Nghịch lý du lịch Việt: Tổng khách tăng nhưng doanh nghiệp vẫn “đói” khách

Dù lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong những tháng đầu năm được thống kê đang tăng trưởng tốt, nhưng thực tế các doanh nghiệp lại chưa được hưởng lợi. Vì sao có nghịch lý này?

Du khách quốc tế trước Văn Miếu-Quốc Tử Giám. (Ảnh: CTV)

Việt Nam đã đón 6,2 triệu lượt khách quốc tế trong 4 tháng đầu năm (tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2023; tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019); doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống 4 tháng qua ước đạt 237.300 tỷ đồng (tăng 15,3%). Đáng chú ý, kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua du lịch nội địa đã có cú “lội ngược dòng” ngoạn mục khi đón 8 triệu lượt khách, vượt xa kỳ vọng trước đó.

Kết quả này có được là nhờ chính sách thị thực thuận lợi cùng các chương trình kích cầu du lịch hấp dẫn đang phát huy tác dụng. Nếu chỉ nhìn vào những con số thống kê kể trên, rõ ràng toàn ngành công nghiệp không khói Việt đang trên đà khởi sắc. Thế nhưng, lại có một thực tế khác phản ánh những “góc khuất” của ngành. Doanh nghiệp du lịch vẫn đang “đói” khách. Vì sao lại có nghịch lý tưởng chừng phi lý như vậy?

Khách tăng nhưng doanh nghiệp vẫn “thất thu”

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy khách quốc tế đến Việt Nam tăng trong 4 tháng đầu năm. Điều này đúng và đại diện các đơn vị lữ hành đều ghi nhận. Nhưng câu chuyện ở đây là có bao nhiêu khách là du lịch thuần túy? Các thị trường khách trọng điểm sử dụng dịch vụ gì?

Thực tế, khách quốc tế tăng nhưng các công ty du lịch lớn vẫn kêu “đói” khách. Nguyên nhân được các chuyên gia du lịch giải thích là bởi lượng lớn khách quốc tế đến nhưng không mua tour trọn gói, ít sử dụng các dịch vụ do các đơn vị lữ hành cung cấp, hoặc nếu có mua dịch vụ cũng là những dịch vụ nhỏ lẻ, ít doanh thu… Những lựa chọn này vô hình chung khiến các doanh nghiệp Việt thất thu.

Lý giải điều này, Giám đốc khối Du lịch quốc tế, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, ông Võ Việt Hòa cho hay: “Tôi chỉ đơn cử, báo chí Việt Nam và quốc tế thường xuyên nói về khách Hàn Quốc đến Việt Nam tăng cao trong năm 2023 và đầu năm 2024 nhưng thực tế doanh nghiệp Việt lại chưa được hưởng lợi, do không cung cấp được các dịch vụ trọn gói. Như Saigontourist chỉ cho thuê được xe là dịch vụ ‘xương xẩu’ nhất.”

Du khách quốc tế trải nghiệm gần gũi thiên nhiên trong không gian một khu nghỉ dưỡng ở Hà Giang. (Ảnh: CTV)

Về khách Nhật Bản, họ đến Việt Nam không tăng do người dân Nhật đang thắt chặt chi tiêu, thận trọng du lịch nước ngoài. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa phải là điểm đến hấp dẫn khách Nhật như các thị trường Thái Lan, Australia, châu Âu, Hàn Quốc.

“Dù các chuyến bay từ Nhật Bản đến Thành phố Hồ Chí Minh nhiều, khách đông nhưng đánh giá chủ quan của chúng tôi, họ chủ yếu là doanh nhân. Về khách Trung Quốc, gần đây chúng tôi phục vụ phân khúc khách trung, cao cấp đến từ Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và khách đến bằng du thuyền. Đây là thị trường lớn, đa dạng nhu cầu. Sau 2 năm chờ đợi, khách Trung Quốc không bùng nổ như kỳ vọng nhưng năm 2024 có thể tốt hơn khi Trung Quốc có chính sách khuyến khích du lịch. Tuy nhiên, khách Trung Quốc lại không xem Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung là điểm đến chính,” ông Hòa nói.

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Vũ Thế Bình cho rằng dù lượng du khách quốc tế tăng nhưng khách đi tour không nhiều. Theo ông Bình, Việt Nam có đầy đủ điều kiện về tài nguyên thiên nhiên, môi trường cùng các yếu tố khác nhằm phát triển du lịch nhưng lại chưa thể phát triển nhanh. Vậy phải làm sao để tăng trưởng lượng khách nước ngoài? Làm sao đón nhiều du khách đạt mức chi tiêu cao nhất?

“Chúng ta có thể thấy 20 năm trở lại đây, khách Hàn Quốc, Nhật Bản đi theo hướng riêng của họ, khách Trung Quốc tăng trở lại nhưng không lớn. Tour giá rẻ cho khách Trung Quốc đã xuất hiện trở lại. Tôi cho rằng muốn thu hút khách cần có sản phẩm phù hợp. Muốn vậy phải có chính sách thích hợp, trong khi lâu nay, việc triển khai chính sách ở ta rất chậm và khó, khiến ngành du lịch gặp nhiều khó khăn. Nếu lạc hậu về chính sách sẽ luôn luôn tụt hậu, bao gồm cả trong chính sách xúc tiến du lịch”, ông Bình nói.

