“Phát triển Du lịch Lễ hội ASEAN” là một dự án được kỳ vọng sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch trong khu vực, đẩy mạnh kết nối điểm đến nội khối.
Hội thảo về Du lịch Lễ hội ASEAN đã diễn ra sáng 26/12 tại Hà Nội.
Sự kiện do Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chủ trì tổ chức nhằm tạo diễn đàn chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa các nước ASEAN, chuyên gia về giải pháp phát triển, kết nối điểm đến du lịch lễ hội, góp phần đa dạng hóa sản phẩm và phục hồi du lịch khu vực.
Việt Nam đang tham gia và đóng góp tích cực cho các hoạt động hợp tác du lịch trong khuôn khổ ASEAN.
Hiện nay, nước ta đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Ủy ban Nguồn lực, Giám sát và Đánh giá Du lịch ASEAN; điều phối chính dự án “Xây dựng Sản phẩm Du lịch Lễ hội ASEAN.”
Theo Ban tổ chức, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đã thông tin du lịch quốc tế đang trên đà phục hồi và sẽ đạt khoảng 90% so với trước đại dịch vào cuối năm 2023.
Có nhiều điểm đến đã khôi phục, thậm chí vượt số lượng khách đến và doanh thu như trước đại dịch COVID-19.
Theo dự báo của nhiều chuyên gia du lịch, ngành du lịch thế giới có khả năng phục hồi hoàn toàn từ năm 2024 trở đi.
Tuy vậy, khu vực Đông Nam Á được đánh giá có tốc độ phục hồi chậm hơn thế giới do chịu tác động nặng nề từ đại dịch cũng như ảnh hưởng từ các thị trường nguồn mở cửa du lịch trở lại chậm hơn.
Năm 2022, các nước thành viên ASEAN đã đón 43 triệu lượt khách du lịch quốc tế, chỉ phục hồi 30% so với năm 2019.
Do đó, du lịch ASEAN đã tăng cường hợp tác vì sự phát triển bền vững và phục hồi nhanh chóng sau đại dịch.
Hai năm qua, ASEAN đã ban hành nhiều chính sách mới như Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch Phục hồi Du lịch sau đại dịch COVID-19, Khung phát triển Du lịch Bền vững giai đoạn sau COVID-19…
Việc xây dựng sản phẩm du lịch để nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến ASEAN là một nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy sự phục hồi sau đại dịch. Trong đó, “Phát triển Du lịch Lễ hội ASEAN” là một dự án được kỳ vọng sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch trong khu vực, đẩy mạnh kết nối điểm đến nội khối.
Với vai trò điều phối dự án “Phát triển Sản phẩm Du lịch Lễ hội ASEAN,” chuyên gia Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã trình bày, giới thiệu tổng quan về các lễ hội khu vực Đông Nam Á, tình hình khai thác, đề xuất giải pháp để phát triển hiệu quả du lịch lễ hội cho ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Báo cáo nêu rõ khu vực ASEAN được coi là những đất nước của các lễ hội. Nơi đây lễ hội diễn ra quanh năm, ở nhiều nơi với nhiều sắc thái khác nhau. Đó có thể là lễ hội phản ánh tín ngưỡng thờ lúa, thờ nước, phồn thực, mặt trời, thờ cúng tổ tiên.
Các lễ hội cổ truyền Đông Nam Á gồm lễ hội nông nghiệp, tôn giáo, tôn vinh anh hùng dân tộc, thành hoàng, tổ nghề…
Du lịch lễ hội đem đến cơ hội để khách du lịch khám phá văn hóa bản địa, ẩm thực truyền thống và đặc biệt là trải nghiệm hoạt động vui chơi giải trí đặc sắc.
Ngày nay, nhiều lễ hội ở khu vực Đông Nam Á đã trở nên nổi tiếng, thu hút đông khách du lịch khắp nơi trên thế giới như lễ hội năm mới ở Campuchia (Chnam Thmei), lễ hội té nước, lễ hội thả đèn lồng ởThái Lan, lễ hội đua thuyền ở Lào, lễ hội nghệ thuật Bali ở Indonesia, lễ hội rằm Trung thu ở Việt Nam…
Du lịch lễ hội là con đường ngắn nhất để tìm hiểu về sinh hoạt tâm linh của các dân tộc trong khu vực.
Đồng thời, tour du lịch lễ hội cho khách thấy một cách rõ nét nhất sự phong phú đa dạng của cuộc sống cư dân khu vực Đông Nam Á.
Các đại biểu đều cho rằng cần xúc tiến để ASEAN trở thành một điểm đến lễ hội, có khả năng kết nối khu vực và đa dạng hóa tour du lịch, tạo nên sức hấp dẫn đặc trưng.
Các cơ quan quản lý du lịch địa phương chia sẻ việc nắm bắt cơ hội để đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch lễ hội, tạo ra tính đặc trưng, nâng cao sức cạnh tranh của điểm đến.
Các đại biểu cũng thảo luận về kinh nghiệm quốc tế, xu hướng mới cho du lịch lễ hội. Bên cạnh đó là những kiến nghị, định hướng vai trò của các bên liên quan để quản lý, khai thác du lịch lễ hội hiệu quả, đảm bảo phát triển du lịch song hành với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa-di sản theo hướng bền vững./.