Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thúc đẩy du lịch xanh phát triển bền vững

Khách du lịch đến Bà Rịa-Vũng Tàu có thể tham gia nhiều “dịch vụ du lịch hoàn toàn xanh,” hòa mình với thiên nhiên trong lành như lặn biển ngắm san hô, đi xe đạp vòng quanh đảo, leo núi… 

                                                                                    Các đoàn du khách rất thích thú khi tự tay mình thả rùa con về biển Vườn Quốc gia Côn Đảo. (Ảnh: TTXVN)

Du lịch xanh nhằm bảo vệ môi trường đang được nhiều du khách trong nước và quốc tế quan tâm. Đón trước xu hướng này, ngành Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung và các điểm đến nói riêng đã triển khai nhiều biện pháp phù hợp nhằm thúc đẩy du lịch xanh phát triển bền vững.

Côn Đảo – điểm đến du lịch xanh tiêu biểu

Côn Đảo là một điểm đến còn khá hoang sơ, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Đến đây, khách du lịch có thể tham gia nhiều “dịch vụ du lịch hoàn toàn xanh,” hòa mình với thiên nhiên trong lành như lặn biển ngắm san hô, đi xe đạp vòng quanh đảo, leo núi… hay đắm mình vào không gian xanh mát của Vườn Quốc gia Côn Đảo.

Sự khác biệt này đã khiến nơi đây luôn là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn. Năm 2023, lượng khách đến Côn Đảo tăng gần 12% so với cùng kỳ năm 2022, tương đương 586.000 lượt (trong đó có 17.000 lượt khách quốc tế).

Theo ông Hassan Sabree, Quản lý Khu Resort Six Senses Côn Đảo, đến với Six Senses Côn Đảo, nhiều du khách thích thú khi tham gia tái chế các sản phẩm như xà phòng, nến từ những sản phẩm đã qua sử dụng, hoặc tham quan nơi xử lý nước uống đóng chai, nơi nuôi gà, trồng rau sạch, được đắm mình vào thiên nhiên hoang sơ…

Hạn chế tác động của con người vào tự nhiên

Tận dụng, phát huy tối đa ưu thế tự nhiên, phát triển du lịch bền vững là chủ trương xuyên suốt của huyện Xuyên Mộc cùng các nhà đầu tư khi triển khai các dự án tại đây. Vì thế, những tác động của con người vào tự nhiên được tính toán kỹ lưỡng và tinh tế, vừa đủ đánh thức tự nhiên, tô thêm vẻ đẹp, phát huy giá trị vừa không ảnh hưởng đến môi trường, sinh cảnh.

Ông Nishant Uniyal, Quản lý Khách sạn Melia Hồ Tràm (huyện Xuyên Mộc), cho biết khách sạn nói không với vật dụng bằng nhựa. Mọi vật dụng và đồ dùng nơi đây đều thân thiện và không có hại cho môi trường. Ngoài ra, đơn vị còn thường xuyên tổ chức cho nhân viên dọn dẹp và làm sạch bãi biển, vì sự phát triển bền vững và mang lại trải nghiệm tốt cho du khách. Rác thải trong khu vực được đơn vị thu gom và phân loại phù hợp. Khách sạn đang có dự án ủ rác thải hữu cơ làm phân bón cho cây, phục vụ nhu cầu chăm sóc cây tại đây.

Theo ông Phạm Ngọc Hải, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, vừa qua, tại huyện Côn Đảo, tỉnh đã tổ chức Hội thảo về kinh tế tuần hoàn; qua đó lồng ghép mô hình du lịch xanh vào mô hình kinh tế tuần hoàn. Đây là mô hình mẫu của tỉnh.

Côn Đảo đang triển khai tốt mô hình du lịch xanh; tập trung tuyên truyền để mọi người có trách nhiệm bảo vệ môi trường, thu hút đầu tư. Nhận thức được việc phát triển du lịch xanh và bền vững là điều kiện để sinh tồn, hầu hết các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đều rất quan tâm đến vấn đề này.

