Nhằm xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan nhiều hơn, thời gian qua, việc liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành, hợp tác xã làm du lịch được quan tâm đẩy mạnh, tạo động lực để du lịch Bắc Giang phát triển.
Bắt tay liên kết
Vụ cam, bưởi năm nay, nhiều hợp tác xã du lịch cộng đồng ở huyện Lục Ngạn liên kết với các công ty lữ hành tổ chức đưa, đón khách tham quan. Ngoài trải nghiệm những vườn cam, bưởi chín sai trĩu quả, du khách còn được vãn cảnh hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần, chùa Am Vãi, làng Văn hóa Đông Bắc… 3 tháng cuối năm 2022, có khoảng 100 nghìn du khách đến huyện Lục Ngạn tham quan, tập trung nhiều nhất ở hợp tác xã du lịch trên địa bàn các xã Thanh Hải, Trù Hựu, Quý Sơn. Các hợp tác xã làm du lịch đầu tư nhà sàn để khách ngồi thưởng thức trái cây, ăn nghỉ tại chỗ, dựng mô hình chụp ảnh; có tổ hát Then, đàn tính biểu diễn phục vụ khách tham quan.
Bà Nguyễn Thị Năm, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lục Ngạn cho biết, đơn vị thường xuyên làm đầu mối giới thiệu các công ty lữ hành kết nối với nhiều hợp tác xã du lịch cộng đồng trên địa bàn. Điều đáng mừng, ngoài khách trong và ngoài tỉnh còn có nhiều du khách nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Úc… Thông qua các kênh này, khách du lịch được trải nghiệm, khám phá, hiểu hơn về vùng đất, con người Lục Ngạn, bước đầu tạo đà để du lịch huyện phát triển.
Khách tham quan khu Khu Du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động).
Năm 2022, Công ty cổ phần dịch vụ Tây Yên Tử ký hợp đồng với 10 công ty lữ hành (chủ yếu ở Hà Nội) đưa khách tới Khu Du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động) tham quan. Trong năm, nơi đây diễn ra nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch Bắc Giang tổ chức thu hút hàng chục doanh nghiệp, đơn vị lữ hành tham gia.
“Năm 2023, công ty và một số doanh nghiệp lữ hành sẽ ký kết về hợp tác phát triển du lịch, xây dựng các tour kết nối Khu Du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử với một số khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Đơn vị sẽ làm việc với 1 doanh nghiệp có uy tín xây dựng hành trình tuyến xe buýt cố định từ Hà Nội đi Tây Yên Tử (Sơn Động) để phục vụ du khách”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Giám đốc Điều hành Công ty cổ phần dịch vụ Tây Yên Tử nói.
Xác định liên kết, hợp tác phát triển du lịch đóng vai trò quan trọng, thời gian qua, chính quyền, ngành chức năng các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã du lịch trong và ngoài tỉnh phối hợp triển khai nhiều biện pháp. Điểm nhấn nổi bật của hoạt động này đó là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch Bắc Giang thường xuyên tổ chức khảo sát, tọa đàm, hội nghị về liên kết, phát triển, xây dựng các sản phẩm du lịch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã. Tháng cuối năm 2022, có hơn 100 doanh nghiệp lữ hành, hợp tác xã du lịch cộng đồng, trung tâm xúc tiến du lịch và các chuyên gia ngoài tỉnh đã có những chuyến khảo sát, đồng thời tổ chức đưa đón khách đến các điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh.
Ông Lưu Xuân San, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch Bắc Giang cho biết, trong năm 2022, đơn vị phối hợp tổ chức 6 cuộc khảo sát, xây dựng tour, tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lữ hành như: Khảo sát kết nối tour du lịch nội tỉnh tại Khu Du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử và Khu Du lịch sinh thái Suối Mỡ; tour du lịch di sản văn hóa Bắc Giang – Quảng Ninh – Hải Dương… Cùng đó, hỗ trợ Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang liên kết với các doanh nghiệp lữ hành ký kết nội dung hợp tác phát triển du lịch; tổ chức khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch vùng cây ăn quả Bắc Giang nhân hội thảo “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng vùng di tích danh thắng Tây Yên Tử”…
Xây dựng sản phẩm hấp dẫn
Từ cuối năm 2022, một số công ty, đơn vị làm du lịch ngoài tỉnh đã liên kết với các khu, điểm du lịch xây dựng sản phẩm du lịch bước đầu thu hút khách tham quan. Điển hình như Liên minh Hành trình tâm linh (gồm 6 doanh nghiệp lớn ở Hà Nội) vừa tổ chức tour du lịch “Hành trình tâm linh theo dấu chân Phật hoàng” với hành trình 2 ngày, 1 đêm. Theo đó, du khách được tìm hiểu về dấu tích con đường Hoằng dương Phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông, thăm Khu Du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử, tham gia khóa lễ tại chùa Vĩnh Nghiêm, Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng; trải nghiệm, chia sẻ phương pháp thiền, giá trị của Phật pháp và cuộc sống.
Cùng đó, du khách còn được tham gia các hoạt động: Kết tràng hạt, học làm món chay, luyện khí công, tổ chức trao quà cho trẻ mồ côi, trẻ em nghèo vượt khó, người già neo đơn… Mới đây, Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch Bắc Giang, Công ty cổ phần dịch vụ Tây Yên Tử, Liên minh Hành trình tâm linh đã ký biên bản hợp tác liên kết phát triển sản phẩm du lịch Bắc Giang. Nội dung hợp tác bao gồm: Xây dựng hoàn thiện sản phẩm du lịch tỉnh Bắc Giang với chủ đề “Hành trình tâm linh theo dấu chân Phật hoàng”; phối hợp, hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá và dịch vụ tại Khu Du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động); ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và phát triển sản phẩm du lịch tại một số khu, điểm du lịch của tỉnh.
Đặc biệt là sự kiện UBND tỉnh tổ chức Lễ khai hội Xuân Tây Yên Tử và khai mạc Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Bắc Giang năm 2023. Sự kiện diễn ra từ ngày 01 đến 06/2/2023 (tức từ ngày 11 đến ngày 16 tháng Giêng, năm Quý Mão), gồm 15 hoạt động, trong đó có 8 hoạt động do cơ quan cấp tỉnh, 7 hoạt động do địa phương tổ chức. Đây là cơ hội để chính quyền, ngành chức năng, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã phối hợp giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch Bắc Giang, hút khách tham quan nhiều hơn.
Ông Đỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, trên cơ sở nội dung các Nghị quyết, Kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phát triển du lịch đã ban hành, thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với địa phương, đơn vị, doanh nghiệp tăng cường quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch của tỉnh để thu hút các nhà đầu tư. Tổ chức nhiều cuộc khảo sát, hội thảo, tọa đàm liên quan đến liên kết phát triển du lịch có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp uy tín. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến du lịch. Chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, phát triển du lịch cộng đồng, dịch vụ mua sắm và lưu trú, nâng cao chất lượng dịch vụ ăn, nghỉ. Tăng cường hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động du lịch, nhất là đối với hợp tác xã du lịch cộng đồng.