Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ vừa tổ chức diễu hành tàu du lịch từ bến Ninh Kiều đến chợ nổi Cái Răng. Với chủ đề “Tìm về di sản” và vớt rác trên sông nhằm chung tay bảo về môi trường, đây là một trong những hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội Du lịch “Văn hóa chợ nổi Cái Răng” – sự kiện thường niên của TP Cần Thơ để giới thiệu, quảng bá hình ảnh văn hóa chợ nổi Cái Răng cùng các sản phẩm du lịch đến với du khách.
Vớt rác trên sông, trong đó có việc vớt rác tại chợ nổi Cái Răng, là hoạt động không thường xuyên và xem ra hơi trễ nhưng vẫn còn kịp để góp phần “kéo” chợ nổi này khỏi bị “chìm” như các khu chợ nổi khác ở ĐBSCL.
Bởi lẽ, hầu hết du khách trong và ngoài nước khi đặt chân tới Cần Thơ đều mong muốn được ngồi trên tàu du lịch dạo một vòng chợ nổi Cái Răng để vừa tận mắt chứng kiến hoạt động giao thương vừa hít thở bầu không khí mát lành trong buổi sáng tinh mơ.
Thế nhưng, thời gian qua, khi giao thương đường bộ và hàng không ngày càng phát triển, hoạt động tại nhiều chợ nổi ở ĐBSCL không còn tấp nập như xưa. Từ đó, thương hồ dần chia tay chợ nổi để tìm hướng kinh doanh khác.
Trong khi đó, rác từ hoạt động mua bán lẫn sinh hoạt của tiểu thương trên những chiếc ghe – tàu còn lại cứ thải vô tư xuống đoạn sông ở chợ nổi Cái Răng, càng khiến du khách cảm thấy ngán ngẩm.
Văn hóa chợ nổi Cái Răng được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2016. Chợ nổi Cái Răng được một tạp chí uy tín của Mỹ bình chọn là “một trong 10 khu chợ nổi nhộn nhịp nhất thế giới” và nằm trong tốp “6 chợ nổi đẹp nhất châu Á”.
Do vậy, đề án bảo tồn và phát triển khu chợ nổi tiếng này đã được TP Cần Thơ thực hiện từ 7 năm qua. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, việc bảo tồn đang gặp những khó khăn, hạn chế như: thu hút đầu tư phát triển du lịch chưa nhiều; quản lý dịch vụ giá cả, phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch, bảo vệ môi trường đôi lúc chưa kịp thời…
Chợ nổi Cái Răng không còn tấp nập như xưa. Ảnh: NGỌC TRINH
Mới đây, để tháo gỡ khó khăn trong việc bảo tồn chợ nổi Cái Răng, lãnh đạo UBND TP Cần Thơ đã yêu cầu các sở, ngành sớm đưa ra giải pháp nhằm giữ chân thương hồ, gìn giữ những nét văn hóa đặt trưng.
Theo đó, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch phối hợp với Viện Kinh tế – Xã hội TP Cần Thơ hoàn chỉnh đề cương đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa chợ nổi Cái Răng đến năm 2030”; Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất thành lập ban quản lý chợ nổi và các chính sách cho nhà đầu tư, các doanh nghiệp, chuyên gia nghiên cứu phát triển chợ nổi Cái Răng; Sở Công Thương đề xuất cơ chế chính sách đặc thù tạo điều kiện duy trì chợ nổi này; Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng, triển khai các đề án bảo vệ môi trường, thu gom rác thải trên sông…
Theo ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, chợ nổi Cái Răng là nét đặc trưng sông nước không chỉ của Cần Thơ mà còn của miền Tây.
Đây là không gian văn hóa gắn liền với lịch sử vùng đất, là tài sản quý phải được gìn giữ. Nếu không có chợ nổi Cái Răng thì du lịch Cần Thơ cũng bị ảnh hưởng lớn.