Thay đổi phương thức, cách thức để tiếp cận xu hướng

Các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch đều cho rằng Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trong việc phát triển du lịch xanh.

Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia, nhận định đây là thời gian để các địa phương, doanh nghiệp thay đổi phương thức, cách thức để tiếp cận xu hướng, nhu cầu phát triển trên thế giới nhằm thay đổi hành vi kinh doanh.

“Xanh” được hiểu theo nghĩa rộng là phát triển hoàn toàn bền vững theo quan điểm không chỉ về kinh tế, xã hội và môi trường mà còn là vấn đề giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, đổi mới sinh thái thông qua việc ứng dụng công nghệ hiện đại để thay đổi cách thức kinh doanh theo hướng tiêu dùng bền vững.

Một bãi biển ở Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Huỳnh Sơn/TTXVN)

Bà Rịa-Vũng Tàu có đầy đủ điều kiện và khả năng để phát triển du lịch xanh, hướng tới tăng trưởng du lịch bền vững. Cộng đồng du lịch trên địa bàn đã chú trọng thúc đẩy việc kinh doanh du lịch theo hướng tôn trọng môi trường tự nhiên. Từ những địa danh lâu đời (như Hồ Tràm, Hồ Cốc, suối khoáng nóng Bình Châu…) cho đến những địa danh “mới nổi” (như Suối Rao Ecolodge, Đất Rồng-Đinh Gia Trang, Suối Rao Forest…) đều có sức hút đặc biệt đối với du khách.

Theo ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa ban hành tiêu chí về du lịch xanh. Tuy nhiên, tỉnh Quảng Nam đã có bộ tiêu chí này. Tỉnh sẽ học tập kinh nghiệm để xây dựng, ban hành bộ tiêu chí về nội dung này. Trên cơ sở đó, địa phương có thể định hướng mô hình phát triển trong tương lai đúng định hướng của Chính phủ.

Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, khẳng định du lịch xanh là xu hướng phát triển mạnh trên toàn thế giới. Việt Nam cũng nắm bắt xu hướng này để thúc đẩy du lịch phát triển và Bà Rịa-Vũng Tàu không nằm ngoài xu hướng đó.

Tỉnh nhận thấy du lịch xanh là hướng đi bắt buộc trong thời gian tới. Để làm được việc này, các cơ quan Nhà nước cần tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, người dân, tạo ra môi trường thân thiện, trong sạch, an ninh và an toàn, sử dụng tất cả loại vật liệu cũng như các chương trình du lịch của mình gắn với các chương trình bảo vệ môi trường; đồng hành cùng tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ tại COP 26 là đến 2050 “Việt Nam sẽ trở thành quốc gia NET Zero.”

Năm 2023, tỉnh đã đón trên 14 triệu lượt khách, tăng 15,27% so cùng kỳ năm 2022. Doanh thu từ khách du lịch khoảng 14.678 tỷ đồng, tăng 12,15%; trong đó, doanh thu từ các cơ sở lưu trú khoảng 5.178 tỷ đồng, dịch vụ lữ hành khoảng 300 tỷ đồng. Mục tiêu đến năm 2024, du lịch của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ phục hồi mạnh, dự kiến đón khoảng 15,5 triệu lượt khách (tăng 10,19% so với năm 2023). Doanh thu du lịch dự kiến đạt gần 16.500 tỷ đồng (tăng 12,35% so với năm 2023).

Ông Trịnh Hàng nhấn mạnh phát triển du lịch xanh không chỉ đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên mà còn mang lại những giá trị mới cho sản phẩm du lịch, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Với những việc đã làm được và những hướng đi cụ thể, du lịch xanh sẽ tiếp tục phát triển, đóng góp xứng đáng trong tổng thể của ngành Du lịch địa phương trong tương lai./.

Theo: TTXVN
Spread the love
Back To Top