Định vị thương hiệu du lịch Bình Phước gắn với vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên

Tỉnh Bình Phước đặt mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp trong quản lý, hoạt động của các cơ sở kinh doanh du lịch để tăng mức chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách.

                                                                                                  Dự án Khu Du lịch sinh thái Trảng cỏ Bù Lạch (huyện Bù Đăng). (Nguồn: Báo Bình Phước)

Tỉnh Bình Phước đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển ngành Du lịch có trọng tâm, trọng điểm, với phương châm: “Sản phẩm đặc sắc-Dịch vụ chuyên nghiệp-Thủ tục thuận tiện, đơn giản-Giá cả cạnh tranh-Môi trường vệ sinh xanh, sạch, đẹp-Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện.”

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Trần Tuyết Minh, địa phương từng bước xây dựng và định vị thương hiệu du lịch Bình Phước gắn với đặc trưng, thế mạnh của vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên khi có địa hình, khí hậu phong phú, đa dạng, có vùng đất màu mỡ phù hợp với cây ăn quả và cây công nghiệp rộng lớn, nhiều địa danh, di tích nổi tiếng.

Tỉnh đặt mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ lên hàng đầu, nâng cao tính chuyên nghiệp trong quản lý, hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch để tăng mức chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách; lấy sự hài lòng của du khách và phúc lợi cho người dân làm mục tiêu phát triển du lịch bền vững.

Bình Phước phấn đấu đến năm 2025 đón khoảng 1,7 triệu lượt khách; trong đó, khách quốc tế chiếm khoảng 3,21% đến 4% tổng số lượt khách, doanh thu đạt khoảng 1.560 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 8.500 lao động (trong đó lao động trực tiếp khoảng 3.000 người).

Đến năm 2030, tỉnh đón khoảng 4 triệu lượt khách; trong đó, khách quốc tế chiếm khoảng 4% đến 5,05% tổng lượt khách, doanh thu đạt khoảng 7.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 13.000 lao động (trong đó lao động trực tiếp khoảng 5.000 người).

Để đạt mục tiêu này, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước cho biết tỉnh thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch xây dựng, phát triển các sản phẩm mới, đặc biệt là các loại hình du lịch homestay, farmstay có sử dụng đất nông nghiệp.

Tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản của Bình Phước (tiêu chuẩn OCOP) tại 4 khu du lịch có quy mô lớn, thương hiệu nổi bật, tạo sức lan tỏa cho phát triển du lịch của tỉnh, trong đó ưu tiên các sản phẩm của khu vực kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã.

Cùng với đó, Bình Phước quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch, người lao động lĩnh vực du lịch tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các nguồn vốn, gói kích cầu; mở rộng liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm mở rộng thị trường và thu hút khách du lịch.

Theo bà Trần Tuyết Minh, Bình Phước tập trung quy hoạch, thu hút đầu tư, xây dựng 5 khu du lịch có quy mô lớn, thương hiệu nổi bật, tạo sức lan tỏa cho phát triển du lịch của tỉnh gồm: Dự án đô thị, Du lịch sinh thái hồ Suối Giai và Tây hồ Bà Mụ (huyện Đồng Phú); Dự án Khu Du lịch sinh thái trảng cỏ Bù Lạch (huyện Bù Đăng); Dự án Khu quần thể văn hóa-cứu sinh Bà Rá (thị xã Phước Long); Dự án Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (huyện Lộc Ninh) và Dự án sân golf kết hợp khu đô thị, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng xã Minh Thắng (thị xã Chơn Thành).

Ở góc độ quản lý ngành, ông Trần Thế Anh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước cho biết tỉnh tập trung phát triển 4 sản phẩm du lịch chính gồm: Khu đô thị kết hợp nghỉ dưỡng hồ Suối Giai (huyện Đồng Phú) với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí và đánh golf; hình thành các khu, điểm du lịch gắn với tuyến đường cao tốc Chơn Thành-Gia Nghĩa, trong đó lấy Khu Du lịch Trảng cỏ Bù Lạch (huyện Bù Đăng) và Khu Đô thị, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng kết hợp với đánh golf tại xã Minh Thắng (thị xã Chơn Thành) làm động lực phát triển với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, homestay gắn với các trải nghiệm cùng sinh hoạt với cộng đồng người M’nông và S’tiêng; du lịch tham quan, khám phá các di tích, danh lam thắng cảnh của Việt Nam và thế giới thu nhỏ gắn với trải nghiệm khinh khí cầu và đánh golf.

Khu Quần thể văn hóa-cứu sinh Bà Rá (thị xã Phước Long) với các sản phẩm du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe theo phương pháp Đông y, trải nghiệm các hoạt động thể thao mạo hiểm, đánh golf kết hợp với phục dựng khu dân cư và bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng tại thôn 7, xã Long Giang (50 ha).

Không gian văn hóa làng của đồng bào dân tộc S’tiêng từng bước phục dựng thông qua tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, tái tạo cảnh quan thu hút khách du lịch.

Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (huyện Lộc Ninh) với các sản phẩm du lịch tham quan tìm hiểu lịch sử; du lịch về nguồn; du lịch tâm linh; du lịch dã ngoại và tham quan Khu Di tích căn cứ Tà Thiết và các dịch vụ nghỉ dưỡng, ẩm thực, mua sắm, vui chơi giải trí.

Mặt khác, Bình Phước xây dựng các tour du lịch trải nghiệm sinh thái rừng, du lịch khám phá và trải nghiệm không gian văn hóa của người S’tiêng, M’nông.

Kết nối Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, Khu Bảo tồn Văn hóa Dân tộc S’tiêng Sóc Bom Bo, Khu Du lịch Trảng cỏ Bù Lạch gắn với các sản phẩm du lịch trải nghiệm trên khinh khí cầu, thể thao và các sản phẩm du lịch dọc tuyến đường cao tốc Chơn Thành-Gia Nghĩa.

Cùng với đó, tỉnh xây dựng tour du lịch quốc tế “Một ngày-4 quốc gia”; chọn Khu Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam làm trung tâm, là “điểm dừng chân trong chuyến hành trình xuyên Á” kết nối các điểm đến trên tuyến du lịch quốc tế (Thành phố Hồ Chí Minh-Bình Phước-Campuchia-Lào-Thái Lan)./.

Theo: TTXVN
Spread the love
Back To Top