Bên cạnh đó, là chuyên gia đã gắn bó với ngành du lịch cả nửa thế kỷ nay, theo ông Bình, nhiều địa phương tổ chức lễ hội đã nhầm lẫn giữa thu hút khách nội địa với khách quốc tế. Bởi, khách du lịch quốc tế không đủ thời gian và sự quan tâm để tham gia những lễ hội mà các địa phương tổ chức ở khắp nơi. Vì vậy, cần có chiến lược xúc tiến du lịch quốc gia đồng thời các tỉnh, thành phố dành kinh phí thực hiện xúc tiến theo đúng chiến lược đó mới thu hút được khách quốc tế vào.

Hội An là điểm đến ưa thích của du khách trong nước và quốc tế. (Ảnh: CTV)

Năng động hơn để du khách “chịu chi”

Đại diện các đơn vị lữ hành lớn, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch… được đánh giá là “anh cả” của ngành công nghiệp không khói Việt cho biết thời gian qua họ gặp khó khăn về tài chính, nhân sự, nhưng năm 2024 sẽ phấn đấu đạt và vượt doanh thu năm 2019, tức thời điểm trước COVID-19 bùng phát.

Trưởng Phòng Bán và Tiếp thị, Ban Tiếp thị và Bán sản phẩm Vietnam Airlines, bà Phạm Thanh Giang cho biết khách du lịch quốc tế đến Việt Nam qua hãng này mới bằng 90% năm 2019, do các thị trường chính Trung Quốc, Nga chưa khai thác được, khách Nhật Bản cũng giảm bởi nước này đang triển khai chính sách thu hút khách vào hơn là khuyến khích người dân ra nước ngoài.

“Chúng tôi đang xoay xở tìm khách mới bù đắp số lượng thiếu hụt. Cụ thể, Vietnam Airlines đang chuẩn bị mở thêm đường bay đến Philippines vào tháng Sáu tới và mở đường bay Munich, Đức vào tháng 10 nhằm hy vọng đón thêm luồng khách mới”, bà Giang cho hay.

Theo đại diện hãng hàng không quốc gia, từ năm 2021 đến nay hãng này đã đẩy mạnh liên kết với các công ty du lịch, địa phương nhằm giúp mang hình ảnh Việt Nam, sản phẩm du lịch đến với khách quốc tế. Tuy nhiên, Vietnam Airlines vẫn có sự “lăn tăn” trong quá trình tự xúc tiến du lịch này.

Trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên là xu hướng của một bộ phận không nhỏ du khách quốc tế khi lựa chọn điểm đến. (Ảnh: CTV)

“Hàng năm, chúng tôi tham gia 30-40 sự kiện xúc tiến quốc tế và có kêu gọi các đơn vị trong ngành du lịch nhưng mức độ tham gia là rất hạn chế. Chúng tôi mong Cục Du lịch Quốc gia sẽ làm đầu mối trong các hoạt động xúc tiến du lịch quốc tế nhằm tạo thông điệp chung, đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới mạnh mẽ hơn. Vietnam Airlines cam kết sẽ tham gia nhiệt tình, đầu tư xứng đáng các chương trình để lan tỏa hình ảnh quốc gia”, bà Giang nói.

Về việc xây dựng các gói sản phẩm trước sự thay đổi nhu cầu của khách du lịch, Vietnam Airlines cũng phải năng động hơn để phục vụ khách. Theo đó, đơn vị này đang phối hợp các tập đoàn lớn xây dựng các gói du lịch hấp dẫn với kỳ vọng nửa cuối 2024 sẽ đón lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng đáng kể và sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam.

Không chỉ Vietnam Airlines, các đơn vị lữ hành lớn như Saigontourist, Vietravel, Flamingo Redtours… cũng đang nỗ lực “tự cứu mình” với những chương trình chủ động kết nối riêng. Tuy nhiên, để tăng tỷ lệ khách quốc tế quay lại Việt Nam, đại diện Saigontourist kiến nghị mặc dù chính sách visa của ta đã thông thoáng hơn rất nhiều so với trước nhưng vẫn cần hấp dẫn hơn nữa bằng cách miễn visa cho du khách từ các thị trường trọng điểm, giống như Thái Lan, Malaysia, Singapore đã miễn visa cho thị trường lớn Trung Quốc.

“Saigontourist cam kết đồng hành với Cục Du lịch Quốc gia tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại quốc tế, các hoạt động của ngành du lịch nước nhà nhằm đưa Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn. Chúng tôi mong có văn phòng xúc tiến thương mại du lịch ở châu Âu, Mỹ, ASEAN, Trung Quốc… để ‘cánh tay’ của du lịch Việt sẽ được nối dài, góp phần quảng bá và thu hút khách quốc tế đến”, ông Võ Việt Hòa bày tỏ./.

Theo: TTXVN
Spread the love
Back To Top