2023 trong việc nhìn nhận, đánh giá năng lực, cải tiến vận hành và quản trị sản xuất. Những thay đổi trong điều hành sản xuất mang lại hiệu quả cao hơn, cơ cấu nhân sự linh hoạt hơn, đội ngũ nhân sự chủ động hơn và giải quyết vấn đề tốt hơn.
Một số đơn vị cũng nhận định những tín hiệu thị trường tích cực hơn trong quý 4. Đối với ngành may, khách hàng tăng cường hỏi hàng, mặc dù chưa chốt đơn chính thức. Các đơn vị may đẩy mạnh công tác làm mẫu, báo giá cho khách hàng với cơ cấu giá được “tối ưu hóa”, hy vọng sẽ nhận được các đơn hàng cho giai đoạn tới.
Đối với ngành sợi, dấu hiệu cho thấy có thể đã qua giai đoạn “đáy”, một số thị trường có dấu hiệu phục hồi tuy cầu vẫn ở mức thấp, tháng 8 đã có một số đơn vị xấp xỉ hòa vốn, thậm chí đã có đơn vị có lợi nhuận dương. Tuy nhiên, những tín hiệu này là khá mong manh khi ngành may vẫn thiếu đơn hàng cho những tháng cuối năm, ngành sợi lại đối mặt với giá bông có xu hướng tăng nhẹ trong khi giá sợi chưa có dấu hiệu tích cực.
Tháng 8 cũng là tháng đầu tiên kể từ đầu năm, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 4 tỷ USD. Các chi phí như giá dầu, giá điện, lãi suất, chi phí logistics chưa có dự báo tăng. Như vậy, có thể nhìn nhận một cách lạc quan rằng, tình hình thị trường trong quý 4 chưa tốt lên nhưng cũng sẽ không xấu đi so với 6 tháng đầu năm 2023.
– Thực tế cho thấy, xuất khẩu dệt may của Việt Nam đang phải cạnh tranh rất lớn từ nhiều quốc gia, vậy trước những khó khăn này, Tập đoàn đã có những định hướng gì để nâng cao hiệu quả sản xuất-kinh doanh cũng như giữ vững thị phần xuất khẩu dệt may của Việt Nam trên bản đồ thế giới?
Ông Cao Hữu Hiếu: Trải qua thời gian khó khăn kéo dài, cũng là một giai đoạn sàng lọc, “kiểm tra sức khỏe” doanh nghiệp, bên cạnh những đơn vị hoàn toàn bị cơn lốc thị trường cuốn đi thì vẫn có những đơn vị giữ được hiệu quả sản xuất ở mức khá cao.
Đúc kết kinh nghiệm từ các đơn vị này, có thể thấy rằng, những yếu tố giúp doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh cũng như tổ chức sản xuất hiệu quả, đó là chất lượng sản phẩm tốt và ổn định, cụ thể là trong giai đoạn đơn hàng khan hiếm, các đơn vị giữ được cấp chất lượng tốt sẽ có khả năng được ưu tiên đơn hàng.
Hơn nữa, hệ thống quản lý sản xuất tốt, cho phép kiểm soát chặt chẽ và linh hoạt, đồng thời đáp ứng được các đơn hàng nhỏ lẻ, thời gian giao hàng nhanh; Tối ưu hóa việc sử dụng lao động, tạo năng suất lao động cao; Dịch vụ và chính sách chăm sóc khách hàng tốt; Tuân thủ các quy định về trách nhiệm xã hội và môi trường; Có khả năng kiểm soát chuỗi cung ứng, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm để chứng minh được sự không vi phạm các quy định đối với lao động cưỡng bức của thị trường nhập khẩu; Có định hướng đầu tư cho sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn.
Chính vì vậy, lãnh đạo Vinatex đã lưu ý các đơn vị cần chú trọng vào các yếu tố nêu trên, đây có thể coi là điều kiện sống còn để tồn tại trong giai đoạn tới, khi mà những dự báo đều cho thấy khó khăn chưa thể kết thúc trong nửa đầu năm 2024.
Bên cạnh đó, Cơ quan Điều hành Tập đoàn cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ các đơn vị hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình. Ngoài ra, Công tác theo dõi, quản lý gắn kết với các đơn vị thành viên tiếp tục được cải thiện thông qua nhiều hình thức, đặc biệt tăng cường vai trò kết nối và quản trị của Ban sản xuất-kinh doanh Sợi và May.
Cùng với đó là xây dựng cơ chế linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, ưu tiên các “điểm nóng” cần xử lý ngay, không để gián đoạn sản xuất, người lao động phải nghỉ việc. Kiểm soát chặt chẽ tình hình tài chính tại các đơn vị trọng yếu, chỉ đạo, hỗ trợ một cách kịp thời, liên tục…
– Trong đại dịch COVID-19, doanh nghiệp dệt may có thể nói là đã “chèo lái” rất tốt để vượt qua khó khăn, vậy theo ông, thời gian tới, Vinatex đã định hướng như thế nào để tiếp tục khẳng định vị thế về sản xuất và xuất khẩu?
Ông Cao Hữu Hiếu: Nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2023 chính là tận dụng hết các cơ hội thị trường; tổ chức sản xuất tốt nhất để tăng năng suất lao động, đáp ứng các đơn hàng nhỏ lẻ, yêu cầu chất lượng cao; xây dựng kế hoạch sản xuất linh hoạt và bố trí nguồn nhân lực phù hợp để tối ưu hóa chi phí lao động.
Một trong những điều quan trọng, đó là phải hành động nhanh chóng và quyết liệt, dựa trên cơ sở suy nghĩ, cân nhắc từ các thông tin đầu vào được cung cấp liên tục, kịp thời. Hành động mới là thứ quyết định, chứ không phải suy nghĩ. Toàn hệ thống Tập đoàn quyết tâm hoàn thành một cách tốt nhất các kế hoạch đã đặt ra, kiên định trước các yếu tố khách quan bất lợi của thị trường. Đây cũng là tiền đề quan trọng để xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 một cách chủ động và hợp lý.
Các doanh nghiệp không được lựa chọn bối cảnh thị trường, nhưng hoàn toàn có thể quyết định tâm thế, cách thức sẽ vượt qua năm 2023 và đón nhận năm 2024 thế nào. Với sự chủ động, tự tin dựa trên những thông tin được kiểm soát một cách hiệu quả, Vinatex hoàn toàn có thể đặt niềm tin để đón đầu sự phát triển trở lại với tâm thế mới, năng lực mới và hiệu suất mới.
– Xin cảm ơn ông./.